Những ngày qua, giới văn nghệ sĩ lên tiếng bất bình việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép một doanh nghiệp nghiên cứu để đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26-28 đường Lê Lợi, TP Huế.
Theo đó, ngôi biệt thự cổ số 26 Lê Lợi - trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế từ năm 1975 đến nay - sẽ bị tháo dỡ để xây dựng công trình mới.
Nhà thơ Võ Quê, nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, người gắn bó với ngôi nhà này hơn 30 năm (từ 1976) và cũng là người lên tiếng thiết tha nhất cho việc phải bảo tồn ngôi nhà:
Tôi luôn ủng hộ sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà, nhất là phát triển du lịch. Nhưng du lịch không có nghĩa chỉ là khách sạn, nhà hàng. Du khách đến Huế không chỉ để ở trong những khách sạn, họ cần phải tham quan bảo tàng, xem tranh ảnh, xem biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với nghệ sĩ...
Nhà thơ Võ Quê
Không chỉ giá trị kiến trúc, ngôi nhà này còn là "mái nhà văn nghệ" của Huế và cả nước, nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm của các thế hệ văn nghệ sĩ Huế và các nghệ sĩ tài danh ghé Huế.
Các sự kiện quan trọng của văn nghệ Huế trong hơn 40 năm qua đều diễn ra tại đây, cùng với hàng ngàn cuộc triển lãm, ra mắt tác phẩm, hội thảo, diễn thuyết...
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, phó chủ tịch phụ trách Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, cho biết ông đồng tình việc chuyển các hoạt động hành chính ở khu vực được gọi là "đất vàng" này cho mục đích phát triển du lịch.
Cơ quan văn nghệ sẵn sàng chuyển văn phòng của mình đến nơi khác. Tuy nhiên, ngôi nhà 26 Lê Lợi cần được bảo tồn, bởi nó là một giá trị văn hóa của Huế.
Theo KTS - TS Nguyễn Ngọc Tùng - phó khoa kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế, ngôi biệt thự này là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi - con đường đẹp nhất Huế.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng trước tình trạng kiến trúc Pháp ở Huế mất đi rất nhiều thì việc bảo tồn các công trình thể loại này là điều cấp bách, các giải pháp kỹ thuật đều nằm trong tầm tay của các kiến trúc sư.
Chỉ cần cải tạo lại công trình, chỉnh trang cảnh quan cũng như quy hoạch lại trục đường Lê Lợi thì ngôi nhà này sẽ "khỏe mạnh" trở lại và phát huy giá trị của nó.
Nhà thơ Võ Quê đề xuất biến ngôi nhà này thành bảo tàng văn nghệ Huế, kết hợp triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, biểu diễn ca Huế, tuồng Huế.
Du khách đến đây, dạo chơi trên đường Lê Lợi và ghé thăm "mái nhà văn nghệ" để biết vì sao người ta gọi Huế là "thành phố thi nhân".
Giữ ngôi nhà ấy lại không phải chỉ để lưu giữ một ký ức của văn nghệ Huế mà chính là để tạo thêm điểm đến cho du khách, tức là tăng thêm giá trị cho khu khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp ấy!
Nhà văn Thanh Ngọc
Vậy thì có thể đưa đề xuất này vào nội dung nghiên cứu cho nhà đầu tư được không?
Ông Phan Thiên Định, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, nói: "Sở sẽ chuyển các kiến nghị của giới văn nghệ sĩ để các chuyên gia tư vấn và nhà đầu tư xem xét trong việc xây dựng quy hoạch và đầu tư khu vực này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận