28/06/2023 07:52 GMT+7

Mang nhiều bệnh vì thích thuốc nhỏ mũi

Xịt nhỏ mũi khiến đường thở thông thoáng, dễ chịu nên nhiều người sử dụng thuốc nhỏ mũi kéo dài gây tổn thương niêm mạc mũi, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, phế quản, phổi..., thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới tim mạch, huyết áp và trí tuệ.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

Điếc tai, viêm xoang do nhỏ nhiều thuốc mũi

Bệnh nhi 10 tuổi, nặng 56kg mới đây đến bác sĩ khám vì mất chức năng mũi, tai không nghe được. Mẹ cháu kể cháu thường bị nghẹt mũi khi thay đổi thời tiết. 

Được người quen mách bảo, gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi hiệu N. về nhỏ cho cháu. Lúc đầu cháu thở rất tốt nhưng sau đó nếu không có thuốc là mũi cháu không thở được dù cháu đã được nạo VA và cắt amidan.

Theo thông tin từ gia đình, trong hơn 1 năm cháu đã sử dụng hàng trăm lọ thuốc. Bác sĩ cho biết không chỉ mũi của cháu bị hỏng mà cháu đã bị biến chứng viêm xoang, viêm tai và ảnh hưởng tới huyết áp, cân nặng do dùng quá nhiều thuốc.

Anh Phạm Văn N. (32 tuổi, Bắc Ninh) đi khám trong tình trạng nghẹt mũi, mất thính giác, đau đầu và huyết áp tăng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của anh là do đã nhỏ quá nhiều thuốc xịt mũi có tác dụng co mạch.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết thời gian gần đây, ngày nào bà cũng khám cho vài người bị biến chứng do dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài, thường là các loại thuốc có tác dụng co mạch như E., P., N., O...

Hầu hết các bệnh nhân tự ý sử dụng hoặc sử dụng đơn thuốc cũ trong thời gian kéo dài từ nhiều tháng đến vài năm.

"Những thuốc này có tác dụng co mạch, khi nhỏ hoặc xịt vào mũi, thuốc có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở nên rất nhiều người đã tự ý tìm đến loại thuốc này" - PGS.TS Dinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên, kéo dài, không chỉ dẫn tới tình trạng lệ thuộc vào thuốc mà còn khiến cuốn mũi giãn nở to liên tục, không còn co lại được, gây ra hiện tượng viêm mũi. Trong trường hợp đó phải phẫu thuật đốt cuốn mũi dưới bằng điện hoặc bằng laser, cắt bỏ cuốn dưới một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả. 

Đặc biệt, khi mũi bị viêm, bệnh nhân phải thở bằng miệng, không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm, rất dễ gây ra viêm họng và viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi. 

Hơn nữa mũi không thông sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ, nghỉ ngơi, giảm hiệu suất làm việc. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc co mạch kéo dài còn dẫn tới béo phì, ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu và làm ảnh hưởng tới trí tuệ...

Tránh biến chứng cần sử dụng thuốc đúng

PGS.TS Dinh cảnh báo, đã có nhiều trẻ bị ngộ độc, thậm chí tử vong do dùng nhiều thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch.
Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 90%) do nhỏ quá liều và không đúng chỉ định. Bệnh nhi thường nhập viện 30 phút đến 6 giờ sau khi sử dụng thuốc, với các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, mất phản xạ, ức chế trung tâm hô hấp...
Vì vậy, để tránh các tai biến do ngộ độc, không nên cho trẻ dưới 7 tuổi dùng thuốc này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc để điều trị.

Theo bà Dinh, ngạt mũi, chảy mũi ở trẻ em rất hay xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân có thể do viêm mũi cấp, viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi teo, lệch vách ngăn, khối u trong mũi, chấn thương...

Khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ngoài việc tìm các nguyên nhân để điều trị, cha mẹ cần nhỏ thuốc tại chỗ cho trẻ được khô mũi và thở thông. Có nhiều loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi trên thị trường, cha mẹ cần rất thận trọng khi dùng nó cho trẻ. Trên thực tế khi trẻ bị ngạt mũi thường được bác sĩ kê một số loại thuốc.

Thuốc có hiệu quả rất nhanh nên được các bà mẹ "tín nhiệm" và dễ dẫn đến lạm dụng. Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc co mạch đang ngày càng nhiều do chưa hiểu rõ tác dụng và tác hại.

Thuốc co mạch có hoạt chất là xylometazoline 0,05% - 0,1%. Đây chỉ là thuốc tạm thời giảm nghẹt mũi, tạm thời giảm triệu chứng khó chịu, có tác dụng hỗ trợ, không phải là thuốc trị bệnh, không giải quyết tận gốc cơ chế sinh bệnh. Việc dùng thuốc này lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc mũi gây ra bệnh viêm mũi do thuốc.

Vì vậy, khi bị ngạt mũi cần phải xác định nguyên nhân, nên đến bác sĩ tai mũi họng để được khám và xác định bệnh, tránh bệnh kéo dài, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc co mạch cho trẻ. 

Để làm sạch giúp mũi thông thoáng và trở lại bình thường, có thể sử dụng thường xuyên: nước muối sinh lý, nước biển dạng phun sương có tác dụng rửa mũi, làm cho dịch mũi loãng ra và giúp niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường... mà không gây hại.

Cách dùng thuốc nhỏ mũi và xịt mũi

Đưa thuốc vào mũi dưới dạng dung dịch nhỏ mũi hoặc xịt (phun sương) là cách điều trị tại chỗ và phòng bệnh.

Xịt nước muối sinh lý là một biện pháp hỗ trợ trong điều trị viêm mũi xoang mãn tính, chảy mũi kéo dài ở trẻ em, sau mổ nội soi mũi xoang..., đồng thời đó cũng là một biện pháp phòng bệnh, bảo vệ cho mũi.

Trẻ nhỏ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại nào?Trẻ nhỏ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại nào?

Mới đây một bé gái 6 tuổi được gia đình đưa đến khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng mệt, rối loạn nhịp tim. Trước đó bé bị viêm họng cấp, được cho thuốc uống và nhỏ mũi, sau dùng thuốc nhỏ mũi bé than mệt và được đưa đi cấp cứu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên