04/04/2018 14:39 GMT+7

Coi chừng mỹ phẩm Nhật, Pháp nhưng 'made in Campuchia'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nhiều tấn hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng Campuchia thu giữ thật ra được sản xuất ngay tại nước này mặc dù nhãn mác ghi là đồ Nhật, đồ Pháp.

Coi chừng mỹ phẩm Nhật, Pháp nhưng made in Campuchia - Ảnh 1.

Số hàng giả, trong đó đa số là mỹ phẩm, bị lực lượng chức năng Campuchia tiêu hủy ngày 3-4 - Ảnh: KHMER TIMES

Hôm qua (3-4), lực lượng chức năng Campuchia đã tiến hành tiêu hủy tổng cộng 110 tấn hàng giả, hàng nhái tại xã Choeung Ek, quận Dangkor, phía tây thủ đô Phnom Penh, theo báo Khmer Times.

Phát biểu tại lễ tiêu hủy, Trung tướng Meach Sophana - Chủ tịch Ủy ban chống hàng giả Campuchia - cho biết hầu hết số hàng giả, hàng nhái bị tiêu hủy ngày 3-4 được sản xuất ngay tại Campuchia.

Phần lớn số hàng giả là mỹ phẩm, trong đó có thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc, dầu gội, kem dưỡng da, son môi, nước hoa… Theo Tân Hoa xã, số mỹ phẩm giả bị tiêu hủy chiếm 60 tấn.

Vị quan chức tiết lộ sau khi được sản xuất ở Campuchia, hàng giả sẽ được đưa qua các nước láng giềng để thực hiện khâu đóng gói, làm giả nhãn mác thành hàng Made in Japan (Sản xuất tại Nhật) hay Made in France (Sản xuất tại Pháp), và cuối cùng được tuồn trở lại Campuchia.

"Họ lấy các thương hiệu nổi tiếng như Shiseido để đặt tên cho các mặt hàng này, đi kèm đó là mác giả Made in Japan, nhưng thật ra chúng đều được sản xuất tại Campuchia. Những người làm giả chỉ muốn kiếm lợi nhuận, không quan tâm sức khỏe người tiêu dùng" - ông Sophana lên án.

Chủ tịch Ủy ban chống hàng giả Campuchia nhấn mạnh thậm chí khi chính quyền mạnh tay trừng phạt, vẫn còn nhiều người bất chấp rủi ro để mà sản xuất hàng giả, hàng nhái.

"Họ cố chấp chỉ vì đồng tiền. Họ không xem đây là một tội nghiêm trọng" - ông Sophana lý giải. Vị quan chức này thừa nhận ngay cả cảnh sát Campuchia cũng không có đủ phương tiện hiện đại để phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật vì hàng giả hiện nay được làm nhái quá tinh vi.

Coi chừng mỹ phẩm Nhật, Pháp nhưng made in Campuchia - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm ghi xuất xứ là Nhật, Pháp nhưng thật ra được làm giả ngay trên đất Campuchia - Ảnh: KHMER TIMES

Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng - người chủ trì lễ tiêu hủy ngày 3-4, yêu cầu cơ quan chức năng nước này tăng cường các biện pháp đối phó nạn hàng giả, hàng nhái và thẳng tay bắt giữ những người có liên quan.

"Tôi thắc mắc là tại sao có biết bao nhiêu tấn hàng giả tràn lan trên thị trường nhưng chỉ có 6 người bị bắt giữ hồi năm ngoái. Xin hãy tăng cường các biện pháp đối phó vấn đề này" - ông Sar Kheng kêu gọi.

Vị quan chức chính phủ Campuchia nói rằng nếu nhà chức trách không tìm cách đối phó nạn hàng giả, sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tính độc hại của các mặt hàng này.

"Thậm chí không hút thuốc hay ăn cá nhiễm hóa chất, người ta vẫn có thể bị ung thư chỉ vì sử dụng các sản phẩm này" - ông Sar Kheng lấy ví dụ về sự nguy hiểm của hàng giả.

Theo báo cáo của Ủy ban chống hàng giả Campuchia, nhà chức trách nước này đã triệt phá 19 vụ sản xuất hàng giả vào năm ngoái, với gần 600 tấn hàng giả, hàng nhái, và bắt giữ 6 người tham gia hoạt động này.

Gần đây, ông Piotr Stryszowski - nhà kinh tế học cao cấp của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - cảnh báo tình trạng làm giả hàng hóa ở Đông Nam Á hiện lên mức báo động. Một phần nguyên nhân là vì mức phạt thấp và việc quản lý lỏng lẽo của nhà chức trách.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên