07/11/2023 11:29 GMT+7

Mái chòi ấm áp ở Bình Hưng Hòa

Trời chiều mây vần vũ, nơi góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM), một người đàn bà lớn tuổi lúi cúi, vui vẻ dọn mớ lá khô trên ngôi mộ ngay trong sân nhà.

Mái chòi nhỏ bé, chắp vá nhưng cưu mang cả gia đình ấm áp của bà Quá - Ảnh: YẾN TRINH

Mái chòi nhỏ bé, chắp vá nhưng cưu mang cả gia đình ấm áp của bà Quá - Ảnh: YẾN TRINH

Nếu không nhìn cảnh lành lạnh xung quanh nghĩa tr ang Bình Hưng Hòa thì ngôi nhà tạm bợ khá ấm cúng với mái hiên thoảng gió và chú chó nhỏ vẫy đuôi thân thiện.

Bà Cao Thị Quá, 68 tuổi, cùng hai người con đã gắn bó chốn mồ mả này ngót nghét 40 năm để sống bằng nghề dọn mộ. Và công việc lặng lẽ của bà cũng có lẽ là những năm tháng cuối cùng, khi nghĩa trang được di dời để chỉnh trang công viên xanh...

Ăn ngủ bên những nấm mồ

Chậm rãi ngồi ghế do chứng đau lưng, bà Quá uống ngụm nước rồi từ đâu đó trong ký ức, những ngày mới đặt chân đến nơi này tái hiện rõ mồn một: "Tôi quê Quảng Ngãi, vô Sài Gòn trước năm 1975 ở quận 6, mấy năm sau gặp chồng rồi ổng dẫn về đây. Hồi đầu tụi tôi ở nhờ chùa đằng trước nghĩa trang".

Sau đó, khi phải chuyển đi tìm nơi ở mới, bà vui vẻ kể rằng ông nói chắc mẩm: "Ngủ đi, sáng tôi dẫn ra chỉ cho. Rồi sáng ổng dắt tôi vô... nghĩa trang, chỉ cái khoảng trống giữa hai ngôi mộ trong một nhà mồ chừng 10m2. Tôi la lên trời ơi, ra đây sao dám ở. Chồng tôi mới giảng giải "đức trọng quỷ thần kinh", không ai hù nhát gì đâu mà sợ".

Năm 1989, bà sinh con gái đầu lòng, thiếu thốn tới mức mang bầu chỉ có bữa kia ăn bổ được cái trứng vịt lộn.

"Lúc đó chưa kéo điện. Ăn uống thì tôi che tấm bạt nấu đại, bưng ra ngồi nơi hông mả. Tôi còn đi bẻ cây cỏ hôi già làm đũa ăn cơm", bà kể.

Cuộc sống của họ khá đơn giản. Chồng đạp xích lô đêm, ngày ai kêu gì làm nấy như đào đất, phụ hồ... Bà có thêm người con út tên Cao Trí Dũng. Năm 1995, vợ chồng bà dành dụm cất cái chòi bề ngang chừng 2m. Họ tráng nền xi măng, lợp mái lần lần, chắp vá thành nếp nhà như bây giờ.

Tuổi thơ hai người con không có gấu bông, truyện tranh mà chạy vòng vòng quanh những ngôi mộ giỡn với nhau vì "con nít đâu có sợ gì". "Quần áo thì người đi thăm mộ thấy tội nghiệp nên cho. Thằng Dũng lên cấp III tôi mới may cho hai bộ đồ đi học", bà nói.

Ngó vô nền nhà với những miếng gạch xanh đỏ chắp vá, bà giải thích: "Hồi đó người ta xây mả dư chừng 5 - 10 cục gạch ống là tôi xin lượm để xây tường. Gạch lót nền cũng vậy".

Năm 2002, chồng bệnh mất, bà tiếp tục nghề dọn mộ nuôi con ăn học. Năm rồi bà đi đốt nhang ngoài mộ thì bị sụm chân, tê từ dưới lên. Trượt hai đốt sống, bà phải mang đai lưng và đau liên miên.

Ngôi mộ không thân nhân trong sân nhà được mẹ con bà Quá đắp  xi măng, trồng hoa - Ảnh: YẾN TRINH

Ngôi mộ không thân nhân trong sân nhà được mẹ con bà Quá đắp xi măng, trồng hoa - Ảnh: YẾN TRINH

Duyên nợ nghề dọn mộ

Mấy mươi năm đời bà lia nhanh như tiếng gió trên những ngọn cây gòn góc nghĩa trang. Kể nghề dọn mộ, bà nói lúc mới tới chưa có nghề này.

"Hồi có đứa con gái lớn, một sáng thấy có người thăm mộ, tôi ra coi có ai mướn gì không. Tôi lấy gàu xách nước rửa mộ cho họ, được vài ngàn đồng. Nhiêu tiền này hồi đó lớn lắm. Chu choa mừng quá chừng", bà kể.

Cũng có hôm bà đang ngồi hát ru, một phụ nữ đi thăm mộ người thân sởn tóc gáy tưởng "ma đâu về ru con?". Một hồi, người này biết là bà Hai nên cho 5.000 đồng mua gạo, gửi gắm ngó chừng ngôi mộ. Lúc còn sống, chồng bà làm nghề dọn mộ ngon ơ.

Bà vui vẻ nhớ lại: "Ổng xây láng, lấy cái bay miết miết vuông lắm, con cóc leo lên còn tuột xuống". Sau này nhiều người làm hơn.

Con trai bà có tay nghề không kém gì cha mẹ. Nét mặt chân chất, Dũng kể: "Cuối tuần nghỉ học, ban đêm tôi đeo đèn pin tranh thủ dọn mả gần gần, làm ráng được cái nào hay cái đó. Ngày nghỉ thì làm mộ xa xa. Mình tỉa hoa, dọn sạch cỏ...".

Với mả đất, anh đắp lại rồi miết cho láng, mả xây thì chà đường viền mộ, chà sạch rong rêu và quét vôi lại. "Mình thấy vừa mắt thì khách sẽ ưng. Mùa này cỏ um tùm nhưng tết sáng sủa, đẹp lắm", trong câu nói của chàng trai 32 tuổi chứa đựng nhiều tình cảm với cái nơi ai cũng thấy lành lạnh khi nhắc tới.

Những năm chưa có điện, chị em Dũng học bài bằng cách lượm đèn cầy do người ta bỏ lại ngoài mả. "Sau này ba tôi mua bình ắc quy nên có đèn tuýp sáu tấc. Những đêm mưa dột, gió tốc mái tôn rung lên từng hồi, chị tôi hay khóc nói vầy sao con ngủ được sáng con đi học mẹ ơi", anh kể.

Nghe tới đây, bà nói rằng những lúc nhà không còn hột gạo, bà vẫn tâm niệm cho con có cái chữ. Bà giãi bày: "Nó đi học có bạn bè, nó cũng tủi thân nên mình phải ráng để tụi nó có tương lai".

Chị gái Dũng học xong lớp 12 rồi đi làm công ty. Riêng anh học trung cấp, kiếm tiền học liên thông cao đẳng rồi làm ở bộ phận logistics. Anh có thêm nghề tay trái dưỡng gốc mai và cũng là âm thầm làm đẹp thêm cho nghĩa trang.

Anh Dương Thành Đô, tổ trưởng tổ 85 (khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa A) nơi mẹ con bà Cao Thị Quá sinh sống, cho biết mấy mẹ con bà đơn chiếc, cuộc sống nhiều khó khăn.

"Thấy hoàn cảnh mấy mẹ con như vậy nên tôi cũng hay thăm hỏi, động viên. Mỗi lần khu phố có quà, chúng tôi thường ưu tiên dì Hai. Dịp tết chúng tôi cũng tặng gia đình dì gạo, nước tương... Dì hiền, sống không mích lòng ai. Dũng con của dì thì lo làm ăn lắm", anh chia sẻ.

Mái ấm ở nghĩa trang

Năm 2007, bà Hai vay mượn thêm rồi mua miếng đất nhỏ ở Đức Hòa (Long An), gần nhà chị gái.

"Cái nhà dưới đó thằng Dũng một tay xây nên, do trước đây đi phụ hồ một thời gian nên biết làm. Cứ tới cuối năm là nó lấy tiền để dành mua lắt nhắt mấy bao xi măng, đóng ván bắc giàn...", ánh mắt bà thoáng vẻ tự hào.

Bà nói tiếp: "Mình nghèo mình khổ ở trong đây rồi, mình ráng làm sao tạo cho con mình nơi ở. Lúc cưới vợ cho con năm ngoái là cái nhà đó cũng xong", bà nói.

Kể chuyện có con dâu, bà mừng mừng tủi tủi: "Lúc nó cưới, tôi bị té nằm một chỗ, phải nhờ người cô bên chồng đi rước dâu. Cũng tội con dâu tôi, về sống cảnh này là thấy nghèo rồi đó mà vẫn thương con mình".

Bà đang sôi nổi kể chuyện thì cơn mưa chiều ào xuống. Khu gò mả trong màn mưa càng trở nên xám lạnh. Đã quen cảnh này, bà cười nói rằng hiện tại cuộc sống mình khá nhẹ nhàng.

Sáng hai con trước khi đi làm thì cắm tivi cho bà nằm coi chút, có cái tiếng nói cho đỡ vắng. Nhìn con, bà tâm sự: "Tôi suy nghĩ thấy mình có phước. Nhiều người già như mình nhưng giờ còn lội ngoài đường bán từng tờ vé số. Con tôi sợ tôi bệnh, hễ bệnh là tụi nó lo dữ lắm. Tụi nó còn mua cho cái giường y tế đỡ đau lưng".

Trong ký ức bà Hai, mới ngày nào khu này là nghĩa trang rộng lớn, tương lai trở thành công viên, trường học như quy hoạch của TP. Bà nói không biết mình có sống tới lúc đó không, nhưng thấy mang ơn vì chính nơi lạnh lẽo này đã cưu mang gia đình bà một mái ấm yêu thương.


Bà Quá mưu sinh bằng nghề dọn mộ mấy mươi năm - Ảnh: YẾN TRINH

Bà Quá mưu sinh bằng nghề dọn mộ mấy mươi năm - Ảnh: YẾN TRINH

Với một số ngôi mộ không thân nhân, bà và con trai xây viền giữ đất xung quanh.

"Nếu mình không làm sẽ thành đất bằng. Có những mộ không có bia, chúng tôi dọn cỏ, tém đất thành cái núm để người ta biết mà không đạp trúng", bà nói. Trước đây, ngay cửa căn chòi cũ cũng có mộ. Hai vợ chồng bà mua xi măng trét sạch sẽ, sau này người thân đã lên bốc.

Căn nhà tuy xập xệ nhưng cũng là nơi mấy người cháu lên ở nhờ để học đại học, "gạo cha mẹ tụi nó đài thọ, nhà tôi thì có gì ăn nấy".

Lạnh chân… ở Bình Hưng HòaLạnh chân… ở Bình Hưng Hòa

TTO - 12h trưa, tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM) khét lẹt mùi rác rưởi đốt cháy nham nhở lẫn nước đọng hôi thối trong các lùm cỏ dại um tùm. Ngoài đường là chợ chó, mèo bị làm thịt sống ngay tại chỗ trông rợn người…


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên