14/02/2023 16:04 GMT+7

Mách bạn các cách từ chối mà không phật lòng ai

Đau đầu vì lời mời dự đám cưới, liên hoan với đồng nghiệp, họp mặt gia đình? Trang Reader’s Digest gợi ý các bước giúp bạn từ chối khéo léo, theo lời khuyên của chuyên gia.

Mách bạn các cách từ chối mà không phật lòng ai - Ảnh 1.

Khi nhận được một lời mời, bạn hãy ứng xử thật chu đáo nhé - Ảnh minh họa: Getty

Phản hồi kịp thời

Khi người ta đã mời, đừng im lặng. Nếu bạn chưa chắc chắn, bạn có thể cho mình chút thời gian cân nhắc. Nhưng bạn nên đặt ra một thời điểm nhất định cần trả lời.

Chỉ nhắc đến mặt tích cực

Bạn muốn ngỏ lời xin lỗi vì không thể tham dự. Nhưng câu chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn khéo léo nói sao cho có vẻ tích cực.

Thay vì xin lỗi thẳng, hãy bày tỏ bạn rất vui vì được mời. Dù bạn không thể thu xếp đến dự lần này, bạn mong sẽ có dịp khác để tụ họp với họ.

Đừng nói nước đôi kiểu "có lẽ"

Cách nói này thường có nghĩa là từ chối. Theo Lia Avellino, một nhà trị liệu tâm lý, làm như vậy là không tốt. Bạn cảm thấy dễ chịu, nhưng người mời lại cứ phải chờ đợi.

Nói lời cảm ơn

Người ta có lòng mới mời bạn dự một sự kiện. Hãy luôn ngỏ lời cảm ơn, cho dù bạn không hề hứng thú với buổi tiệc đó.

Thành thật, mà đừng thành thật quá

Nói thật tới mức độ nào phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn với người mời.

Nếu là một người quen hoặc đồng nghiệp? Hãy thành thật nhưng nói ngắn gọn và ngọt ngào.

Mẹ hoặc bạn thân của bạn? Lúc này bạn có thể thoải mái chia sẻ sâu hơn về lý do từ chối, chẳng hạn bạn đang có chuyện phiền lòng.

Đừng giải thích quá nhiều

Dù là người thân thiết, bạn cũng nên giới hạn lời giải thích của mình. Nói gì thì nói, cố gắng phân trần không phải xuất phát vì lợi ích của đối phương. Bạn chỉ đang cố gắng để không ai giận bạn.

Thay vì tìm đủ cớ, bạn cứ nói thật rõ ràng, đơn giản, và chân thành.

Nhắn tin hay gọi điện?

Tương tự, mối quan hệ của bạn và người mời sẽ quyết định phương thức phản hồi. Một tin nhắn ngắn gọn là đủ để từ chối buổi liên hoan sau giờ làm với đồng nghiệp.

Nhưng nếu bạn không định dự đám cưới của một người họ hàng, bạn cần gọi điện thông báo trước hoặc thậm chí trực tiếp gặp mặt.

Đừng lo nghĩ quá nhiều về cảm xúc của người khác

Bạn sợ người mời sẽ buồn hay thất vọng? Thực sự, bạn không nên quá bận lòng. Chúng ta đâu thể nắm chắc về cảm nhận của người khác. Đối phương sẽ hiểu cho bạn thôi, vì cuộc sống của ai cũng bận rộn.

Nói như vậy, phải chăng bạn cứ từ chối và mặc kệ người ta tổn thương? Bạn nên dành thời gian để xoa dịu, và nếu có thể, bù đắp phần nào cho mối quan hệ.

Bạn có thể hỏi nếu cảm thấy đối phương buồn lòng hay khó chịu. Hãy nhấn mạnh rằng bạn yêu mến, quan tâm tới họ. Một lời mời là nhất thời, nhưng kéo dài mối quan hệ mới là quan trọng.

Nếu thấy các lời khuyên hữu ích, bạn hãy thả tim, bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết. Cảm ơn bạn.

12 lời tưởng khen hóa ra lại là chê12 lời tưởng khen hóa ra lại là chê

Nếu không đủ tế nhị, ý tốt của bạn có thể làm người khác mếch lòng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên