Hơn lúc nào hết, người dân rất lo lắng về nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân vào tay kẻ xấu.
Mới đây bà N.H.K. (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nhận được cuộc gọi xưng là công an phường nơi bà thường trú thông báo tài khoản VNeID của bà trục trặc khi cập nhật mức độ 2, chưa đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư và đề nghị bà K. cập nhật thông tin VNeID...
Điều khiến bà K. có phần tin tưởng là khi người xưng cán bộ công an phường đọc vanh vách thông tin cá nhân của bà (như tên, năm sinh, địa chỉ...). "Cán bộ này sau đó còn đề nghị tôi ra công an quận cập nhật thông tin căn cước công dân gấp. Do đang ở cơ quan nên tôi nói không thể đi được", bà K. nói.
Tưởng không còn bị ai làm phiền, bà K. tiếp tục bị một số điện thoại khác gọi xưng là cán bộ làm ở bộ phận cấp căn cước, cấp VNeID của công an quận đề nghị bà thực hiện cập nhật gấp. Bà K. nói bận không thể đi ngay thì vị "cán bộ" đề nghị được hướng dẫn, tuy nhiên bà K. từ chối.
Nghi ngờ bị lộ thông tin vào tay kẻ xấu, bà K. liền xác minh thêm từ người quen công tác ở công an quận mới tá hỏa biết không có chủ trương, kế hoạch liên hệ người dân để yêu cầu cập nhật VNeID như vậy.
"Tôi nghĩ là có kẻ lừa đảo. Nhưng điều tôi thấy lạ là mọi thông tin cá nhân tôi giữ cẩn thận, vậy mà bằng cách nào đó những kẻ lừa đảo có được và đọc vanh vách thông tin của mình", bà K. hoang mang nói.
Cùng thủ đoạn tương tự, gần đây nhiều người dân ở TP.HCM bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Đơn cử bà H.T.K.L. bị đối tượng chiếm đoạt 80 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng khi thực hiện theo hướng dẫn cập nhật định danh điện tử cấp độ 2 của một "cán bộ công an phường". Bà T.T.Th. bị chiếm đoạt 60 triệu đồng, đặc biệt có trường hợp như chị L.K.Q. bị chiếm đoạt đến gần 1,5 tỉ đồng.
Câu hỏi lớn nhất từ những vụ lừa đảo này là: Dữ liệu cá nhân lọt từ đâu? Và vừa qua, Bộ Công an đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 144 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Dự thảo sửa đổi, bổ sung xử phạt vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Theo đó bổ sung biện pháp phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng khi cung cấp, khai thác trái phép, trái thẩm quyền thông tin về công dân trong các cơ sở, hệ thống định danh, xác thực điện tử; cố ý làm lộ bí mật thông tin công dân trong các cơ sở, hệ thống định danh, xác thực điện tử.
Phạt tiền 4 - 6 triệu đồng với hành vi mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử; mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Phạt tiền 30 - 40 triệu đồng khi truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến thông tin trong các cơ sở, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong các cơ sở, hệ thống định danh và xác thực điện tử...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận