11/06/2020 13:07 GMT+7

Ma túy đang 'đi ngược'

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Người nghiện đang tăng và trẻ hóa, nhất là phía Nam; biện pháp chế tài, pháp luật xử lý chưa mạnh; cơ sở cai nghiện quá tải; ma túy 'đi ngược' từ Lào và Campuchia sang Việt Nam để đến Trung Quốc...

Ma túy đang đi ngược - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì Hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy, sáng 11-6 - Ảnh: Đ.BÌNH

Phát biểu tại hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy, sáng nay 11-6, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các vụ án ma túy lớn với mức độ tinh vi cũng ngày một tăng. Đặc biệt, người nghiện ma túy cũng tăng và ngày một trẻ hóa.

Người nghiện đang trẻ hóa, nhất là phía Nam

"Tôi đến nhiều nơi, thật buồn và lo ngại khi thấy người nghiện ma túy đang trẻ hóa và gia tăng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Nhiều cơ sở cai nghiện có khá đông người độ tuổi chỉ đang là học sinh cấp 2" - thứ trưởng Hà cho biết.

Đồng tình với bà Hà, thượng tá Ngô Thanh Bình, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), cũng thừa nhận xu hướng trẻ hóa của tội phạm ma túy, trong đó lo ngại là người nghiện độ tuổi 12-18 có xu hướng tăng.

"Người nghiện ma túy trẻ hóa, nhưng việc xử lí, tổ chức cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do bất cập về các qui định pháp luật, vướng các qui định của quốc tế và Việt Nam về quyền trẻ em, nên việc xử lí, nhất là xử lí hình sự rất khó khăn" - phó cục trưởng C04 nói.

Theo bà Hà, hiện công tác cai nghiện đang gặp nhiều bất cập, từ bất cập về thể chế, chính sách cho đến công tác quản lí.

"Ai cũng biết trộm cắp, giết người, cướp của…hầu như đều liên quan đến ma túy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Vậy nhưng trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện lại đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Như vụ học viên cai nghiện phá trại ở Tiền Giang mới đây thì thấy cơ sở hạ tầng cho cai nghiện đã quá tải. Thiết kế tiếp nhận chỉ 300-350 người, nhưng thực tế lại có đến trên 600 người. Tôi đã vào đây, tới một phòng ở của học viên thì có đến gần 80 con người chen chúc nhau ở. Đông như vậy thì cai nghiện làm sao. Hầu hết các vụ trốn trại, phá trại là do cơ sở cai nghiện quá tải.

Công tác cai nghiện còn khó nữa khi đội ngũ nhân viên, bác sĩ quá mỏng. Ngành lao động phải làm việc với bên y tế để xin bác sĩ về các cơ sở cai nghiện, nhưng việc này cũng chỉ mang tính luân phiên. Bác sĩ mà luân phiên, không có sự gắn bó thì làm sao việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện hiệu quả?" - thứ trưởng Hà chia sẻ.

Bà Hà mong muốn hệ thống pháp luật phải đồng bộ, làm sao vừa đảm bảo quyền con người đã được qui định trong hiến pháp, đảm bảo nhân quyền cho những người yếu thế nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện.

"Cần tuyên truyền từ gia đình, nhà trường, xã hội để lấy phòng là chính chứ nghiện rồi mới chống thì khó" - bà Hà nhấn mạnh.

Ma túy đang đi ngược - Ảnh 2.

Thượng tá Ngô Thanh Bình, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đ.BÌNH

Ma túy đang "đi ngược"

Thượng tá Ngô Thanh Bình cho biết dòng chảy ma túy đang "đi ngược" từ Lào, Campuchia qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Còn trước đây, Trung Quốc là "trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp" và ma túy được đưa vào Việt Nam rồi mới sang các nước khác.

"Tuyến ma túy, nguồn ma túy đã có sự thay đổi nên chúng ta cũng phải có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp. Việt Nam cũng "manh nha" là nơi sản xuất ma túy. Cuối năm 2019, C04 đã điều tra và bắt ở Kon Tum một vụ sản xuất ma túy đá do người bên Trung Quốc sang Việt Nam để núp danh công ty sản xuất thuốc trừ sâu. Hơn 13 tấn hóa chất cùng nhiều thiết bị để điều chế, sản xuất ma túy đã bị bắt. Và nếu không bắt được thì cơ sở này có thể sản xuất trên 1 tấn ma túy đá/tháng".

Theo thượng tá Bình, tuyến ma túy, nguồn ma túy thay đổi và tội phạm ma túy, người nghiện ma túy vẫn đang tăng. "Số lượng hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý là rất thấp so với số người nghiện thực tế. Đây là điều rất khó trong quản lí cũng như cai nghiện".

Để cai nghiện hiệu quả, phó cục trưởng Cục C04 cho rằng điều quan trọng nhất phải là "tâm huyết" của cả chính quyền, gia đình, xã hội và đặc biệt những người làm công tác cai nghiện. Ông Bình cũng cho rằng phải tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống ma túy.

"Phòng chống COVID-19 như chống giặc, ai ra đường cũng tự giác mang khẩu trang. Hay như phòng chống dịch H5N1, có thời điểm người dân sợ không dám ăn thịt gà. Vậy tuyên truyền về phòng chống ma túy phải làm sao để mọi người thay đổi nhận thức, nghe đến ma túy là phải tránh xa.

Nên có những biện pháp chế tài, pháp luật xử lý thật nghiêm, thật mạnh chứ giờ thì vẫn có những "ràng buộc" về quyền con người nọ kia nên cũng khó xử lý nghiêm những người buôn bán ma túy hay nghiện ma túy…" - ông Bình nêu quan điểm.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên