01/02/2014 18:30 GMT+7

Mang tình yêu toán đến trẻ em

NGỌC HÀ - LAN ANH
NGỌC HÀ - LAN ANH

TTXuân - Một phương pháp dạy học mới đang “tạo sóng” trong giới SV sư phạm Hà Nội bằng cách truyền cảm hứng học toán, tình yêu toán học và kích thích tư duy cho người học toán với tên gọi khá “tây”: phương pháp PoMath (Chương trình phát triển tư duy thông qua dạy học môn toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em).

QlYwiHqy.jpg
Một giờ học toán dành cho trẻ bước vào lớp 1 bắt đầu kỳ lạ bằng màn… khởi động tay chân - Ảnh: Việt Dũng

Người khởi tạo nên phương pháp dạy - học toán kích thích tư duy này là TS Chu Cẩm Thơ - phó trưởng bộ môn phương pháp dạy toán khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Phương pháp này được phát triển từ đề tài tiến sĩ của Thơ, một người hoàn toàn không đi học ở nước ngoài.

Mở đường

Đánh giá kiểm định chất lượng chương trình dạy toán PoMath, PGS.TS Vũ Dương Thụy - viện trưởng Viện Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) - khẳng định: Chương trình dạy toán PoMath có tác dụng bổ trợ tích cực cho học sinh tiểu học, bảo đảm được khả năng phân hóa các đối tượng học sinh yếu kém và khá giỏi.

Một giờ học toán dành cho trẻ bước vào lớp 1 bắt đầu kỳ lạ bằng màn… khởi động tay chân. Sự thoải mái cuốn trẻ vào bài học một cách tự nhiên, không gò ép. Một tờ bìa màu xanh hình chữ nhật được giáo viên thao tác đơn giản bằng vài nếp gấp tạo thành nhiều hình chữ nhật nhỏ, rồi biến hóa thành hình vuông, hình tam giác…

Không còn đơn thuần là các hình vẽ trên bảng, xóa đi rồi vẽ hình mới, học sinh được tiếp cận với sự chuyển động của các khối hình và nhiệm vụ của những đứa trẻ là sẽ tạo ra hình khối mới theo tư duy riêng của từng em. “Ý tưởng bắt nguồn từ khi mình tham gia các lớp học ngoại ngữ theo chuẩn chung quốc tế. Lớp học luôn bắt đầu bằng bài kiểm tra phân cấp trình độ để xem năng lực hiện tại thế nào, nhu cầu bổ sung kiến thức nằm ở đâu” - Chu Cẩm Thơ bộc bạch.

Hành trình hiện thực hóa ý tưởng về một phương pháp giảng dạy mới hóa ra không đơn giản. Căn bệnh thành tích còn nặng nề ở đa số nhà trường ngăn Thơ khó lòng lấy được số liệu thực tế. Hiếm trường nào chấp nhận kết quả kiểm tra, đánh giá mới mà bình thường học trò trên lớp đạt toàn giỏi, xuất sắc, tự nhiên lại tụt xuống mức thảm hại. “Tại Trường tiểu học H, quận Ba Đình, học sinh lớp chọn vốn toàn đạt điểm 9-10, nhưng kết quả đánh giá thông qua hình thức này chỉ cho phổ điểm trải từ 2,5-8,7.

Lý do quá dễ hiểu khi trong môi trường giáo dục đồng loạt, việc dạy học nhiều khi buộc phải theo khuôn mẫu, học sinh làm bài theo trí nhớ, học thuộc, chứ không phải kết quả của quá trình tự tư duy. Đến khi gặp bài mới, dù trong chuẩn chương trình vẫn bỡ ngỡ, lúng túng. Chưa kể sĩ số các lớp học quá đông, nên chuyện chép bài nhau để đạt điểm cao là điều dễ xảy ra” - Thơ phân tích.

GS.TS Bùi Văn Nghị - nguyên trưởng khoa toán - tin, hiện là trưởng bộ môn phương pháp dạy học khoa toán - tin ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng không gì nói lên hiệu quả của phương pháp dạy học toán mới thuyết phục hơn chính sự lựa chọn của phụ huynh. “Sẽ không thể có hàng trăm phụ huynh đang gửi gắm con em mình vào các lớp học PoMath, kiên trì theo các khóa học tiếp theo nhau nếu lớp học không đem lại khả năng tư duy mới cho học trò.

Phương pháp dạy học của Chu Cẩm Thơ vẫn cần thêm thời gian để chứng minh. Song không cần phải thêm thời gian để khẳng định Thơ làm được một việc mà nhiều người thầy lâu năm như chúng tôi chưa làm được: đó là tạo ra việc làm cho nhiều SV ĐH Sư phạm Hà Nội khi các em vừa ra trường” - GS Nghị nhấn mạnh.

M0u1DKfp.jpg
Toán học không còn là môn học khô khan với các học trò nhỏ, mà đã trở thành một niềm thích thú - Ảnh: Việt Dũng

Học từ học trò

Các lớp dạy học theo phương pháp kích thích tư duy cho trẻ được TS Chu Cẩm Thơ khởi động hơn một năm. Riêng K58 ĐH Sư phạm Hà Nội có cả chục SV khoa toán - tin tốt nghiệp năm 2012 về “đầu quân” ở các lớp dạy theo phương pháp của Chu Cẩm Thơ. Điều gì đã níu những SV giỏi của ĐH Sư phạm Hà Nội không đi dạy các trường THPT như thường thấy mà lại gắn bó với các lớp học PoMath vốn chỉ dành cho trẻ từ 5-12 tuổi? Nguyễn Thị Trang - một giáo sinh trẻ - thú thật không ít người đã đặt câu hỏi như vậy với Trang, cùng với sự hoài nghi về một lý do lạ lùng nào đó đã khiến các cô giáo vốn được đào tạo để dạy học sinh cấp THPT lại tự “hạ cấp” để đi dạy học sinh tiểu học.

“Mỗi ngày đi dạy là một ngày mình học thêm được nhiều điều từ chính học trò. Mình dạy trò cách quan sát, tư duy, nhưng bản thân mình cũng phải không ngừng quan sát để đánh giá chính xác khả năng từng em. Sau mỗi buổi học, nhiệm vụ của người thầy không chỉ là soạn bài mà chính là ghi nhật ký cho các em, theo dõi biểu đồ tiến bộ từng ngày của các em” - Trang hào hứng chia sẻ.

Tuy nhiên, chính học trò mới là những người được truyền tình yêu với toán học. Chị Hương, mẹ bé Hoàng Nam, một học sinh lớp 2 ở Hà Nội đã học ở PoMath trong hơn một năm qua, hào hứng chia sẻ kể từ khi đến học toán ở PoMath, bé Nam trở nên rất hào hứng với môn toán và thích học toán. Mỗi một đề toán mới, bé luôn nghĩ ra nhiều cách giải mà không chịu dừng lại ở cách giải “mẫu”. “Mỗi ngày có giờ học toán ở PoMath, chính Nam mới là người giục mẹ đưa đi học, cháu không sợ, không ngại toán mà rất thoải mái học toán” - chị Hương chia sẻ. Đây chính là khoản “lãi” lớn nhất mà TS Thơ và các đồng sự ở PoMath nhận được.

Sau một năm đầu tiên của PoMath, khảo sát sơ bộ 500 phụ huynh có con em đã học ở Pomath, ngoài kết quả các bé cải thiện được thành tích học tập thì tất cả các bé đều trở nên thích học toán. “Hầu hết phụ huynh đưa con đến đây không phải vì họ có mục đích con mình học giỏi toán, mà họ có nhu cầu con mình thích học toán. Chúng tôi nghĩ đó là thành quả khả quan nhất ở giai đoạn ban đầu này. Bên cạnh đó, phương pháp PoMath cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu toán. Quỹ Bill & Melinda Gates cũng đang nghiên cứu hỗ trợ cho chương trình” - Thơ nói.

Không chỉ ứng dụng phương pháp dạy học gợi mở tư duy thay vì trang bị kiến thức ở các lớp học toán của hai cơ sở PoMath, Chu Cẩm Thơ và cộng sự đã hiện thực hóa phương pháp dạy học mới cho tất cả môn học toán, lý, sinh học, ngữ văn… ở một trường phổ thông mới vừa qua mùa tuyển sinh đầu tiên: Trường THCS Alpha. Chính Thơ đã phải thuyết phục nhiều lần để Phòng Giáo dục - đào tạo quận Thanh Xuân, Hà Nội chấp thuận việc trường không bắt buộc phải tuân theo phân phối chương trình có sẵn. Quy định của bộ chỉ là dạy theo chuẩn, nhưng lâu nay các trường cứ tự khuôn gói mình vào phân phối có sẵn. Việc điều chuyển trật tự bài học và cả thời lượng các bài học cho phù hợp là cách mà Thơ lựa chọn. Tích hợp nội dung, dạy học theo chủ đề đòi hỏi giáo viên các bộ môn cùng ngồi lại với nhau, họp nhóm để thay đổi kết cấu chương trình cho phù hợp.

Theo cách này, việc sắp xếp bài học được thực hiện sao cho các môn học có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Đến nay, hai lớp 6 đầu tiên của Trường Alpha có 28 học sinh theo học và những phụ huynh của hai lớp học này vẫn được xem là những phụ huynh “dũng cảm”. Bù lại, bất cứ chất vấn nào của phụ huynh cũng được giải đáp cặn kẽ, đủ để yên tâm con cái mình khi ra trường không bị “lệch chuẩn” so với bạn bè đồng trang lứa.

Nhân tình yêu với những con số tưởng khô khan

Ít ai biết TS Chu Cẩm Thơ ở độ tuổi 32 đang là người trẻ nhất tham gia nhóm chuyên gia viết sách môn toán cho mô hình trường học mới của Bộ GD-ĐT, chuẩn bị cho những thay đổi căn bản, toàn diện về sách giáo khoa sau năm 2015. Lợi thế riêng có của một người trực tiếp đứng lớp cho Thơ cơ hội nắm bắt tâm lý học sinh nhiều hơn cả những người viết sách kỳ cựu. Nhưng thú vị không kém và cũng không nhiều người biết TS Chu Cẩm Thơ chính là nhân vật của “Học trò giỏi hiếu thảo” của báo Tuổi Trẻ 14 năm trước.

Khi ấy, cô thiếu nữ Chu Cẩm Thơ ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) trúng tuyển vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lớp 7 Thơ đã đi luyện toán cho các anh chị… lớp 10, rồi ròng rã một mình là nữ “chiến đấu” với vật lý trong đội tuyển toàn nam, mỗi buổi học đội tuyển Thơ một mình bê chiếc xe đạp cũ lên tầng 3 khóa lại “giữ của” rồi quay về lớp học.

14 năm đã qua là một chặng đường không dài trong một đời người, gặp lại Chu Cẩm Thơ chúng tôi thấy hạnh phúc vì những kết quả mà cô đã đạt được: thạc sĩ năm 25 tuổi, tiến sĩ năm 29 tuổi và ở tuổi 32 là vị trí phó chủ nhiệm bộ môn, tham gia viết sách giáo khoa môn toán.

Nhưng đáng kể hơn cả là Thơ đang mang tình yêu toán đến với các em nhỏ, nhân tình yêu với những con số tưởng khô khan nhưng cũng chứa đựng rất nhiều điều hứng thú đến với những cô, cậu bé hứa hẹn sẽ yêu toán như Thơ ngày nào. Gặp lại những người làm ở báo Tuổi Trẻ, Thơ kể mới đi Thái Nguyên dự đám cưới một thành viên “Học trò giỏi hiếu thảo”, những cựu thành viên “Học trò giỏi hiếu thảo” vẫn thường gặp gỡ nhau, ở đó Thơ được coi là một người chị lớn trong gia đình. Và gia đình ấy đang trưởng thành, với những cá nhân coi sáng tạo là hạnh phúc.

NGỌC HÀ - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên