07/12/2018 08:47 GMT+7

Lừa đảo qua mạng tràn về miền Tây

HOÀI THƯƠNG - MẬU TRƯỜNG
HOÀI THƯƠNG - MẬU TRƯỜNG

TTO - Thời gian gần đây, nhiều người dân, nhất là phụ nữ, ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và mạng viễn thông.

Lừa đảo qua mạng tràn về miền Tây - Ảnh 1.

Một phụ nữ tại tỉnh Tiền Giang đến cơ quan công an trình báo sự việc - Ảnh: H.T.

Số tiền bị lừa từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Một câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc là: Vì sao chiêu thức lừa đảo này không mới và đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều người vẫn "dính bẫy"?

Mất hơn 6 tỉ vì... trai Tây

Mới đây, Công an tỉnh Bến Tre tiếp nhận đơn của một phụ nữ tên Đ.T.H.P. (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc) trình báo việc bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook số tiền 6,2 tỉ đồng.

Theo đơn trình báo của bà P., hơn một năm trước bà quen biết một người đàn ông nước ngoài xưng tên là Daniel Henry (quốc tịch Hoa Kỳ). Sau đó, hai người kết bạn và thường xuyên trò chuyện qua mạng xã hội Facebook. 

Khoảng tháng 8-2018, Daniel Henry hứa sẽ gửi về cho bà P. số tiền 550.000 USD (khoảng 13 tỉ đồng). Liên tiếp những ngày sau đó, bà P. thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại gọi đến tự xưng là nhân viên sân bay, thủ kho sân bay, hải quan... yêu cầu bà P. chuyển tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng gọi là phí, thuế, "lót tay" để nhận được số tiền trên.

Tin lời, bà P. đã nhiều lần làm theo yêu cầu. Tính đến ngày 26-9, bà P. chuyển tổng số tiền lên đến 6,2 tỉ đồng nhưng vẫn không nhận được số tiền Daniel Henry đã hứa cho. Nghi ngờ mình bị lừa, bà P. đã trình báo vụ việc với Công an tỉnh Bến Tre.

Cũng trong tháng 8-2018, chị Lê Thị Hồng H. (ngụ xã Giao Hòa, huyện Châu Thành) đến Công an Bến Tre trình báo việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 143 triệu đồng.

Tương tự trường hợp trên, chị H. quen biết qua Facebook với một người có quốc tịch Mỹ xưng tên AliMuhammad Kingsley. Sau thời gian nói chuyện qua mạng, đầu tháng 7 người đàn ông ngoại quốc hứa sẽ gửi nhiều phần quà có giá trị cho chị H. như điện thoại, đồng hồ, mỹ phẩm... với tổng số tiền khoảng 400.000 USD. 

Chị H. đã chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn cho một nhân viên giao hàng "dỏm" ba lần với tổng số 143 triệu đồng và số tiền đó "ra đi mãi mãi".

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre thời gian qua.

Đủ mánh khóe lừa đảo

Tại tỉnh Tiền Giang, trong tháng 6 và 7-2018, Công an thị xã Cai Lậy đã tiếp nhận bốn trường hợp bị lừa với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Bằng thủ đoạn tự giới thiệu mình là người nước ngoài mong muốn cứu trợ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, nhưng bản thân không thể thực hiện được ý nguyện nên nhờ người đứng ra làm đại diện. Với điều kiện người đại diện phải chuyển một số tiền gọi là nộp phí vận chuyển quà, kẻ gian đã lừa và chiếm đoạt của chị B. ở thị xã Cai Lậy hàng chục triệu đồng.

Kể lại sự việc, chị B. cho biết thông qua mạng xã hội Facebook, chị kết bạn với một người có nickname là Kim Jan sống ở nước ngoài. Sau nhiều lần nói chuyện, ông ta gợi ý sẽ chuyển tiền và hàng hóa về Việt Nam để cứu trợ gồm quần áo và 30.000 USD Mỹ nhờ chị nhận giúp. 

Sau đó, chị B. đã chuyển 19 triệu đồng để đóng phí, nhưng sau khi chuyển xong thì người tự nhận là của công ty chuyển hàng yêu cầu chị chuyển thêm 30 triệu với lý do số tiền lớn vượt quá phí chuyển hàng. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị B. trình báo công an thì số tiền thiệt hại đã lên đến gần 50 triệu đồng.

Một chiêu trò khác của các đối tượng lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người "dính" thời gian qua là gọi điện thông báo trúng thưởng theo chương trình khuyến mãi với phần quà và số tiền có giá trị rất cao, sau đó yêu cầu bị hại chuyển phần chi phí rất nhỏ so với khối tài sản có giá trị rất lớn mà bị hại sắp được sở hữu. 

Một trong những nạn nhân của chiêu trò này là anh H. (thị xã Cai Lậy). Anh H. cho biết khoảng vài tháng trước, có người tự nhận là nhân viên một công ty viễn thông gọi điện cho anh nói số điện thoại của anh may mắn trúng thưởng với giá trị là một chiếc xe SH và 200 triệu đồng.

Để nhận được phần quà, anh H. đã làm theo hướng dẫn qua điện thoại của đối tượng lừa đảo. Bằng cách đóng các khoản phí thông qua thẻ cào, anh H. đã mua tổng cộng 20 triệu đồng tiền thẻ cào để chuyển cho các đối tượng lừa đảo.

Tương tự, trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, Công an tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp người dân trình báo bị lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber...

Phần lớn nạn nhân là phụ nữ

Thượng tá Phan Tấn Ca - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang - khuyến cáo đa số trường hợp bị mắc lừa qua mạng xã hội đều là chị em phụ nữ. Lợi dụng đặc trưng nhẹ dạ, cả tin và có phần hám lợi của một số chị em mà bọn tội phạm lừa đảo giả vờ làm quen, rồi tổ chức dàn dựng các vở kịch lừa đảo để chiếm đoạt tiền của chị em.

Để phòng tránh loại tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, Công an tỉnh Bến Tre khuyến cáo chị em phụ nữ cần phải nêu cao ý thức cảnh giác. Khi nhận được các thông tin thông báo từ mạng xã hội, cần kiểm tra lại thật kỹ mới thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. 

Nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber... nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin, tránh bị các đối tượng lừa đảo; không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân, giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại của bản thân và gia đình cho các đối tượng.

Đồng thời khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn không để bọn tội phạm thực hiện được hành vi phạm tội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2017 ở Bến Tre đã xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 8 vụ so với năm trước). Trong đó đã xảy ra 6 vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Từ đầu năm 2018 đến nay, địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ lừa đảo qua mạng xã hội.

Kiến nghị ngân hàng bảo mật thông tin khách hàng

lừa đảo qua mạng

Nickname Kim Jan nhắn tin dụ dỗ một phụ nữ - Ảnh: H.T.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục kiến nghị với tất cả ngân hàng về việc rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện chế độ bảo mật, thông tin về chủ tài khoản, thông tin giao dịch và thông tin về số tiền trong tài khoản.

Cơ quan công an khuyến cáo: người dân nên đề cao cảnh giác không nghe theo, không thực hiện chuyển tiền cho bất cứ ai, không để kẻ xấu có cơ hội hoạt động lừa đảo. Bởi vì không ai tự nhiên lại chuyển số tài sản lớn như vậy cho mình khi giữa mình và họ chưa từng quen biết nhau. Nếu gặp trường hợp này, hãy nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan công an.

Bắt nhóm người nước ngoài lừa đảo qua mạng gần 7 tỉ đồng Bắt nhóm người nước ngoài lừa đảo qua mạng gần 7 tỉ đồng

TTO - Các nghi phạm mạo danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra các vụ án để lừa các nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

HOÀI THƯƠNG - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên