14/10/2023 13:47 GMT+7

Mắc bệnh sâu răng và nha chu, cẩn thận mất răng

Hai bệnh lý về răng miệng nổi trội hiện nay đa số người Việt Nam gặp phải là sâu răng và nha chu, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất răng.

TS.BS Trần Hùng Lâm - chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TP.HCM - cho biết tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh lý về sâu răng và nha chu cao - Ảnh: T.M.

TS.BS Trần Hùng Lâm - chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TP.HCM - cho biết tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh lý về sâu răng và nha chu cao - Ảnh: T.M.

Ngày 14-10, khoa răng hàm mặt Trường đại học Văn Lang tổ chức Hội nghị khoa học Diễn đàn bác sĩ nha trẻ với chủ đề “Công nghệ và vật liệu mới trong nha khoa, nền tảng và ứng dụng lâm sàng”.

TS.BS Trần Hùng Lâm - chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TP.HCM - cho biết tại Việt Nam bệnh lý răng miệng người dân thường gặp và chiếm tỉ lệ lớn nhất là sâu răng (40-50%) và nha chu (hơn 20%). Trong đó sâu răng tập trung ở nhóm tuổi dưới 12 tuổi.

Sâu răng phá hủy các mô cứng gây vỡ răng dẫn đến mất răng, bệnh lý nha chu phá hủy các mô nâng đỡ răng như: nướu, xương, các dây chằng xung quanh răng.

Khi mất răng sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: ăn, nhai khó dẫn đến dạ dày bị ảnh hưởng, răng xung quanh sẽ chồi, mọc lệch, nếu mất nhiều răng khuôn mặt sẽ sụp xuống mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến giao tiếp…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng, nguyên nhân chính do thói quen vệ sinh răng miệng, thói quen ăn nhai. Khi vệ sinh răng miệng không tốt tạo điều kiện vi khuẩn phát triển phá hủy các mô răng.

Một trong những phương pháp hiện nay khi mất răng được người dân lựa chọn là cấy implant (kỹ thuật trồng răng giả - PV) để không ảnh hưởng đến các răng xung quanh, chức năng ăn nhai.

Thế nhưng các cơ sở y tế muốn thực hiện được kỹ thuật này bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề được đào tạo về cấy implant, cơ sở y tế đó được Sở Y tế cấp phép trong danh mục kỹ thuật. Nếu chọn sai cơ sở thì hiệu quả điều trị thấp, tốn kém chi phí.

Theo TS Lâm, tại Việt Nam hiện nay có 17 cơ sở đào tạo răng hàm mặt cả trường công và trường tư, tỉ lệ bác sĩ răng hàm mặt khá thấp (10.000 dân chỉ có khoảng 30-40 bác sĩ) so với các nước trong khu vực.

"Điều kiện kinh tế phát triển, người dân quan tâm đến sức khỏe răng miệng hơn dẫn đến nhu cầu cao nhưng tỉ lệ bác sĩ răng hàm mặt thấp. Bên cạnh đó lượng bác sĩ chỉ tập trung ở những thành phố lớn.

Nguyên nhân có thể do số điểm đầu vào cao, học phí tốn kém, thời gian đào tạo kéo dài (6 năm) dẫn đến không phải gia đình nào cũng có thể cho con theo được”, TS Lâm cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tính - Trường đại học Y Dược Cần Thơ - cho hay vấn đề răng miệng nổi trội nhất tại Việt Nam hiện nay vẫn là sâu răng và nha chu, nguyên nhân lớn nhất là vấn đề vệ sinh răng miệng do người dân chưa quan tâm đúng mức.

Bệnh nhân thường đến khám trong tình trạng sâu răng khi đã ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Tính khuyến cáo người dân chú ý đến sức khỏe răng miệng, có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách như: Sau khi ăn thức ăn ngọt nhiều không chải răng mạnh tránh mòn răng, khám bác sĩ định kỳ 4-6 tháng/lần, trám răng khi xuất hiện những lỗ sâu nhỏ, tập thói quen nhai hai hàm…

Nên đánh răng trước hay sau khi ăn sáng để phòng sâu răng?

TS Trần Hùng Lâm cho hay thông thường nên đánh răng khoảng 3 lần/ngày sau khi ăn, đặc biệt là lần đánh trước khi đi ngủ là quan trọng nhất. Khi ngủ trong thời gian dài, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh nhất.

“Trước khi đi ngủ chúng ta đã đánh răng, do vậy khi ngủ dậy vào mỗi sáng có thể xúc miệng, ăn sáng, sau đó sẽ đánh răng. Điều này sẽ tăng hiệu quả bảo vệ răng miệng”, TS Lâm nói.

Báo Tuổi Trẻ tổ chức lớp học về cách phòng ngừa sâu răng cho học sinhBáo Tuổi Trẻ tổ chức lớp học về cách phòng ngừa sâu răng cho học sinh

TTO - Từ ngày 11 đến ngày 15-3-2019, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức lớp học ngoại khóa về cách giữ gìn vệ sinh răng miệng, phòng ngừa sâu răng tại 6 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên