17/12/2013 05:21 GMT+7

Lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 23 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, vi phạm hoạt động cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu với số tiền lên tới gần 5.000 tỉ đồng.

VfANlkKU.jpgPhóng to

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ năm 2007 trở về trước Huỳnh Thị Huyền Như (cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank chi nhánh TP.HCM) đã đầu tư bất động sản tại nhiều tỉnh thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang... Để thực hiện được việc kinh doanh bất động sản này, Huyền Như đã vay bên ngoài với lãi cao của năm cá nhân là Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí và một số ngân hàng để có vốn. Đến năm 2010 nợ và lãi không thể thanh toán được, Huỳnh Thị Huyền Như nghĩ ra cách kiếm tiền để trả nợ.

Đưa người thân và nhân viên đi lừa đảo

Để thực hiện giao dịch với các ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập hai công ty là Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Hoàng Khải và Công ty cổ phần đầu tư Phương Đông với mục đích ban đầu là kinh doanh bất động sản, nhưng công ty này không kinh doanh gì mà chỉ thực hiện mục đích duy nhất là thực hiện các giao dịch chuyển tiền đến, chuyển tiền đi trong các giao dịch vay và trả nợ của Huỳnh Thị Huyền Như.

Hai công ty này, với sự giúp sức tích cực của Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành đã giúp Huyền Như thực hiện trót lọt nhiều vụ ký các hợp đồng vay tiền với các ngân hàng. Không những lập công ty và lôi kéo những nhân viên của mình vào cuộc dù mức lương Huyền Như trả cho họ không cao (chỉ 3-8 triệu đồng/tháng), Huyền Như còn biến chị ruột trở thành trợ thủ đắc lực. Theo chỉ đạo của em gái, Huỳnh Mỹ Hạnh đã mở tổng cộng bảy tài khoản tại VietinBank, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (VIB) và Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) để thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân cho Như vay tiền với lãi suất cao như Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Quốc Hạnh, Phạm Văn Chí... Đồng thời Huỳnh Mỹ Hạnh còn đứng tên giúp Huyền Như rất nhiều bất động sản nằm rải rác trên địa bàn TP.HCM, Đà Nẵng. Không những thế, với sự giúp sức của các nhân viên khác trong Công ty Hoàng Khải, Huỳnh Mỹ Hạnh đã đứng tên vay tiền dù mình không có nhu cầu vay của VIB chi nhánh TP.HCM với số tiền lên tới 40 tỉ đồng.

Làm giả con dấu và chữ ký

Để thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản từ các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng nghiệp vụ ngân hàng, đồng thời làm giả con dấu, chữ ký của nhiều tổ chức, cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như thuê làm tám con dấu giả đứng tên các đơn vị như VietinBank chi nhánh Nhà Bè và các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn Cầu... để làm giả tài liệu của các ngân hàng cùng nhiều đơn vị, cá nhân nhằm chiếm đoạt tổng cộng trên 4.911 tỉ đồng (Công ty Phúc Vinh: 1.015 tỉ đồng, Công ty Thịnh Phát: 948 tỉ đồng, Công ty Hưng Yên: 537 tỉ đồng, Công ty bảo hiểm Toàn Cầu: 125 tỉ đồng cùng hàng loạt ngân hàng bị thiệt hại khác như Ngân hàng TMCP Á Châu bị chiếm đoạt hơn 700 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Nam Việt: 200 tỉ đồng, VIB chi nhánh TP.HCM: 180 tỉ đồng...).

Số tiền chiếm đoạt được, Huỳnh Thị Huyền Như đã trả lãi cho các cá nhân với số tiền là 1.262 tỉ đồng; trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho chín cá nhân là 42 tỉ đồng; trả nợ gốc, nợ lãi trong và ngoài hợp đồng cho bốn công ty là 925 tỉ đồng; còn lại 1.240 tỉ đồng để trả cho các đối tượng cho vay nặng lãi, tiền hoa hồng và tiêu xài cá nhân.

Viện KSND tối cao cũng nêu rõ một số ngân hàng đã thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM nhằm hưởng lãi suất chênh lệch và bị Như lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng. Điển hình là Ngân hàng TMCP Nam Việt thông qua 14 nhân viên để gửi 1.543 tỉ đồng với lãi suất lên đến 22%/năm và bị Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Á Châu thông qua 19 nhân viên gửi gần 719 tỉ đồng vào VietinBank, lãi suất lên đến 18,5%/năm theo thỏa thuận và bị Như lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ.

Trong một diễn biến khác, bị can Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố và bắt tạm giam tại trại T16 Bộ Công an từ cuối năm 2011, nhưng đến năm 2012 Huyền Như đã sinh con. Lý lịch bị can ghi rõ Huyền Như hiện đang nuôi con nhỏ và điều này cũng đã được cơ quan chức năng xác nhận.

23 bị cáo với 6 tội danh

Vụ án gồm 23 bị cáo với sáu tội danh, trong đó Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank), Võ Anh Tuấn (41 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank) và bốn bị cáo khác bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Huyền Như còn bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phạm Anh Tuấn (36 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương) tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Huỳnh Thị Việt Yên (40 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Hồ Hải Sỹ (30 tuổi, phó phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nhân viên phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch chi nhánh của VietinBank bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra còn có một số bị cáo bị truy tố tội danh cho vay nặng lãi.

Dự kiến vụ án được xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM từ ngày 6 đến 25-1-2014.

Sẽ làm rõ hơn hiện tượng sở hữu chéo trong ngân hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhận định qua vụ án này, hiện tượng sở hữu chéo trong ngân hàng sẽ được làm rõ hơn sau khi đưa ra xét xử. Ông Đặng Văn Thảo, phó chánh thanh tra NHNN, cho hay trong văn bản pháp luật của VN hiện nay không có định nghĩa nào về sở hữu chéo. Theo Luật tổ chức tín dụng, chỉ có định nghĩa cổ đông và người có liên quan. Qua quá trình thanh tra giám sát thời gian qua, NHNN đã phát hiện một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có hiện tượng cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần quá mức cho phép quy định 20%. Để chấn chỉnh việc này, NHNN yêu cầu ngân hàng, các cổ đông và người liên quan phải thực hiện theo đúng quy định.

Nói rõ hơn về hiện tượng sở hữu chéo, ông Tiến cho biết thông thường cổ đông nhờ người khác đứng tên. Do vậy, cơ quan quản lý nhiều khi chưa thể phát hiện. Để ngăn chặn hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, NHNN tăng cường thanh tra giám sát. Ông Thảo cho biết thực hiện yêu cầu của Quốc hội, NHNN sẽ báo cáo hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng tại kỳ họp thứ 7 diễn ra giữa năm 2014.

Để hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng ngoài việc thanh tra giám sát sở hữu chéo trong các ngân hàng, NHNN nên xem xét để quy định phân quyền cho các chi nhánh ngân hàng. Đối với các giao dịch tín dụng lớn, chỉ hội sở chính mới được thực hiện. Thực tế hiện nay mức độ phân quyền rất lớn cho các chi nhánh, không chỉ giám đốc chi nhánh mà ngay cả nhân viên ngân hàng cũng có thể tham gia các giao dịch có giá trị lớn. Khác với VN, nhiều nước khác, như Mỹ, ngân hàng quy định với những giao dịch có giá trị lớn phải được chuyển về hội sở chính.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lừa đảo để trả lãi tín dụng đen Khởi tố bổ sung với Huyền Như - nghi can chiếm đoạt 4.000 tỉ đồngYêu cầu điều tra bổ sung vụ lừa đảo "khủng" 4.000 tỉ đồngVụ án Huyền Như: khởi tố 5 cán bộ ngân hàngACB thiệt hại hơn 700 tỉ đồngChủ nợ thu lợi 660 tỉ đồng đã ra nước ngoàiBắt thêm 7 bị can trong vụ lừa đảo của "trùm" Như

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên