
Tiến sĩ Đinh Hùng Cường mang trứng gà, gạo siêu hiếm từ Nhật Bản về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - Ảnh: VŨ TUẤN
Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, trưởng phòng R&D, Viện Hóa học nước biển Fukoda - Nhật Bản, mang gạo và trứng gà từ Nhật Bản về giới thiệu với các đại biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu vừa được tổ chức ngày 20-7 tại Hà Nội.
Gạo siêu hiếm, trứng gà "ngon nhất thế giới" vì sản xuất hữu cơ
Hai loại nông sản tiến sĩ Cường mang đến là những loại rất đặc biệt. Những quả trứng gà được Vương quốc Bỉ công nhận là “trứng gà ngon nhất thế giới”.
Loại gạo anh mang đến diễn đàn cũng là loại gạo ngon, chất lượng chỉ có trong những khách sạn và nhà hàng cao cấp của Nhật Bản.
Tiến sĩ Cường cho biết đây chỉ là hai trong số nhiều cây trồng, vật nuôi sử dụng loại phân bón, thức ăn sạch chăn nuôi theo công nghệ ion hóa để giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất thay vì lãng phí ra môi trường như các loại phân hóa học truyền thống.
Anh cho hay đã phối hợp với một doanh nghiệp ở Đắk Lắk (cũ) thử nghiệm trên cây cà phê. Sản phẩm thu được là những hạt cà phê giàu hương vị, dưỡng chất.

Loại trứng gà được công nhận "ngon nhất thế giới" được nuôi bằng công nghệ hữu cơ - Ảnh: VŨ TUẤN
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, tiến sĩ Cường nhận ra một vấn đề là đất trồng ở Việt Nam đã nhiễm quá nhiều loại phân bón hóa học. Sản phẩm công nghệ của anh muốn thành công phải ra một phiên bản khác hoặc phải đợi nhiều năm để đất hồi phục trạng thái hữu cơ.
Anh chia sẻ việc cất công mang gạo, trứng gà "ngon nhất thế giới" về giới thiệu, để đại biểu được ăn thử không phải để chào hàng mà để truyền cảm hứng khởi nghiệp nông nghiệp xanh cho các bạn trẻ.
Phân tích giá trị của sản phẩm nông nghiệp nằm ở tính bền vững và tính an toàn, anh dẫn câu chuyện những quả xoài ở Nhật Bản có giá khoảng 2,5 triệu đồng/quả.
Nếu chỉ nói về hương vị thì xoài ở Việt Nam ngon không kém, nhưng một quả xoài trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Nhật kết hợp với cách tiếp thị của người nông dân Nhật lại có giá trị bằng cả tạ xoài ở Việt Nam.
"Nếu bỏ tiền ra mua một quả xoài ấy ở Nhật thì ở Việt Nam, tôi ăn no xoài cả tuần được", anh nói.
Kiến nghị chính sách tín dụng "xanh"
Câu chuyện nông nghiệp xanh của các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đặt ra vấn đề về những rào cản về thủ tục và nhiều quy định không cần thiết cần được lược bỏ.
Cụ thể với chế phẩm phân bón công nghệ ion của tiến sĩ Đinh Hùng Cường, sau khi phối hợp nghiên cứu với doanh nghiệp Việt, phải làm thủ tục mất 3 năm vẫn chưa được cấp bảo hộ thương hiệu.

Các đại biểu trí thức trẻ đề xuất nhiều chính sách phát triển công nghệ, kinh tế xanh - Ảnh: VŨ TUẤN
Nhiều đại biểu trí thức trẻ phát biểu tại diễn đàn cũng đặt vấn đề về rào cản thủ tục. Nhà khoa học bỏ rất nhiều thời gian, trí tuệ, công sức để nghiên cứu ra sản phẩm, nhưng bước đăng ký bảo hộ lại phức tạp, nhiều thủ tục.
Đây là vấn đề khiến nhiều nghiên cứu của nhà khoa học trẻ Việt được đánh giá cao ở nơi khác nhưng lại khó khăn khi đưa vào thực tiễn sản xuất trong nước.
Một số đại biểu nêu việc phát triển kinh tế xanh đang chịu nhiều thiệt thòi. Sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ chi phí cao nhưng năng suất không bằng sản phẩm thường. Sản phẩm hữu cơ giá thành cao cũng khó tiêu thụ.
Người dân và doanh nghiệp muốn phát triển kinh tế xanh, bền vững lại khó tiếp cận vốn, vì vậy cần có chính sách về tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch, an toàn. Cụ thể, chính sách tín dụng hiện nay chủ yếu dựa trên điểm tín dụng và những tiêu chí như tài sản đảm bảo, khả năng sinh lời, doanh thu trong tương lai...
"Thay vì như vậy chúng ta có thể xây dựng chính sách chấm điểm tín dụng các doanh nghiệp dựa vào tiêu chí xanh. Ví dụ doanh nghiệp đạt bao nhiêu điểm "xanh" thì sẽ cấp tín dụng ở mức tương ứng.
Có như vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tiếp cận được nguồn vốn, giảm chi phí để cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống", một đại biểu đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận