* Hướng tới quản lý dân cư bằng thẻ công dân điện tử
Phóng to |
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Quốc Hội - Ảnh: V.D |
Sẽ giảm được nhiều giấy tờ trong quan hệ dân sự
Chiều 4-6, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban Quốc hội về năm dự án luật, gồm: Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch VN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân VN; Luật công an nhân dân (sửa đổi). Riêng hai dự án luật liên quan đến quân đội và công an, Quốc hội họp riêng.
Trong số các dự án luật nói trên, Luật căn cước công dân với một số nội dung được đánh giá là “tạo bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân” - thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nêu rõ.
Theo đó, ủy ban này tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong luật và cho rằng quy định này đạt mục tiêu như vừa nêu.
Theo dự thảo luật, việc cấp thẻ căn cước công dân nhằm hướng tới thực hiện quản lý dân cư bằng thẻ công dân điện tử. Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng bằng việc cấp thẻ căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, trong tương lai việc quản lý dân cư sẽ được thực hiện đơn giản, thuận tiện cho công dân, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân hiện nay như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và những giấy tờ khác trong việc giao dịch, đi lại của người dân, tránh gây phiền hà cho nhân dân...
Thẻ căn cước công dân được cấp từ khi công dân sinh ra thay vì chứng minh nhân dân chỉ cấp từ khi công dân đủ 14 tuổi. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và an ninh lưu ý đây cũng là vấn đề lớn tác động đến toàn xã hội, do đó cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện và giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Theo Ủy ban Quốc phòng và an ninh, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với lộ trình và điều kiện thực tế về nguồn lực tài chính, bảo đảm hạ tầng thông tin, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, thì luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 là phù hợp, còn như đề xuất quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 là khó khả thi.
Theo đó, luật này có nhiều nội dung mới liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân và thẻ căn cước công dân, cần có thời gian chuẩn bị.
* Trong khi đó, trình dự án Luật hộ tịch, Chính phủ cho biết với vai trò của số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, dự thảo luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua trực tuyến. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ căn cước công dân, trong đó có số định danh của mình.
* Tại tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch VN, Chính phủ đề xuất sửa đổi một quy định trong Luật quốc tịch VN năm 2008 (khoản 2 điều 13) theo hướng bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch, nhằm không tạo áp lực về thời gian đối với người VN định cư ở nước ngoài trong việc đăng ký giữ quốc tịch VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận