Cơ quan điều tra tình nghi bị can này đã làm giả con dấu, giấy tờ của hơn chục ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân để chiếm đoạt trên 2.474 tỉ đồng trong tổng số gần 4.000 tỉ đồng bị can này đã chiếm đoạt của các ngân hàng, cá nhân, doanh nghiệp.
Trước đó, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra vụ án này, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can với năm tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cho vay lãi nặng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị can Huỳnh Thị Huyền Như bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khoản tiền gần 4.000 tỉ đồng. Sau đó, Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số hành vi, nội dung chưa rõ trong vụ án. Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định thêm một số hành vi của các bị can trong vụ án và khởi tố bổ sung.
Cơ quan điều tra xác định vào năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Quá trình kinh doanh do cần nguồn vốn nên Huyền Như đã vay nóng lãi suất cao của nhiều người, đến năm 2010 số tiền vay lãi hàng trăm tỉ đồng. Do vay nợ lãi suất cao, kinh doanh thua lỗ, Huyền Như lợi dụng việc thông thạo nghiệp vụ ngân hàng, lợi dụng bản thân khi đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp với mức 50 tỉ đồng/lệnh để thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như đã sử dụng chiêu bài huy động vốn cho Vietinbank Nhà Bè và Vietinbank TP.HCM, sử dụng con dấu giả, làm giả nhiều tài liệu ngân hàng và các cá nhân, đơn vị để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền hơn 4.911 tỉ đồng. Sau đó, Như chi trả được hơn 925 tỉ đồng và còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.
Trong số các vụ việc làm giả, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả tám con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Công ty bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya... để sử dụng đóng vào các tài liệu, giấy tờ do Như làm giả. Những giấy tờ giả này được Như sử dụng để mở tài khoản của một số công ty tại Vietinbank TP.HCM, làm giả hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để chiếm đoạt trên 1.500 tỉ đồng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận