Dưới đây là những câu bạn nên tuyệt đối tránh nói khi phỏng vấn xin việc
1. "Tôi không hợp với sếp cũ"
Dù quản lý cũ tệ thật, người phỏng vấn bạn đâu thể biết được. Họ có thể suy đoán bạn là người khó cộng tác.
Khi nhắc tới công ty, đồng nghiệp ở công ty cũ, hãy dùng một thái độ ôn hòa và tích cực. Bạn nên nhấn vào những gì bạn đã học được từ đó, và việc bạn hy vọng thực hiện được trong tương lai.
2. "Thực sự là tôi đang run lắm"
Không công ty nào muốn tuyển một người thiếu tự tin. Trong trường hợp này, thật thà lại không phải là chiến lược hay nhất. Hãy cứ giả vờ bình tĩnh cho đến khi bạn "qua ải".
3. "Tôi biết mình chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng…"
Sai lầm này rất dễ mắc phải, nhất là khi bạn vừa ra trường hoặc đổi nghề. Nói vậy chẳng khác nào bạn đang tuyên bố bạn không phải là ứng viên tuyệt vời, không hoàn toàn phù hợp cho vị trí tuyển dụng.
Bạn không nên khiến người ta chú ý tới các nhược điểm của mình. Hãy chỉ bày tỏ sự lạc quan, nhiệt tình và tập trung vào thế mạnh.
4. "Điều này tôi có ghi trong CV"
Tất nhiên người phỏng vấn biết nội dung ở trong sơ yếu lý lịch của bạn. Họ hỏi một công việc hoặc kinh nghiệm cụ thể, vì họ muốn bạn kể thêm về nó.
Hoặc thực sự họ đang đánh giá kỹ năng giao tiếp và xã hội của bạn. Bạn nên chớp lấy cơ hội này để tỏa sáng.
5. "Điểm yếu lớn nhất của tôi là tính cầu toàn"
Tuyên bố kinh điển này chẳng hề làm người phỏng vấn nhướng mày kinh ngạc, chỉ làm họ thấy ngán. Nó cũng không tiết lộ gì về phong cách làm việc hay tính cách của bạn.
Bạn nên nghĩ lại nếu định dùng câu trả lời mang tính rập khuôn khác như: "Tôi là người có tư duy đột phá".
6. "À, tôi không biết"
Đừng lập tức đáp như vậy nếu bạn vấp phải một câu hỏi khó.
Đầu tiên, bạn nhắc lại câu hỏi một cách chậm rãi, chẳng hạn: "Tôi nghĩ là câu hỏi rất hay. Theo tôi thì…". Trong lúc đó, bạn có thể kịp thời gian để điên cuồng suy nghĩ, tìm ra câu trả lời.
Thứ hai, nếu vẫn bế tắc, bạn có thể đề nghị mượn một chiếc bút và giấy, hoặc xin thêm một phút để suy nghĩ thêm.
7. "Tôi sẽ có bao nhiêu thời gian nghỉ phép?"
Nó cũng giống như bạn hỏi: "Công ty sẽ thăng chức cho nhân viên sau bao lâu?".
Khi bạn vội vã hỏi "Tôi được cái gì?" bạn sẽ để lại ấn tượng kiêu căng, đòi hỏi. Trước hết, ở lần gặp đầu tiên, người phỏng vấn sẽ muốn biết bạn có thể mang lại gì cho công ty. Bạn có thể làm gì để công ty tăng doanh thu, cải thiện quy trình làm việc, phát triển… và khiến họ thoải mái hơn vì có một đồng nghiệp giỏi.
Tất nhiên, họ sẽ muốn làm bạn vui lòng lúc họ muốn tuyển bạn. Nhưng nếu đòi hỏi quá sớm, quá lộ liễu, bạn sẽ chẳng đi tới được giai đoạn đó.
8. "Không, tôi không có câu hỏi nào"
Bạn đang thể hiện mình chẳng đủ quan tâm và thích vị trí này. Hãy chuẩn bị một số câu hỏi, và đối phương sẽ cảm thấy cuộc phỏng vấn giống màn đối thoại sinh động hơn.
9. "Kế hoạch tương lai của tôi là có một dự án khởi nghiệp càng sớm càng tốt"
Hầu hết nhà tuyển dụng muốn thuê được nhân viên gắn bó lâu dài. Nếu họ nghi ngờ bạn chỉ đang đi làm qua ngày cho đến khi bạn có thể tự mở công ty, cánh cửa của bạn sẽ càng nhỏ lại.
10. "Bây giờ tôi đang trải qua quãng thời gian khó khăn"
Tất nhiên, người ta có thể cảm thông với một người vừa mất việc, mới li dị, hoặc đang gặp biến cố gia đình. Nhưng nhà tuyển dụng có thể băn khoăn liệu cuộc sống cá nhân sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của bạn. Đừng chia sẻ những vấn đề quá riêng tư như vậy.
Nếu thấy các lời khuyên này hữu ích, bạn hãy thả tim, bấm "Thích" hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận