3.000 tỉ là tiền của nhà đầu tư, chưa phải tiền của Saigon Co.op
Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Thành Công, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Diệp Dũng) cho rằng số tiền 3.000 tỉ đồng của Saigon Co.op nhận từ các nhà đầu tư không phải là tài sản, vốn hoạt động của Saigon Co.op, mà số tiền này là tài sản của các nhà đầu tư và Saigon Co.op đơn giản là đang giữ hộ.
Do không phải là tài sản của Saigon Co.op nên việc sử dụng 1.000 tỉ đồng trong 3.000 tỉ để hợp tác đầu tư không phải là hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op. Do vậy, lợi nhuận dự kiến thu về không phải là thiệt hại của Saigon Co.op.
Cụ thể, số tiền 3.000 tỉ đồng mà các nhà đầu tư chuyển vào tài khoản ký quỹ phong tỏa của Saigon Co.op chỉ nhằm mục đích nhận vốn góp đặt cọc mua Big C. Do đó, khi thương vụ mua Big C thất bại thì mục đích huy động vốn đã chấm dứt và số tiền này không thể tự động chuyển hóa thành tài sản của Saigon Co.op.
Để số tiền này được xem là tài sản của Saigon Co.op thì buộc khoản tiền này phải được ghi nhận vào nguồn vốn của Saigon Co.op theo đúng trình tự, quy định pháp luật và điều lệ, quy chế tài chính của Saigon Co.op.
Thực tế số tiền 3.000 tỉ đồng này chưa thực hiện thủ tục theo quy định để nhập vào vốn hoạt động của Saigon Co.op.
Bên cạnh đó, luật sư cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét, đánh giá bối cảnh và nhận thức của bị cáo Dũng, hành vi phạm tội xảy ra trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ quốc tế đang du nhập vào Việt Nam và từng có thời điểm Saigon Co.op đứng số một về thị phần bán lẻ nội địa.
Với mong muốn và tâm huyết phát triển mạnh, vững chắc thị phần của Saigon Co.op, bị cáo Diệp Dũng xin ý kiến và quyết định mua lại Big C.
Nhưng do thương vụ mua bán không thành, cộng thêm nhận thức pháp luật còn hạn chế của bị cáo về nguồn vốn của các nhà đầu tư mới dẫn đến sai phạm như trong vụ án.
Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nhiều bị cáo thuộc ban kiểm soát Saigon Co.op
Ngoài 5 bị cáo bị xét xử về tội lạm quyền trong thi hành công vụ, còn 4 bị cáo Trần Trung Liệt (nguyên kế toán trưởng), Hàng Thanh Dân (nguyên ủy viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát Saigon Co.op), Phạm Thị Minh Ngọc (nguyên phó ban kiểm soát), Nguyễn Thị Thùy Trang (nguyên ủy viên ban kiểm sát Saigon Co.op) bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Phạm Lê Chí Thành (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang) cho rằng bị cáo không được tham gia họp hội đồng quản trị nên không có thông tin về việc ông Diệp Dũng ký hợp đồng hợp tác với Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới.
Do hạn chế về nghiệp vụ nên bà Trang đã không phát hiện những sai sót trên. Luật sư đề nghị hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự với bị cáo Trang
Luật sư Đặng Quốc Hưng và luật sư Tô Thị Bích Liên (bào chữa cho bị cáo Hàng Thanh Dân) cho rằng số tiền 3.000 tỉ đồng chưa được chấp nhận là nguồn vốn của Saigon Co.op, do vậy các thành viên ban kiểm soát chưa chú ý kiểm soát giao dịch với nguồn tiền này.
Hơn nữa, đơn vị kiểm toán độc lập cũng không phát hiện sai sót gì để cảnh báo ban kiểm soát.
Ông Dân không được thông báo về 2 hợp đồng mà ông Dũng đã ký với 2 đối tác để kiểm soát, đến khi cơ quan thuế truy thu thuế thì ông Dân mới biết, nhưng lúc này ông không còn là trưởng ban kiểm soát nữa.
Bên cạnh đó, luật sư cũng nêu ra nhiều tình tiết giảm và xin hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho ông Dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận