Nguyễn Toại Nguyện và cây mai vừa được xử lý xuất sang Canada - Ảnh: SƠN LÂM
Tròn hai tháng trước Tết Canh Tý, những cây mai đang dưỡng sức chờ mùa hoa. Ấy vậy mà sau một lượt tưới, anh Nguyện và mấy người làm vườn khác lại ghìm tay nhổ bật gốc hàng chục chậu mai 3 năm tuổi.
Đó là những cây mai đã được anh chuẩn bị cho việc khoe sắc ở Canada. “Đợt này mình chuyển 71 cây mai” - anh Nguyện vừa nói vừa soạn một thùng xốp cỡ lớn, lót phủ một lớp nilông trong suốt phía trong. Tiếp đó, anh bày ra nào bông gòn, nước sạch, cuộn màng bọc thực phẩm...
Kiện hàng đặc biệt
Hai cây mai 8 năm tuổi, cao khoảng 1,5m, gốc to gần bằng cườm tay người lớn với thế xoắn thân đẹp mắt được đưa ra khỏi chậu trước tiên. Sau khi lặt hết lá, anh Nguyện tỉ mỉ lấy vòi nước xối sạch phần đất bám vào rễ, dùng tay kỳ cọ thân, nhánh mai.
“Đây là công đoạn quan trọng nhất. Cây mai phải sạch hoàn toàn. Giấy phép xuất khẩu cho xuất mai chỉ cần bám một chút đất trên rễ hay địa y trên thân là cả kiện hàng bị trả lại ngay” - vừa làm anh vừa giải thích.
Rửa xong, cây mai còn được ngâm vào chậu nước hai lần nữa để bụi đất thật sự trôi đi hết. Ráo nước, phần rễ được bó tỉ mỉ bằng bông gòn vắt qua nước sạch, quấn màng bọc xung quanh thân rễ rồi xếp gọn vào thùng xốp.
69 cây mai 3 năm tuổi, cao 7, 8 tấc cũng được làm quy trình y hệt. Tất cả được xếp gọn gàng vào thùng trước khi nắng gắt. “Làm mai phải làm lúc trời sáng sớm hoặc trời tối để cây giữ được độ ẩm trong thân, ít bị mất sức” - anh Nguyện thở phào lau mồ hôi trán.
71 cây mai mà kiện hàng gọn gàng chỉ 27,2kg. Chỉ hai ngày sau, 71 cây mai đã bay qua không phận bốn quốc gia trước khi được trồng lại ở Canada bằng chất dinh dưỡng phù hợp. Căn phòng nuôi mai tại Canada cũng đã được chuẩn bị sẵn với nhiệt độ, hệ thống đèn… phù hợp nhất để giúp cây mai sống lại, sẵn sàng nở hoa.
Đây là lô mai thứ hai. Lô đầu tiên 20 cây mai vàng sang Canada sau hơn 5 năm ấp ủ ý nguyện “gửi nắng phương Nam” đến những người đồng hương ở xứ tuyết.
Chậu mai đầu tiên nở rực rỡ tại Paris - Ảnh: NVCC
Duyên mai
Dân gốc Hóc Môn, anh Nguyện theo học Đại học Kinh tế, rồi rẽ vào ngành xây dựng theo sở thích từ nhỏ. Trong một lần xây nhà, anh gặp một niềm đam mê lớn hơn. “Một cây mai nở trong nhà bạn khiến mình ngẩn ngơ. Biết đó là giống mai Bình Định, xây nhà xong mình liền đến làng mai An Nhơn, Bình Định tìm hiểu về giống mai này” - anh Nguyện kể.
Về làng mai, nghe chuyện giá cây mai bán Tết tại Sài Gòn gấp 6-7 lần giá tại vườn, máu kinh doanh nổi lên, anh mua hơn 200 gốc chở vào. Chuyến “buôn mai” đầu tiên như mới hôm qua: “Xe bị sự cố, giàn kê chậu trên thùng xe tải sập ngay cửa ngõ thành phố, hơn nửa số cây bị hư hại, gãy đọt”.
Cây không bán được dịp Tết, tìm cách cứu sống, trồng lại, anh Nguyện có thêm nhiều kinh nghiệm quý để chăm dưỡng mai Bình Định giữa thời tiết Sài Gòn. Say đắm giống mai, lặn lội về tận quê gốc “thọ giáo” các cao nhân trồng mai lão luyện, đăng ký học cả môn nuôi cấy mô tại Trường đại học Nông lâm để biết cách thuần, nhân giống mai.
Gần 10 năm miệt mài, đến năm 2013 anh Nguyện trở thành một trong những nghệ nhân trồng mai có tiếng tăm ở các làng mai Sài Gòn.
Anh lại tìm về vùng đất đồng bưng nhiễm phèn Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An mua 3ha, cải tạo đất, nhân ương giống được hơn 10.000 gốc mai giống Bình Định có khả năng khoe sắc suốt nhiều mùa Tết. Cũng từ đây, ý tưởng mở rộng thị trường ra ngoài Việt Nam bắt đầu hình thành.
Những cây mai đã sang xứ tuyết - Ảnh: NVCC
Nở miền tuyết trắng
“Cuối năm 2014, anh bạn trên diễn đàn cây cảnh đang sống ở Pháp hỏi mình rằng liệu mai vàng có thể nở giữa Paris. Mình nói sẽ nở nếu mai được chăm sóc đúng cách và được để trong phòng có nhiệt độ tương thích. Và thế là anh bạn mình chuẩn bị giàn đèn xông...” - anh Nguyện kể.
Hai cây mai lúc ấy được con trai người bạn xách tay về Pháp. Cả hai cây mai xứ nhiệt đới khi được chăm sóc theo đúng cách hướng dẫn đều cho ra những bông hoa vàng rực, dày cánh ngay giữa thời tiết châu Âu lạnh căm mùa Tết Việt.
Khi được bạn gửi qua điện thoại cảnh những người Việt xa quê ngồi quanh chậu cây ngắm những đóa mai vàng, anh Nguyện nghẹn ngào hạnh phúc. Ý định xuất khẩu cây mai đến những nơi có người Việt sinh sống càng mãnh liệt.
Nhưng việc đưa mai sống ra nước ngoài không đơn giản, nhất là những nước có thủ tục nhập khẩu chặt chẽ. Xin giấy phép xuất sang Mỹ, điều kiện là cây mai phải được gieo trồng và lớn lên trong một trang trại mà ngay cả mảnh lưới che nắng cũng phải đúng tiêu chuẩn Mỹ, đất, nước, phân, cách chăm sóc đều phải đăng ký, thời gian trồng phải được kiểm định chặt chẽ…
Anh Nguyện tưởng đã chào thua. Trong khi đó, một trong hai cây mai đầu tiên sang Paris vẫn tiếp tục khoe sắc nhiều mùa Tết sau. Một người chuyên bán cây kiểng ở Canada đã liên hệ với anh để làm đầu ra.
Chính sách nhập cây ở Canada có phần “thoáng” hơn Mỹ, không yêu cầu đăng ký và giám sát quy trình chăm sóc. Chỉ cần gửi cây mai đi xét nghiệm để có loại thuốc xử lý chất trồng cho phù hợp với tiêu chuẩn ở Canada, giấy kiểm dịch, vé máy bay, hợp đồng xuất khẩu…
“Từ đây về sau thì khỏe rồi” - anh Nguyện vừa nói vừa vỗ vào thùng xốp chứa 71 cây mai bên trong, cười toại nguyện: “Tết này người Việt ở Canada tha hồ ngắm mai ăn Tết”.
Những cây mai đã sang xứ tuyết - Ảnh: NVCC
Mong muốn xuất sang Mỹ
Với lứa mai xuất đầu tiên này, để giữ mối và để ăn mừng ước muốn xuất khẩu nung nấu nhiều năm đã thành hiện thực, anh Nguyện chịu lỗ, chỉ lấy giá 70% mỗi cây mai xuất đi so với giá bán tại vườn.
“Qua Canada được rồi, tương lai có thời gian và điều kiện mình cũng sẽ thử nghiệm việc trồng mai theo các tiêu chuẩn nhập khẩu ở Mỹ” - anh Nguyện nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận