22/09/2019 11:09 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 6: Nửa thế kỷ giữ nghề hát xưa

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Coi hát bội như báu vật của tổ tiên truyền lưu, suốt gần 50 năm qua nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm đã vượt qua bao khó khăn của từng vai diễn, bao nỗi nhọc nhằn cuộc sống vật chất để gìn giữ tinh hoa nghề hát xưa...

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 6: Nửa thế kỷ giữ nghề hát xưa - Ảnh 1.

Nghệ nhân Vũ Linh Tâm dạy hát bội miễn phí ở Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH

Có lần gánh hát Đồng Thinh được Bộ VH-TT&DL cử sang Mỹ biểu diễn phục vụ bà con kiều bào và du học sinh Việt. Tưởng rằng thế hệ hiện đại xa quê hương đã phai nhạt cảm xúc với bộ môn biểu diễn văn hóa xa xưa, nào ngờ nhiều kiều bào lại thích thú, hết mình ủng hộ.

VŨ LINH TÂM

Hát bội, hay còn gọi là hát bộ, khi xưa thường chỉ có trong cung đình, phục vụ vua chúa. Về sau, nghề hát bội xuất hiện trong các đình, nơi thờ những vị danh tướng, vị thần tiên để phục vụ dân gian. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề hát bội dần bị rơi vào quên lãng bởi cuộc sống hiện đại như ngày nay.

Một đời hát bội

Thế nhưng ở miền Tây Nam Bộ lại có một người mà suốt gần 50 năm qua vẫn luôn nặng lòng với nghề hát bội này. Đó là nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật Nguyễn Văn Tốt, 60 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), chủ nhiệm gánh hát Đồng Thinh nổi tiếng.

Ông được biết đến như một hậu duệ ít ỏi còn sót lại của làng nghề hát bội. Để nghề không bị mai một, xa cách khán giả, Vũ Linh Tâm luôn tìm tòi, sáng tạo, biến tấu lại cách biểu diễn theo bản sắc của riêng mình.

Trải lòng chuyện nghề, nghệ nhân Linh Tâm trầm giọng: "Không phải nghệ nhân hát bội lúc nào cũng là ánh hào quang sân khấu, phấn son rực rỡ. Mà khi họ cởi bỏ lớp áo mão vua chúa, không còn tiếng vỗ tay của khán giả thì cũng quay về với đời thực và nếm trải đủ thăng trầm, tủi cực của nghề".

Linh Tâm là người tiếp nối truyền thống hát bội của gia đình từ 3 thế hệ trước. Ông có quãng thời gian dài tập luyện gian khổ, bất kể ngày hay đêm và hát bội như dần thấm sâu vào trong máu. Từ đó mới hình thành một nghệ nhân có sự cảm nhận nghệ thuật hát bội vô cùng nhạy bén. Ông kể gần 5 thập kỷ gắn bó với nghề, gia sản lớn nhất của mình là đảm nhận tròn 50 vai diễn ở tất cả thể loại. Từ kép hài, kép mùi đến kép chính, vai nào cũng không làm khó được Vũ Linh Tâm.

Đến với hát bội từ năm 13 tuổi, vai diễn đầu tiên ông đảm nhận là nhân vật Tiết Đinh San. Đó là viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho con đường sự nghiệp hát bội. Năm 18 tuổi, nghệ nhân Linh Tâm đảm trách vai trò phó chủ nhiệm gánh hát Đồng Thinh nổi tiếng ở vùng miền Tây Nam Bộ. Đây là tài sản lớn của ông ngoại nghệ nhân Vũ Linh Tâm để lại từ thuở xa xưa.

Những năm tháng làm nghệ sĩ, theo Vũ Linh Tâm, đó là kiếp con tằm phải nhả tơ và chịu bao cảnh thăng trầm, buồn vui. "Thời trước, có những tối đang hát bị chiến sự đánh phá phải chạy trốn, anh em đói khát và cả chuyện đào kép bị bắt cũng đành rã gánh. Có những lúc quá khổ, đến ngày giỗ Tổ phải chạy đôn chạy đáo vay tiền mua con gà cúng Tổ nghề" - nghệ nhân Vũ Linh Tâm xúc động nhớ lại.

Tuy điều kiện kinh tế của nghề hát bội không mấy khấm khá, nhưng đối với nghệ nhân Linh Tâm lại luôn có cho riêng mình một quan niệm sống sâu sắc. Đó là người nghệ sĩ ai cũng có một thời, có người lúc tên tuổi vang xa, có danh có tiếng thì cuộc đời khá giả. Nhưng cuối cùng, nghệ sĩ nào cũng sẽ đến hồi qua thời vàng son. Nghề và nghiệp là vậy. Phải hiểu cuộc thăng trầm để mà an lòng gắn bó đến cùng với nghề.

"Những người như tôi hay con cháu trong gia đình và các bạn theo gánh hát Đồng Thinh phải luôn biết vui sống một kiếp phong trần, lang bạt. Cái ân huệ ở nghề này là ân tình khán giả. Dù họ có là người trí thức hay bình dân trong xã hội, nhưng tất cả đều là ân nhân của gánh hát. Không có khán giả sẽ không có mình. Cũng có lúc đi diễn bị người quá khích quậy phá, đánh anh em kép hát. Đó cũng là cái cực của nghề hát bội, nhưng đừng bao giờ vì thế mà nản" - Linh Tâm trải bày.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 6: Nửa thế kỷ giữ nghề hát xưa - Ảnh 3.

Vũ Linh Tâm và gánh hát Đồng Thinh cùng du khách diễn hát bội tại đình An Thành, Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH

Giữ nghề xưa giữa thời hiện đại

Hiện tại, nghệ nhân Vũ Linh Tâm là phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, ông cũng là trưởng nhóm hát bội chuyên phục vụ du khách trong và ngoài nước. Dù đã có tuổi nhưng ông còn tham gia làm đạo diễn, viết tác phẩm hát bội cho sân khấu và thường xuyên đi đây đó khắp miền Tây Nam Bộ để khảo sát, tìm hiểu đời sống, nguyện vọng của bà con, rồi tái hiện đời thực lên sân khấu.

Đâu đó khắp miền Tây, cứ mỗi dịp xuân về hay những ngày lễ và cả dịp cuối tuần, các thành viên của gánh hát Đồng Thinh lại tất bật hóa trang, tập luyện hăng say, rồi lỉnh kỉnh đồ đạc để đi biểu diễn. Thường xuyên nhất là ở đình An Thành (xã An Bình, huyện Long Hồ) vào cuối tuần là gánh hát Đồng Thinh lại có những tiết mục hát bội phục vụ du khách.

Những trích đoạn hát bội kinh điển như Câu thơ yên ngựa kể lại giai đoạn lịch sử vệ quốc hào hùng của dân tộc Việt thời nhà Lý vang danh ở sông Như Nguyệt với cuộc chiến chống quân Tống xâm lược.

Vở tuồng tái hiện năm tháng lịch sử nhà Tống đem binh hùng, tướng mạnh sang xâm lược Đại Việt. Thế giặc như vũ bão cả đường bộ lẫn đường sông. Nhưng đi đến đâu đều bị quân Lý Thường Kiệt đánh tan tác. Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã để lại "bài thơ thần" được đời sau xem như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà.

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời) được nghệ nhân Vũ Linh Tâm tái hiện oai hùng trong mắt du khách quốc tế.

Sự tài hoa của nghệ nhân Linh Tâm còn khiến bao du khách thích thú với nhiều phần trình diễn mang đậm văn hóa Việt như điệu múa phi ngựa, múa đao, kiếm...

Đây cũng là kế hoạch thí điểm tổ chức phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với biểu diễn văn hóa dân gian hát bội giữa ngành du lịch Vĩnh Long với các doanh nghiệp lữ hành, nhằm duy trì nét văn hóa dân tộc. Nhờ đó mà gánh hát bội của nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm có đất diễn, có nguồn thu nhập để duy trì lửa nghề. Chính ông đã mạnh dạn đứng ra quy tụ nhiều nhóm nghệ nhân, diễn viên tham gia tập luyện và biểu diễn.

Bà Nguyễn Thị Tú Nhi - phó hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Long - cho biết nghệ nhân Vũ Linh Tâm cũng tham gia các lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát bội miễn phí trong tỉnh. Các học viên từ 12 đến gần 50 tuổi sẽ được trang bị kiến thức về giọng hát, bài hát, nhịp phách, vũ đạo, bộ tay, binh khí, yếu tố hóa trang và phục trang. Lớp học nhằm phát huy tốt năng khiếu cá nhân, xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ đình để có lớp kế tục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này.

Tuổi đã xế chiều, mong mỏi lớn nhất của nghệ nhân Vũ Linh Tâm bây giờ là đào tạo được nhiều thế hệ tiếp nối nghề xưa. Ông luôn tham gia công cuộc "đãi cát tìm vàng", tìm người triển vọng thay mình gìn giữ và phát triển nghề hát bội. Chỉ tính riêng trong gia đình nghệ nhân ưu tú Linh Tâm đã có đến 5 thế hệ theo nghề hát bội.

_________________________

Kỳ tới: Truyền nhân quê lụa

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 5: Chàng thợ rèn lãng tử Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 5: Chàng thợ rèn lãng tử

TTO - Kiều Văn Học rèn dao như nghệ sĩ. Anh là số ít thợ truyền thống dám lội ngược dòng, lấy bí quyết rèn cổ xưa kết hợp hiện đại để cạnh tranh cả với những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng thế giới...


CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên