Bạn đọc Lê viết: Thấy tác hại của việc phá rừng chưa? Đồi trọc không có cây rừng, tầng thực bì để giữ đất, rễ liên kết trên tầng đất mặt và giảm tốc độ chảy của nước tránh xói mòn đã dẫn đến kết quả sạt lở như trên.
Kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng bị sạt lở ở đèo Bảo Lộc
Thế nhưng khi trao đổi về việc có phải khu trồng sầu riêng phía sau trạm cảnh sát giao thông là nguyên nhân chính gây sạt lở, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở.
Và theo vị lãnh đạo này, sạt lở là do tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực.
Nhưng nhiều bạn đọc phản hồi lại khác:
Sạt lở là cái chắc!
Sầu riêng trồng trên vùng đất đồi, đặc biệt là đất đỏ bazan thì phải tạo một cái hố quanh gốc để tưới nước. Vì cây sầu riêng nhìn to, tán xanh đẹp vậy, nhưng thiếu nước một hai ngày sẽ héo rũ ngay như lá rau cải phơi nắng làm dưa.
Nếu cây sầu riêng đã 4 năm tuổi thì hố quanh gốc thường có hình vuông, mỗi cạnh từ 1,2m đến 1,5m, be bờ cao khoảng 20cm, 30cm. Nếu đồi này là đất đỏ bazan mà bị ngậm nước và mưa cùng với độ dốc vậy thì sẽ lở 100%.
Bạn đọc H.Ngọc
Lời dạy tránh sạt lở của cha tôi
Cha tôi khi còn sống làm ở ngành lâm nghiệp. Khi tôi còn nhỏ, ông thường nói rừng rất quan trọng để giữ nước mưa không tạo lũ lụt sạt lở đất, gây nguy hiểm cho người, vật ở nơi thấp.
Theo tôi nghĩ, cây rừng trên đồi của đèo Bảo Lộc bị cắt bỏ, thay bằng đồi sầu riêng, rễ các cây sầu riêng không thể ăn sâu trong đất để giữ đất, vả lại mới trồng từ năm 2019.
Vậy khi mưa lớn, lượng nước ồ ạt đổ xuống, đất đá bị nước xói mòn nhanh là bong khỏi triền đồi đổ ập xuống theo dòng nước lũ, và vùi lấp tất cả những gì bên dưới nó.
Tôi cho rằng khó có thể đổ lỗi do nguyên nhân đất đá bazan lâu ngày dễ xói mòn là nguyên nhân chính. Bởi sát khu đồi sầu riêng cũng là đất đá bazan như vậy mà không bị sạt lở khi có cây rừng rậm rạp che chắn.
Tôi rất mong các cấp chính quyền thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho điều tra nguyên nhân thật sự do lũ lụt, đất đá lâu ngày bị trượt hay do đồi trọc vì trồng sầu riêng để rút kinh nghiệm trong cấp phép sử dụng đất lâm nghiệp.
Chân thành chia buồn cùng gia đình các anh chiến sĩ công an giao thông và người dân gặp nạn. Cầu cho linh hồn các anh siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
Bạn đọc Hoang Le Lan
Lỗi là do con người
Lỗi là do con người, do chính quyền đã không quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Sao lại để cho tự ý khai phá rừng để trồng sầu riêng, chỉ là lợi ích trước mắt, để lại hậu quả đau đớn như bây giờ.
Mưa bão lớn cả đoạn đường đèo dài không bị ảnh hưởng, mà chỉ bị sạt lở một chỗ duy nhất thôi... Cần phải quản lý chặt rừng hơn nữa và phải truy trách nhiệm đến nơi.
Bạn đọc Trần Công
Làm trái quy luật tự nhiên
Nguyên nhân quá rõ ràng. Chặt hết cây rừng có bộ rễ sâu giữ đất để trồng cây ăn trái là sai phạm cả về quy định Luật Đất đai và quy định về an toàn xây dựng công trình.
Cần một hồi chuông cảnh báo về tình trạng khai phá đất rừng làm nương rẫy. Cũng như tình trạng khoan giếng nước ngầm tràn lan vô tội vạ không kiểm soát như hiện nay, dẫn đến tình trạng mất ổn định cân bằng trọng lực của lớp đất tự nhiên.
Qua các vụ tai nạn, cơ quan chức năng có trách nhiệm địa phương phải thực sự vào cuộc và nghiêm túc quản lý tình trạng trên. Đảm bảo an toàn cho người dân.
Bạn đọc Lê Tuấn
Không tác động thì không sạt lở
Tôi cho rằng các vùng đồi núi được giữ nguyên rừng tự nhiên, ít có sự tác động của con người thì hầu như không xảy ra chuyện sạt lở. Bởi vì rừng có rất nhiều tầng cây gỗ lớn tầng cao, cây gỗ tầng trung bình, tầm thấp, cây bụi, dây leo...
Do đó, khi mưa lớn, qua các tán rừng sẽ bị giảm đi khá nhiều lực xói mòn do bị cản bởi các tầng cây, tán cây, lớp thực bì... Vì vậy mà bất kỳ ở khu vực đồi núi rừng nào mà có sự hiện diện của con người tác động đáng kể vào khu vực đó tất yếu sẽ xảy ra sạt lở.
Bạn đọc Hải
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận