20/05/2024 08:05 GMT+7

Lựa chọn cán bộ phải chặt chẽ

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 7 trong bối cảnh tình hình nhân sự vừa qua có nhiều thay đổi. Dự thảo báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp có nêu vấn đề nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý do vi phạm kỷ luật Đảng.

Ông Phạm Chánh Trực - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Phạm Chánh Trực - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - chia sẻ:

"Tôi có niềm tin sự lãnh đạo tập thể của Trung ương và các cấp ủy theo nguyên tắc của Đảng và với sự kiên định, kiên trì vượt khó khăn rồi mọi việc sẽ ổn định, tốt hơn".

Xem xét lại quá trình làm nhân sự

* Với tư cách là một cử tri, cán bộ hưu trí, những lo lắng mà ông cảm thấy hiện nay là gì?

- Khi thực thi công vụ, cán bộ có sai khuyết bị xử lý kỷ luật là việc bình thường, nhưng khi liên tục các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao bị kỷ luật, người dân và cán bộ hưu trí không khỏi lo lắng.

Ở góc độ tổ chức cán bộ sẽ có những băn khoăn, lo lắng về việc phân công, bố trí cán bộ của Đảng, Nhà nước và việc kiểm soát quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trước hết, Đảng đề ra đường lối chính trị, chiến lược phát triển đất nước; đồng thời quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, rồi tuyển chọn, phân công, đề bạt, bố trí trong hệ thống tổ chức Đảng và giới thiệu cán bộ để Nhà nước và cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, Mặt trận chọn lựa, bầu cử các chức vụ lãnh đạo...

Quá trình bố trí, phân công, đề bạt cán bộ đương nhiên phải có các cơ quan kiểm tra, giám sát. Vì vậy, có sự lo lắng trong việc tuyển chọn, phân công, đề bạt cán bộ có đúng hay không, có gì vướng mắc. Lãnh đạo các cấp các ngành cần xem lại một cách nghiêm túc, chặt chẽ.

* Việc xử lý những cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm cho thấy sự quyết tâm cao của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư. Nhưng mặt khác cho thấy cơ chế giám sát quyền lực chậm phát hiện, nên có những cán bộ có dư luận từ trước nhưng vẫn được đề bạt lên vị trí cao. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?

- Thực tế có những cán bộ đến bây giờ mới phát hiện sai khuyết từ hàng chục năm trước. Vì sao đã qua nhiều cửa, nhiều cấp kiểm soát nhưng cán bộ đó vẫn lên được chức vụ cao, cho nên cần phải xem lại cả quá trình đó.

Từng khâu, từ xem xét hồ sơ của ban tổ chức, sau đó ban kiểm tra của hệ thống Đảng đã có trách nhiệm tham mưu để lãnh đạo phân công, cất nhắc, đề bạt cán bộ lên tới mức đó.

Rồi cán bộ, đảng viên nào cũng sinh hoạt tại một chi bộ, tham gia một cấp ủy hay một tập thể lãnh đạo cơ quan, vậy mà không ai phát hiện sai trái của cán bộ, đảng viên từ lâu. Như vậy, phải xem xét cả quá trình này mới xử lý triệt để được.

Quan trọng nhất là giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng

* Bên cạnh những vi phạm, khuyết điểm, tình hình bộ máy như Chính phủ có thừa nhận, cử tri cũng có ý kiến, là vẫn đang ở tình trạng có lúc có nơi thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, sợ sai không chịu làm. Theo ông, phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Bác Hồ nói có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Khi tổ chức Đảng giao trách nhiệm, nếu cán bộ đảng viên thấy không đủ năng lực gánh vác phải báo cáo rõ để Đảng hoặc Nhà nước phân công lại. Còn khi đã nhận trách nhiệm phải chu toàn, tích cực hoàn thành.

Chu toàn mà không hăng hái, không phấn khởi không thể nào anh làm tốt nhiệm vụ được. Bởi vì anh đã đứng cái chỗ đó, không có cơ hội để người khác làm. Đã phân công rồi đâu có ai làm thay được, cho nên phải chịu trách nhiệm.

Đảng hoặc Nhà nước không giao nhiệm vụ như một cái công thức toán học hay vật lý, anh cứ thế làm nó sẽ ra sản phẩm. Đây là hoạt động xã hội, đây là khoa học xã hội cho nên đòi hỏi tác động người với người.

Do vậy, cán bộ phải có sáng tạo, sáng kiến, tìm hiểu, năng động và chủ động. Xã hội, con người luôn thay đổi, biến động. Cán bộ đã nhận nhiệm vụ phải có suy nghĩ, có tư duy, có nghiên cứu để có những sáng kiến thực hiện nhiệm vụ đó với mức độ tốt nhất.

Có thể sợ sai nhưng nói sợ trách nhiệm là không được. Sợ sai nên hiểu là cán bộ thấy vấn đề không rõ, nhận thức vấn đề chưa tới nơi tới chốn hoặc trong thực tế khác với điều trong nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng thì sợ rằng mình hiểu và làm sai khi thực hiện. Cái này có thể thông cảm.

Nhưng nếu đã sợ sai, trước hết tự anh phải nghiên cứu cho đầy đủ rồi phải báo cáo lên tập thể để bàn giải pháp giải quyết.

Trong trường hợp đó nên có chủ trương làm thí điểm. Như vậy cán bộ, công chức phải rất linh hoạt, rất chủ động và phải dựa vào tập thể.

Một điều rất quan trọng là các cơ quan cũng phải làm sao tổ chức tập thể, nội bộ của mình có dân chủ. Có dân chủ người ta dễ thông cảm với nhau, dễ hiểu nhau và dễ giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau để gánh vác các nhiệm vụ.

Bởi vì nhiệm vụ nặng nề, thậm chí có nhiệm vụ giao nhưng chưa biết nó ra làm sao. Dân chủ nội bộ là động lực để cho cán bộ tự tin, dám nhận trách nhiệm, phấn khởi làm nhiệm vụ chứ không phải là sợ trách nhiệm hay là sợ sai.

Quan trọng phải tạo ra không khí, môi trường làm việc, một cơ quan, một tổ chức có dân chủ nội bộ và cấp trên, người lãnh đạo phải lắng nghe cấp dưới, như thế mới giải quyết vướng mắc.

* Ông muốn gửi gắm gì đến Trung ương, Quốc hội, Chính phủ? Ông kỳ vọng gì ở bộ máy và những người lãnh đạo mới?

- Tôi thấy chúng ta cần phải học tập Bác Hồ tổ chức chỉnh huấn, làm trong sạch trong Đảng từ Trung ương cho tới cơ sở. Làm được chỉnh huấn như thế, chúng ta mới yên tâm và có thể báo cáo với nhân dân là Đảng trong sạch, vững mạnh như thế này.

Tôi rất tin vào lãnh đạo tập thể, tin vào truyền thống của Đảng ta từ xưa đến nay vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, khó khăn bên ngoài nó khác với khó khăn bên trong.

Nếu chúng ta thực hiện triệt để đúng như lời Bác Hồ dạy "giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình" thì sẽ khắc phục được những hạn chế, không lành mạnh ở trong Đảng.

Bác Hồ nói vậy nghĩa là nếu không giữ gìn đoàn kết sẽ không thấy đường đi, sẽ đi sai đường.

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hộiQuốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc. Kỳ họp chia làm hai đợt và sẽ bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội ngay trong ngày làm việc đầu tiên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên