04/06/2014 20:18 GMT+7

Sẽ giảm được nhiều giấy tờ trong quan hệ dân sự

  QUỐC THANH thực hiện
  QUỐC THANH thực hiện

TTO - Nếu thực hiện luật căn cước công dân theo phương án trình, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ, sẽ giảm được rất nhiều loại giấy tờ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội chiều 4-6.

39WAF1ID.jpgPhóng to
Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - an ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa - Ảnh: Việt Dũng

Hiện nay có khoảng trên 20 loại giấy tờ liên quan đến những việc người dân phải giao dịch trong quan hệ dân sự và đảm bảo các quyền lợi. Nếu thực hiện Luật căn cước công dân theo phương án trình; Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ, sẽ giảm được rất nhiều các loại giấy tờ. Ví dụ như giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ tịch..., tất cả đều nằm trong dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Thẻ căn cước công dân được cấp ngay từ lúc chào đời với những thông tin liên quan và sau đó được cập nhật khi có phát sinh, vậy cần thiết có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu không thưa ông?

- Thẻ căn cước công dân như qui định trong dự thảo luật sẽ thay cho toàn bộ các loại giấy tờ kia. Tất cả các nội dung thông tin liên quan đến hộ khẩu đã nằm trong dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi cơ quan nào cần khai thác để quản lí sẽ được truy cập vào cơ sở dữ liệu này. Còn người dân cần thông tin gì liên quan trong hộ khẩu để cung cấp, phục vụ cho các giao dịch của mình, chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân thì cơ quan chức năng sẽ truy xuất các thông tin liên quan, không cần xuất trình hộ khẩu.

Lộ trình thực hiện là từ 1-1-2016 và hoàn chỉnh đến năm 2020. Còn từ nay đến trước thời điểm này sẽ từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lí, đồng thời đảm bảo các loại giấy tờ cũ của công dân được ổn định.

* Đâu là thách thức của đề án rất qui mô nói trên của Chính phủ với dân số nước ta như hiện nay, sẽ vượt qua mốc 90 triệu người?

- Với đề án này, có thể nói đây là một cuộc cách mạng trong quản lí dân cư và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng các loại giao dịch của người dân. Tuy nhiên, thách thức là phải chuẩn bị các nguồn lực tài chính, kỹ thuật, con người... Do vậy, cần phải có lộ trình thực hiện đảm bảo tính khả thi, đồng thời phải đảm bảo ổn định trong quá trình phát triển.

* Hiện nay có nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau do một số ngành xây dựng, quản lí..., liệu rằng có kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tránh lãng phí, manh mún?

- Mỗi ngành, lĩnh vực đều có dữ liệu riêng. Còn dữ liệu quốc gia về dân cư như một hạ tầng thông tin, ví dụ dữ liệu cư trú của dân cư, dữ liệu căn cước... các ngành đều phải xây dựng nhưng sau đó được cập nhật vào trong dữ liệu quốc gia về dân cư thành dữ liệu dùng chung. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyền mở các dữ liệu riêng của mình để khai thác, phục vụ nhu cầu công tác nhằm đảm bảo bí mật của hệ thống dữ liệu.

Phải đảm bảo bí mật cá nhân

Đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật Hộ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết ủy ban này nhận thấy hiện nay ở nước ta đang có nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác nhau liên quan đến quản lí dân cư và do các bộ, ngành thực hiện, như dữ liệu về hộ tịch, cư trú, hộ khẩu… Do vậy, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục xem xét, có giải pháp tập trung đầu tư nguồn lực để thực hiện lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - cơ sở dữ liệu gốc, được kết nối, chia sẻ để các cơ quan nhà nước khai thác. Đồng thời cần qui định chặt chẽ việc khai thác cơ sở dữ liệu điện tử nhằm đảm bảo giữ bí mật cá nhân.

Hiện nay hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lí, còn hộ khẩu, căn cước công dân do Bộ Công an quản lí. Tuy nhiên, một số thông tin cơ bản về hộ tịch như khai sinh, kết hôn, khai tử, có nhiều thông tin được nêu lại trong cơ sở dữ liệu về hộ khẩu, căn cước công dân. Đây đều là vấn đề về quản lí dân cư, nếu để hai bộ quản lí sẽ chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí, tốn kém cho nhà nước, nhất là phiền hà cho công dân trong kê khai, đăng ký... Do vậy, các ý kiến này đề nghị Chính phủ giao thống nhất về nội dung về quản lí dân cư cho một cơ quan, Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an.

  QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên