09/06/2013 11:27 GMT+7

"Ma trận cổ vật" của tàu cổ

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Chín tháng trước, khi vụ việc các ngư dân Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tình cờ phát hiện con tàu cổ này và bí mật lặn khai thác bị vỡ lở, làng chài bình lặng này bỗng sôi động với những cơn sóng ngầm “đồ cổ”.

Kỳ 1: “Nghĩa địa” tàu cổ trên biển Châu Thuận

frVySsvb.jpgPhóng to
11 chiếc chậu gốm tráng men, kết dính thành khối cùng san hô và tiền kim loại, được tìm thấy hồi tháng 9-2012 trong chiếc tàu đắm - Ảnh: Trà Giang

Đi đến đâu trong làng cũng nghe đồn thổi về một vài ngư dân đã trúng đậm tiền tỉ từ việc bán một số chén đĩa vớt được.

Cùng với những tin đồn, nhiều dân buôn đồ cổ khắp nơi cũng tìm về đây, không chỉ săn tìm mua bán cổ vật mà còn nhân cơ hội này mang đồ cổ giả về hiện trường thật để “đánh quả”.

Tranh giành dưới đáy biển

Người đầu tiên phát hiện con tàu cổ ở Châu Thuận Biển là hai anh em ông Trương D. và Trương Đ. cùng ngụ ở thôn này. Đầu tháng 9-2012, tại địa điểm nói trên, ông D. tình cờ phát hiện và nhặt được một mớ mẻ đồ celadon (loại gốm sứ cốt đanh gần như đá) màu xanh ngọc nằm tương đối tập trung. Nghe có “mùi” tàu cổ chìm, ông âm thầm lượm về và bàn tính với em trai sắm sửa máy hút cát, bình khí, sau đó thuê một nhóm thợ lặn cùng tổ chức trục vớt vào giữa khuya.

Tuy nhiên việc săn tìm cổ vật đã không giữ được bí mật bởi ông T., một người cùng thôn, rạng sáng đó đi ra biển sớm và phát hiện hoạt động của nhóm săn tìm cổ vật. Sự tham gia lặn tìm cổ vật của ông T. và việc chia chác cổ vật giữa nhóm anh em ông Trương D. và ông T. sau đó không êm ả, đã xảy ra giằng co gây ồn ào khiến những người dân trong làng tràn ra bãi biển chứng kiến. Cả làng bắt đầu hiểu chuyện gì xảy ra. Một số nháo nhào chạy ra biển lặn. Một số gọi điện cho nhau rồi sắm sửa ghe thuyền, máy hút, bình hơi... tiến ra biển. Không chỉ người dân Châu Thuận Biển mà ngư dân các làng chài lân cận như Châu Tân, Châu Me, An Hải, Phú Quý... cách đó nhiều cây số cũng đổ về. Trên biển lúc ấy tàu thuyền vây quanh, hàng trăm người lặn ngụp. Tất cả đều lặn “bộ” (không có các phương tiện hỗ trợ) nên lấy được cái gì là đưa lên. Một số thuyền khác có tổ chức với năm sáu người, người thì dùng máy hút, người thì lặn ngụp...

Thế rồi tin về con tàu cổ đã được báo lên cơ quan chức năng. Canô của công an và tàu của bộ đội biên phòng được điều động ứng trực và bảo vệ khu vực tàu đắm. Tình hình trật tự được vãn hồi, tuy nhiên sức hấp dẫn của những món đồ cổ với tin đồn bạc tỉ đã khiến những ngày tiếp theo, hàng trăm người dân vẫn chầu chực trên bờ lẫn trên ghe thuyền chờ sơ hở để lao vào trục lặn. Về đêm hoạt động lặn vớt tuy lén lút vẫn diễn ra sôi động. Đặc biệt là vào buổi chiều 13-9, gió mùa tràn về biển động mạnh, các canô và tàu trực được lệnh rút về neo đậu ở nơi an toàn. Và trước những cơn sóng bạc đầu cuồn cuộn trên bãi biển Châu Thuận, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng hàng trăm ngư dân từ trong bờ ào ào băng sóng lớn, bất chấp tính mạng lao ra vị trí tàu đắm để tranh thủ tìm kiếm cổ vật. Không ai biết trong những ngày đó các ngư dân ở đây đã vớt được bao nhiêu đồ cổ từ con tàu, nhưng dân buôn và nhiều “dân chơi” trong cả nước đã đổ dồn về vùng biển Bình Châu. Với họ, đây là cơ hội hiếm hoi để săn lùng đồ xịn cũng như lấy sự kiện này làm “lý lịch” cho các món đồ giả, nhằm lừa những người vừa mon men vào đường buôn bán đồ cổ. Rất nhiều đồ giả đã được tung ra thị trường với “lý lịch” là vừa được vớt lên từ tàu ở Châu Thuận Biển!

giIrY8VO.jpgPhóng to
Hũ gốm celadon đời Minh được một nhà sưu tập cổ vật mua từ ngư dân Châu Thuận Biển - Ảnh: Th.Lộc

Cơ hội đồ giả “lên ngôi”

Gần như đồng thời, vài ngày sau khi rộ lên vụ trục vớt cổ vật ở Quảng Ngãi, ba người phụ nữ buôn đồ cổ, dẫn đầu bởi một người tên Phượng, từ Bình Định đưa đồ “vừa lặn ở Quảng Ngãi” ra Huế chào hàng. Dân buôn ở Huế cho biết lô hàng với chừng 50 bát đĩa celadon men ngọc đồ Trung Quốc và ba túi xách gồm bát, chén, đĩa gốm Chu Đậu của VN.

Theo lời anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một hàng đồ cổ trên đường Trần Hưng Đạo - Huế, ba người này sau khi liên hệ bán được một số hàng cho những dân buôn ở Huế, đã tìm đến anh để chào hàng. “Mớ đồ Chu Đậu có nhiều đồ thật vớt biển từ nhiều năm trước, còn một số khác nghi giả. Còn đồ “C” (cách gọi tắt đồ gốm sứ celadon-PV) thì quá đẹp, nhưng gần như ăn chắc toàn đồ giả thời Minh nên tôi không mua. Họ cuốn gói đi mất!” - anh Hùng cho biết.

Một vài ngày sau, thị trường đồ cổ ở Huế cũng xuất hiện khá nhiều đồ “C” và đồ Chu Đậu “vừa lặn ở Quảng Ngãi” do các tay buôn xứ Huế chào lẫn nhau hoặc bán cho người chơi. Theo lời N.H., một tay buôn sành sỏi trong nghề, đây chính là “hiệu ứng tàu Châu Thuận Biển”. “Khi xem qua hàng, mình nhận ra ngay vì phần lớn những món hàng đó đều là đồ giả lâu nay không bán được, nay gặp dịp “té nước theo mưa”. Có món từng đến chào mình vài ba lần nhưng biết giả mình không mua, giờ lại tiếp tục tuồn ra đưa đến tay mình bởi một người khác. Chuyến này chắc có nhiều người ăn phải trái đắng đây!” - H. cho biết. Cũng theo H., tình trạng tương tự đang diễn ra ở thị trường đồ cổ cả nước, trong đó rõ nhất ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và ngay tại Quảng Ngãi...

Một “chứng cứ” khác khiến H. khẳng định những “bạn hàng” đồng hương quanh mình đang bán đồ giả. Anh nói: “Chiếc tàu trục vớt hiện nay toàn đồ “C” Minh chứ đâu có đồ Chu Đậu. Vậy mà thiên hạ đưa ra cả đồ Chu Đậu nói đồ vừa vớt. Có lẽ họ nhầm khi đọc một số tờ báo đưa ảnh đồ Chu Đậu để minh họa”.

“Hiện nay, đồ celadon giả siêu đẳng lắm, tất cả đều giống xưa, đều cao cấp, tuyệt đẹp, chỉ khác nhau một chút ở “màu thời gian” thôi! Song cái “màu thời gian” này cũng thật sự kinh nghiệm và tinh ý mới nhận ra được, vì ngoài công nghệ đỉnh cao, họ còn cho ngâm ở biển vài năm nữa nên rất khó nhận chân thật giả” - ông Nguyễn Hữu Hoàng, thành viên Hội Di sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định. Ông Hoàng dẫn câu chuyện cuối thập niên 1990, một người quen ở Hà Nội nghe chiếc tàu đắm ở Cà Mau đã “ôm một đống tiền” đến mua. Ông này thuê đò ra tận nơi để mua một cái vò thời Ung Chính (nhà Thanh, Trung Quốc) vừa được vớt với giá khá cao. Chắc mẩm là đồ “xịn” vì được chứng kiến cảnh vừa vớt lên, ai dè về nhà nhìn kỹ hóa ra đồ giả. “Thông thường khi nghe phát hiện có đồ vớt từ tàu chìm thì những đại gia mới tập chơi, ít rành đồ và cả khách nước ngoài tập trung đến mua hàng... cho chắc ăn. Thế nhưng, nhiều câu chuyện chứng minh ngược lại. Đây chính là điều kiện béo bở cho nhiều người buôn đồ cổ lừa bán đồ giả. Thời điểm đó, tại Bình Châu tất cả các cuộc mua bán đều diễn ra kín đáo, lại trong tình cảnh cơ quan chức năng thắt chặt an ninh nên rất khó có điều kiện thẩm định thật giả, không cẩn thận là “dính chưởng” dễ như chơi!” - ông Hoàng nói.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã lập phương án khai quật. Lần đầu tiên một con tàu cổ được xuất lộ hoàn toàn dưới đáy biển...

___________

Kỳ tới: Cuộc khai quật chưa từng có...

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên