26/05/2018 10:08 GMT+7

Mang nợ vì mỹ phẩm miễn phí: Đề nghị thu hồi sản phẩm DeAura

NGUYỄN HẢI - LAN ANH -  NGÔ HẠNH
NGUYỄN HẢI - LAN ANH - NGÔ HẠNH

TTO - Không những bị kết luận vi phạm trong nước, mỹ phẩm DeAura cũng bị phản ứng mạnh tại nước ngoài, đồng thời bị Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo “rủi ro nghiêm trọng”...

Mang nợ vì mỹ phẩm miễn phí: Đề nghị thu hồi sản phẩm DeAura - Ảnh 1.

Khách hàng đến Công ty TNHH Venesa ngày 25-5 yêu cầu thu hồi sản phẩm, trả lại tiền - Ảnh: NGUYỄN HẢI

Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được phản ảnh sau khi đăng bài "Mang nợ vì mỹ phẩm miễn phí" (Tuổi Trẻ ngày 20-5-2018), cả từ người dân và cơ quan chức năng.

Khách hàng tiếp tục phản ứng

Ngày 25-5, rất nhiều người tụ tập tại trụ sở Công ty TNHH Venesa - tên mới đổi của DeAura (đóng tại 407 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM). 

Những người tụ tập trưng biểu ngữ yêu cầu công ty này phải thu hồi sản phẩm, trả tiền cho khách hàng với các lý do là không tỉnh táo khi được mời mua, bị thúc giục ký mua sản phẩm, mua xong mắc nợ với công ty tài chính hoặc ngân hàng, gặp khó khăn trong trả nợ vì bộ sản phẩm lên tới 43 triệu đồng...

Dù được chính quyền P.14, Q.10 và lực lượng an ninh của Công ty Venesa mời vào trụ sở lập biên bản tường trình, nhưng cuối cùng nhiều người vẫn không trả được hàng vì công ty yêu cầu khách phải chịu 50% chi phí.

Bà Liên Kim Cúc (Q.3) cho biết đang tiếp tục tập hợp chữ ký của các khách hàng "lỡ" mua bộ sản phẩm của DeAura, để làm đơn kêu cứu gửi UBND TP.HCM vì không trả được sản phẩm. 

Trước đó, bà Cúc sau khi trải nghiệm miễn phí dịch vụ và "lỡ" mua bộ mỹ phẩm trị giá 43 triệu đồng của Deaura, "đến tháng thứ 3 thì da mặt tôi nổi mụn rất nhiều, chảy xệ"... 

Được nhân viên khuyên dùng thêm 3 tháng vẫn không cải thiện, bà Cúc quyết định trả lại sản phẩm nhưng bị đưa yêu sách vô lý nên phải ôm bộ sản phẩm về "xếp xó". 

Ngày 19-5, bà Cúc đến Bệnh viện Da liễu khám, bác sĩ yêu cầu bà phải ngưng dùng mỹ phẩm của DeAura ngay lập tức.

Quảng cáo không đúng nội dung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho hay cơ quan này đã cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm mỹ phẩm cho 27 sản phẩm DeAura, nhưng thực tế công ty này kinh doanh chính 10 sản phẩm nằm trong bộ sản phẩm mà công ty thường bán với giá "khuyến mãi" 43 triệu đồng/bộ.

Trong tuần qua, Cục Quản lý dược đã kiểm tra tại trụ sở chính của công ty cung cấp sản phẩm DeAura. 

Qua kiểm tra phát hiện công ty vi phạm hai mẫu quảng cáo (nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã gửi Sở Y tế Hà Nội). Với vi phạm này, Cục Quản lý dược cho biết khung phạt vi phạm hành chính là 30 triệu đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ về trách nhiệm của Cục Quản lý dược khi cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng thực tế hoạt động kinh doanh của công ty có nhiều biểu hiện lạ và bị nhiều người phản ứng, Cục Quản lý dược cho biết cách đây hơn hai tuần, một số cơ quan báo chí có gửi đến cục mẫu DeAura bị hở ở vỏ hộp, đề nghị xem xét về chất lượng. 

"Sản phẩm kiểm nghiệm được lấy mẫu đúng quy cách mới có đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra và đánh giá chất lượng. Qua kiểm tra hậu mãi tại trụ sở công ty, chúng tôi chưa phát hiện các sai sót về chuyên môn ngoài vi phạm quảng cáo và một lô kem mắt có khuyến cáo của châu Âu là có chứa hóa chất bảo quản" - vị này nói.

Có vấn đề ở cách thức kinh doanh?

Trả lời Tuổi Trẻ, vị đại diện Cục Quản lý dược thừa nhận vấn đề DeAura đang gây bức xúc với người tiêu dùng là cách thức kinh doanh.

"Chúng tôi đang làm việc với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng để sớm khuyến cáo cho người tiêu dùng.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan vào cuộc, xem giá nhập khẩu DeAura đến VN, các khoản chi hoa hồng, giá bán... xem có quá cao hay không" - đại diện Cục Quản lý dược đề nghị.

"Rủi ro nghiêm trọng"?

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tháng 4-2017, Ủy ban châu Âu đã đưa ra mức cảnh báo "rủi ro nghiêm trọng" đối với sản phẩm mỹ phẩm kem mắt Eye Performer Gel Supérieure của nhãn hàng DeAura. 

Cảnh báo nêu rõ trong kem mắt trên chứa hai hóa chất methylisothiazolinone (MI) và methylchloroisothiazolinone (MCI) có thể gây dị ứng viêm da tiếp xúc cho người mẫn cảm.

Báo cáo cũng cho biết hai chất trên bị cấm trong sản phẩm bôi trên da theo quy định về mỹ phẩm của châu Âu. Báo cáo đưa ra các biện pháp bao gồm cấm tiếp thị, cảnh báo người tiêu dùng và rút sản phẩm khỏi thị trường.

Trên các diễn đàn mạng, tỉ lệ phàn nàn về nhãn hàng DeAura cũng rất cao. Trên trang productreivew.com.au của Úc, các cảnh báo từ người dùng đã xuất hiện từ năm 2015. 

"Nếu tham gia hợp đồng thì không có cách nào thoát được. Nếu ký vào kế hoạch trả theo tháng, hợp đồng sẽ được một công ty khác quản lý với quy định chặt chẽ và có thể rất tốn kém nếu không trả tiền. Hãy cẩn thận" - một người viết trên diễn đàn beautyheaven.com.au.

Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện DeAura cho biết sản phẩm tại thị trường châu Âu không liên quan tới thị trường VN. 

Trước khi được phân phối tại thị trường VN, bộ sản phẩm DeAura D’or mystere (DeAura) đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. 

Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu để xét nghiệm, kết quả kem mắt Eye Performer Gel Supérieure không chứa hai hóa chất MI và MCI.

Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện Công ty TNHH Venesa và sẽ sớm công bố công khai kết quả.

Bỗng dưng mang nợ mấy chục triệu vì mỹ phẩm DeAura miễn phí Bỗng dưng mang nợ mấy chục triệu vì mỹ phẩm DeAura miễn phí

TTO - Được mời đến “trải nghiệm dịch vụ chăm sóc da miễn phí”, nhiều khách hàng đang tố Công ty TNHH DeAura đẩy mình vào cảnh nợ nần.

NGUYỄN HẢI - LAN ANH - NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên