23/09/2019 10:21 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 7: Truyền nhân làng lụa Mã Châu

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Người đàn ông là thế hệ thứ 18 của làng lụa Mã Châu vang danh sử sách mang tiếng 'lập dị' khi rời TP.HCM, ngược về quê dựng cửi, xe tơ, đánh thức làng nghề vàng son tưởng đã đi vào quá khứ.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 7: Truyền nhân làng lụa Mã Châu - Ảnh 1.

Ông Phương coi lụa Mã Châu như máu thịt đời mình - Ảnh: B.D.

Kể về nghề lụa, người đàn ông ấy xúc động: "Người ta từng bảo tôi rằng nghề lụa Mã Châu đã tàn lụi rồi, làm sao cứu sống nổi. Nhưng tôi dù chết cũng xin được làm một con tằm dưới gốc dâu bên dòng sông Thu Bồn".

Năm tháng buồn của Mã Châu

Người đàn ông ấy tên là Trần Hữu Phương, giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu (khối Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Ông Phương là truyền nhân đời thứ 18 và mấy cha con ông cũng nằm trong số ít những người còn làm lụa của làng nghề Mã Châu vang bóng một thời.

Câu chuyện ông Phương kể về làng lụa thỉnh thoảng lại bị khựng ngang bởi những giọt nước mắt hoài niệm một thời vàng son.

"Tổ tiên người làng tôi bao đời sống và nên danh từ lụa. Vậy nên khi thấy làng nghề dần lụi tàn, nghĩ về cái tên Mã Châu tôi lại bật khóc" - ông xót xa.

Trong nhiều tài liệu có ghi chép về cái tên lụa Mã Châu. Đó là một làng nghề cổ xưa tồn tại bên sông Thu Bồn. Nhưng bánh xe lịch sử đã nghiền nát làng lụa bằng những biến cố thời cuộc.

Từ một làng quê dệt nên những tấm lụa nức tiếng trong nước và theo thương thuyền đi khắp thế giới, lụa Mã Châu tàn lụi dần trong nặng trĩu nỗi buồn thời cuộc.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 7: Truyền nhân làng lụa Mã Châu - Ảnh 2.

Ông Phương là truyền nhân của gia đình nhiều đời dệt lụa - Ảnh: B.D.

Ông Phương kể một chi tiết làm chúng tôi không khỏi xót xa: Sau chiến cuộc khốc liệt, nhiều người Mã Châu phải rời bỏ quê hương để vào miền Nam làm ăn. Đồ đạc họ mang theo là vài con tằm giống và bộ khung cửi. 

Đi tới đâu, những người con quê dệt đó lại tìm đất, dựng khung cửi, mua tơ về tiếp tục nghề dệt lụa của tổ tiên bao đời truyền lại.

Người Mã Châu dù dệt lụa, dựng khung cửi ở nơi khác nhưng thứ nước màu tẩm gia truyền và đường dệt đã làm mê mẩn khách tứ phương. Ở một nơi cách quê hương cả ngàn dặm, lụa Mã Châu vẫn sống và tồn tại. 

Ông Phương kể lúc theo người làng vào TP.HCM, lòng ai ai cũng biết rằng làng nghề quê mình rất khó vàng son lại được nữa. Thi thoảng trong câu chuyện về quê hương của người xứ Quảng, cái tên làng lụa Mã Châu được nhắc đến làm kẻ ly hương nhói đau.

Người "lập dị" làm lụa

Bước ngoặt của làng lụa Mã Châu được bắt đầu vào một ngày giữa năm 1991 khi ông Trần Hữu Phương đón xe trở về quê để dựng mộ cho tổ tiên. 

Khi thấy con trai trở lại quê nhà, cha già của ông đã nắm lấy tay con rồi thều thào: "Con hãy về lại quê vận động bà con trồng lại điền dâu. Có thế thì ba nhắm mắt mới yên lòng".

Câu nói trĩu nặng tâm nguyện của cha như thức tỉnh ông Phương. Cuối năm 1991 ông trở lại TP.HCM, tìm tới người thân cận nhất là ông Trần Hữu Diện cũng từng là nghệ nhân dệt rất nổi tiếng ở Mã Châu. 

Nghe lời đúng nỗi lòng mình lâu nay, ông Diện ngụm chén trà rồi vỗ tay xuống bàn, quả quyết: "Chúng ta sẽ trở về".

Nhưng cuộc trở về quê hương đó không suôn sẻ mà lại vô cùng gian nan, trắc trở. Chính dòng họ ông Phương cũng có người đã hét lên với ông rằng "mày điên rồi" trong cuộc họp gia đình để ông trình bày ý định trở về làng lụa. 

Khi nói câu đó, chính họ cũng bật khóc rồi can ông rằng làng lụa Mã Châu đã dần lụi tàn. Mà một cơ thể đã đến hồi cuối yếu ớt thì khó ai làm mạnh khỏe lại được. 

Ông Phương ngồi lặng nghe rồi quả quyết: "Dù có chết tôi cũng xin chết như một con tằm bên gốc dâu Thu Bồn".

Cuộc trở về của ông Phương, ông Diện kéo theo một câu chuyện đầy kỳ dị sau đó: khi ông vào TP.HCM tìm mua lại toàn bộ khung cửi cũ của bà con Mã Châu, nhiều người tò mò theo ông về lại quê cũ để "xem thử hắn làm ra sao". Thấy điền dâu tươi tốt, làng quê thái bình, tằm nhả kén mà chẳng có người xe tơ, cuộc trở về của người Mã Châu bắt đầu.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 7: Truyền nhân làng lụa Mã Châu - Ảnh 3.

Xưởng lụa Mã Châu của ông Phương được con gái quay về nối nghiệp - Ảnh: B.D.

Gìn giữ tinh hoa của tổ tiên

Ông Phương cùng ông Diện tập hợp xã viên gầy dựng lại Hợp tác xã ươm dệt thị trấn Nam Phước. Nhưng mọi thứ khó khăn ngoài sức tưởng tượng. 

Ông Phương cho biết giá tơ thế giới hồi ấy rớt thê thảm khiến làng nghề lao đao, các xã viên được ông tập hợp rơi rụng dần. Nhiều người hờn trách ông sao để họ sa vào cảnh hồi hương trong khốn khó.

"Có những ngày tôi lang thang điền dâu, rồi về ngồi trước khung cửi tới thâu đêm và tự hỏi mình tại sao lại phải làm như thế. Nếu không quay về vì làng lụa, có khi ở TP.HCM vợ con và cả tôi đã đủ đầy lắm" - ông xúc động tâm sự. 

Cuộc trở về của truyền nhân làng lụa đã sớm chuốc lấy sự thất bại cay đắng, thậm chí tới mức nghiệt ngã. Những năm 2000, hầu như cả Mã Châu chỉ còn ông Phương và rất ít người bám trụ nghề cũ.

Hết sức khó khăn nhưng ông Phương vẫn tiếp tục cuộc "trường chinh" của mình. Ông cải tiến máy móc, đưa thêm kỹ thuật hiện đại vào để tăng năng suất, rồi cầm cố gia sản để lấy tiền trả công cho công nhân trong xưởng dệt. 

Những năm 2017, giá tơ thế giới phục hồi, đầu ra tơ thô dễ bán hơn. HTX khai tử để thay bằng công ty do ông Phương đứng tên. Đặc biệt, hành trình không mệt mỏi của ông được hai cô con gái tiếp thêm sức lực và niềm tin. 

Cô con gái đầu Trần Thị Yến tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, đang làm ngân hàng tại Tam Kỳ (Quảng Nam) đã nhắn tin cho cha qua điện thoại: "Con sẽ về làm lụa cùng ba".

Nhưng không riêng Yến, người em gái là Trần Hoàng Oanh sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Huế cũng về tâm sự với ba mình: "Ba con mình sẽ theo nghề dệt, phục hồi làng lụa Mã Châu". 

Với kinh nghiệm, tình yêu và vận nghiệp sống chết bên điền dâu, mấy năm nay xưởng lụa của ông Phương mỗi ngày như thêm sức sống. 

Ông cùng anh chị em công nhân trồng dâu, dệt lụa, hai cô con gái đi tìm kiếm thị trường, tiếp cận khách mua. Và hàng của họ làm ra được khách hàng trong nước lẫn du khách quốc tế rất yêu thích...

Ông Phương cho biết mấy năm nay xưởng lụa Mã Châu được phục hồi, khách du lịch và các nhà thiết kế thời trang có xu hướng tìm về sản phẩm thủ công thuần tự nhiên. Ông đồng thời nhận được nhiều lời đề nghị của các doanh nghiệp muốn "hợp tác". 

Nhưng sự hợp tác đó có thể bắt buộc ông phải đánh đổi giá trị thuần khiết mà cả cuộc đời ông đã đeo đuổi cái tinh hoa của tổ tiên.

"Người ta muốn tôi hợp tác nhưng tôi hiểu rằng có thể sẽ phải đánh đổi. Tới lúc nào đó nếu tôi xuôi tai thì Mã Châu sẽ bị lạm dụng, trà trộn vải vóc khác vào, khi ấy sẽ chỉ còn là một Mã Châu "hồn lìa khỏi xác" mà thôi" - ông chia sẻ vì sao mình vẫn kiên trì con đường đã chọn.

Xưởng lụa của ông Phương hiện đang duy trì việc làm cho 20 người địa phương và là xưởng dệt lụa Mã Châu nổi tiếng ở Quảng Nam.

Ông xúc động khi "tổng kết" cuộc đời mình: "Cả đời tôi cô độc nuôi con để cố gắng sau này con không khổ như ba nó. Tôi bảo với con rằng ba nuôi ăn học, công việc của con thì ba sẽ để tự con quyết định. Nhưng khi xin được việc, các con lại nhắn rằng "con sẽ trở về cùng ba" làm tôi như trút bỏ được mọi âu lo, tủi thân.

Có con đồng hành giúp tôi vững chãi, an lòng hơn".

Kỳ tới: Người đóng ghe ngo số 1

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên