25/04/2025 16:09 GMT+7

Lũ quét, sạt lở đất gia tăng nhanh trong 15 năm trở lại đây

Trong 15 năm trở lại đây, các trận lũ quét, sạt lở đất có xu hướng gia tăng nhanh do mưa lớn kéo dài và mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn.

sạt lở đất - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUỲNH CHI

Thông tin này được ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết tại Tọa đàm giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai tổ chức ngày 25-4.

Theo ông Khiêm, nguyên nhân sạt lở đất là do mưa lớn kéo dài, còn lũ quét do mưa lớn cực đoan kết hợp với nghẽn dòng. Đơn cử như trận sạt lở đất, lũ quét ở Làng Nủ, Lào Cai do mưa 633mm/24h, vụ sạt lở đất ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 do mưa 520mm/72h.

Để ứng phó hiệu quả với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ông Khiêm cho biết hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực đã được phát triển và đưa vào vận hành tại Việt Nam.

"Hệ thống được cập nhật từng giờ, khoanh vùng chi tiết đến cấp xã và có thể dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 6 giờ tới" - ông Khiêm nói.

sạt lở đất - Ảnh 2.

Mưa lớn gây ra sạt lở đất, lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Từ kinh nghiệm của các quốc gia như Nhật Bản, Nepal, Indonesia, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đề xuất cách tiếp cận mới phát triển hệ thống cảnh báo sớm theo mô hình cộng đồng, do chính người dân tại địa phương chủ động vận hành dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan khoa học.

"Cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò trung tâm của cộng đồng, kết hợp tri thức bản địa với công nghệ hiện đại để xây dựng các hệ thống cảnh báo tự thân, có khả năng phản ứng nhanh và phù hợp với đặc thù từng khu vực" - ông Quang nói.

Theo TS Cao Đức Phát - chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai, sau khi triển khai quyết định về cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, đến nay đã có 843 trạm đo mưa, 16 tháp cảnh báo lũ và 85 đội xung kích cấp xã được thiết lập. Tuy nhiên hệ thống hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Do vậy, ông Phát đề xuất cần lựa chọn công nghệ giám sát phù hợp, tích hợp bản đồ rủi ro vào hệ thống trực tuyến địa phương. Đồng thời cần xây dựng cơ chế tổ chức lực lượng ứng phó tại chỗ.

"Trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ chỉ có giá trị khi gắn liền với hành động kịp thời và khả năng xử lý tại thực địa" - ông Phát nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho rằng mặc dù công nghệ dự báo đã có nhiều tiến bộ, song việc đưa cảnh báo đến từng xã, thôn, bản vẫn là thách thức lớn, nhất là ở những nơi người dân còn ít tiếp cận thông tin.

Do vậy các đơn vị cần tăng cường cơ chế chia sẻ dữ liệu cảnh báo, phát triển hệ thống cảnh báo tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời kết hợp các kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hành động tại chỗ.

Lũ quét, sạt lở đất gia tăng nhanh trong 15 năm trở lại đây - Ảnh 3.'Giải mã' thảm họa thôn Làng Nủ

Ước tính 1,6 triệu m³ đất đá sạt trượt, xuất phát từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ với chiều dài khoảng 3,6km.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên