Ảnh: Ý Thi |
Năm học nào cũng vậy, cứ dạy đến bài 14 “Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên” môn giáo dục công dân (GDCD) lớp 7, tôi và chắc những đồng nghiệp khác cũng phải dừng lại khá lâu để thuyết phục học sinh bởi sau khi đọc phần thông tin - sự kiện, xem ảnh minh họa của bài này trong sách giáo khoa (trang 44 - sách tái bản lần thứ 11 năm 2014) các em đều rút ra nhận xét giống như nhau: “Lũ ống có gì ghê gớm đâu!”.
Sự thể là ngay tại các lớp bồi dưỡng thay sách giáo khoa theo yêu cầu cải cách giáo dục lần thứ tư (2000) vào mùa hè năm 2001, nhiều giáo viên dạy môn GDCD cấp trung học cơ sở đã phát hiện một số sai sót, trong đó có một sai sót có thể gọi là rất nghiêm trọng về nội dung của sách giáo khoa GDCD lớp 7 do NXB Giáo Dục in và phát hành.
Sai sót đó thể hiện ở phần “Thông tin, sự kiện” của bài 14 “Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”.
Tại mục b của phần này, sau khi sách đăng sự kiện “3 giờ sáng 3-10-2000, một cơn lũ ống ghê gớm chưa từng có đã quét qua bản Nậm Coóng, xã Nậm Cỏi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, biến bản này gần như thành bình địa.
Lũ quét đã làm chết 40 người, 25 người bị thương, có 5 gia đình không còn một ai, 43 ngôi nhà và hàng trăm gia súc, gia cầm bị lũ vùi lấp, 30 nhà kho và gần 100 tấn lương thực bị lũ cuốn. Toàn bộ tài sản 43 hộ bị mất hoàn toàn” (theo Thông tấn xã Việt Nam).
Ngay bên dưới nhà xuất bản lại minh họa bằng hai ảnh (ảnh chụp) cũng phản ánh về mùa lũ nhưng rõ ràng là mùa nước nổi ở đồng bằng Nam bộ.
Thậm chí có giáo viên còn nhận ra ngôi trường trong ảnh có thể là Trường tiểu học Phú Cường A (ở thời điểm trước năm 2000) thuộc xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hoặc ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, mà dù ở đâu thì cả hai đều ở địa vực Đồng Tháp Mười!
Nhưng dưới ảnh lại chú thích “Bản Nậm Coóng (Sìn Hồ, Lai Châu) sau trận lũ quét ngày 3-10-2000 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)”.
Với ảnh minh họa này thì thử hỏi tại sao học sinh ở miền xuôi, nhất là ở đồng bằng Nam bộ lại có nhận định “trái chiều” là “lũ ống có gì ghê gớm đâu!”.
Tất nhiên, giáo viên dự tập huấn đã phản ảnh, ban tổ chức các lớp bồi dưỡng đã “chân thành cảm ơn và tiếp nhận” và hứa sẽ chuyển về trên nhưng rồi sau đó, hết năm học này đến năm học khác, hơn chục mùa khai trường rồi vẫn hoàn toàn không có sự phản hồi nào của NXB Giáo Dục hay từ Bộ GD-ĐT.
Bức xúc hơn là hai bức ảnh minh họa này vẫn được NXB Giáo Dục sử dụng cho tất cả những lần tái bản sách giáo khoa GDCD lớp 7 sau đó (lần thứ 11 năm 2014) và có lẽ nó sẽ tồn tại đến khi được sách giáo khoa của công cuộc cải cách giáo dục lần này thay thế!
Tôi không dám nói đến trình độ nhận thức chính trị, học vấn hay nghiệp vụ nhưng đây là gì nếu chẳng phải là biểu hiện của sự tắc trách, coi thường người dạy, người học và cả công chúng của NXB Giáo Dục? Liệu chuyện này có tái diễn trong sách giáo khoa cho lần cải cách giáo dục mới này không?
Dù đã rất muộn nhưng cũng xin một câu trả lời từ NXB Giáo Dục và Bộ GD-ĐT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận