13/11/2015 08:28 GMT+7

Luật quan trọng ở tính cụ thể

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Điều hành phiên thảo luận về dự thảo Luật trưng cầu ý dân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã “báo cáo Quốc hội, đây là dự án luật rất quan trọng”.

Theo ông Uông Chu Lưu, đạo luật này là để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và để nói rằng Nhà nước rất tôn trọng ý kiến nhân dân, khi cần thiết Nhà nước trưng cầu ý kiến nhân dân để thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và nhân dân quyết định vấn đề đó của đất nước.

Sự quan trọng của một đạo luật không chỉ nằm ở các quy định trên văn bản, mà ở tính khả thi của các quy định đó sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.

Thời gian đến khi dự thảo luật này được Quốc hội biểu quyết thông qua không còn nhiều, nhưng vẫn có ý kiến đại biểu lo ngại về sự cụ thể, rành mạch liên quan đến quy định về các vấn đề trưng cầu ý dân - nội dung cốt lõi của đạo luật.

Dự thảo luật đưa ra bốn vấn đề Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân bao gồm: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh và vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Khi xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng thuật ngữ “quan trọng” và “đặc biệt quan trọng” ở các khoản của quy định nêu trên rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng. Khi nảy sinh vấn đề cần xem xét trưng cầu ý dân, Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thêm một bước xác định vấn đề có thật sự “đặc biệt quan trọng” hay không.

Từ đó sẽ dẫn đến tình huống vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân hoặc không tùy thuộc vào cách xác định ý nghĩa “đặc biệt quan trọng” của vấn đề.

“Điều này có nguy cơ làm cho quy định mang tính hình thức, mất đi ý nghĩa hết sức to lớn của quy định về các vấn đề trưng cầu ý dân nói riêng và cả đạo luật nói chung” - ông Vinh nói.

Nhìn lại thực tiễn lập pháp cho thấy trải qua bốn bản Hiến pháp đến nay, nước ta chưa có một cuộc trưng cầu ý dân nào. Các chuyên gia cho biết kinh nghiệm của nhiều nước là quy định cả những vấn đề trưng cầu ý dân cũng như không trưng cầu đều phải cụ thể mới khả thi.

Ví dụ, Thụy Sĩ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với việc gia nhập các cộng đồng siêu quốc gia như Liên minh châu Âu hoặc các tổ chức an ninh tập thể.

Như vậy là một vấn đề “đặc biệt quan trọng” về đối ngoại đã được cụ thể hóa. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị thiết kế lại quy định về các vấn đề trưng cầu ý dân theo hướng thật cụ thể, rành mạch từng vấn đề hoặc bổ sung hướng dẫn cụ thể về các vấn đề đặc biệt quan trọng.

Đây phải chăng là một đề nghị “đặc biệt quan trọng”?

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên