Phóng to |
Cầu Chùa, biểu tượng của Hội An, bị nước bao vây - Ảnh: Hoàng Duy |
Tại Quảng Ngãi, không những tuyến quốc lộ 1 mà các con đường liên tỉnh đều bị nước lũ tràn đường, chia cắt, các phương tiện không thể qua lại.
Nhiều xã bị cô lập
Có 41 xã thuộc các huyện miền xuôi, ven các con sông lớn của tỉnh là sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu và Trà Bồng bị ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều thôn.
Có mặt ở thôn Liên Hiệp 1, thị trấn Sơn Tịnh trưa 16-11, khoảng năm ngôi nhà dân bị nước lũ sông Trà Khúc làm đổ, sập tường nhà, cuốn trôi tài sản.
Còn ở ốc đảo Ân Phú, xã Tịnh An, nằm giữa sông Trà Khúc, từ khuya đến rạng sáng 16-11, hơn 300 nhà dân bị ngập gần lút mái nhà. Trưa 16-11, đoàn cứu trợ khẩn cấp đã vượt sông bằng canô chở mì gói, nước uống cho dân.
Ở huyện miền núi Sơn Tây, các tuyến giao thông bị sạt lở gây ách tắc, cô lập nhiều xã. Hiện có ba tuyến giao thông ở Sơn Hà bị sạt lở nghiêm trọng (tuyến Di Lăng - Trà Trung; Làng Đèo - Sơn Trung; Nước Lát - Sơn Kỳ) gây ách tắc giao thông. Tại xã Sơn Nham đã có sáu ngôi nhà bị sập, nhà ở tập thể giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở Sơn Nham bị sập hoàn toàn, 6.000 ngôi nhà bị ngập nước.
Tại huyện Ba Tơ, đến 11g30 ngày 16-11, hệ thống điện, điện thoại trên địa bàn bị tê liệt hoàn toàn. Đèo Đá Chát thuộc quốc lộ 24 (xã Ba Liên) bị sạt lở nghiêm trọng khoảng 7.000m3 đất đá, ập xuống tuyến đường dài hơn 100m, gây tắc nghẽn tuyến đường về huyện và đi các tỉnh Tây nguyên.
Trường hợp 11 phương tiện, sáu ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ trôi ra biển thì lúc 8g ngày 16-11, bộ đội biên phòng tỉnh đã điều động hai tàu ra biển cứu được năm tàu (sáu lao động), ba phương tiện đã bị chìm, hiện vẫn còn ba phương tiện trôi trên biển.
Cầu Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị cuốn trôi - Ảnh: T.Đăng - Đồ họa: V.Cường |
Quốc lộ 1 ách tắc, hành khách bị “chặt chém”
Cả ngày 16-11, quốc lộ 1 đoạn đi qua hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị ngập nặng do mưa lũ khiến hàng ngàn ôtô bị ách tắc nghiêm trọng ở hai điểm qua địa phận huyện Núi Thành (Quảng Nam) và qua cầu Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Đến 17g nước lũ tiếp tục dâng cao cục bộ một số nơi chia cắt quốc lộ 1 đoạn qua các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình. Tại thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn), nước dâng cao tràn qua quốc lộ 1 ngập khoảng 0,5m. Đến 18g30 nước rút, quốc lộ 1 mới thông trở lại.
Trước đó tài xế và hàng ngàn hành khách phải tá túc vào những hàng quán dọc hai bên quốc lộ chờ thông xe. Lợi dụng tình trạng này, các hàng quán hai bên đường ra sức “chặt chém” vô tội vạ.
Giá cơm, phở, bún, nước uống ở các hàng quán trên đoạn đường dài hơn 5km tại huyện Núi Thành tăng gấp 2-3 lần nhưng hàng ngàn hành khách vì quá đói rét buộc phải cắn răng chịu đựng.
Anh Nam, một tài xế xe khách tuyến Hà Nội - TP.HCM, than thở: “Giá một đĩa cơm chỉ mấy cọng rau với vài ba miếng thịt người ta đòi đến 80.000 đồng. Trước đó, tại khu vực đường tránh tỉnh Thừa Thiên - Huế, xe chúng tôi cũng phải dừng lại bảy giờ để chờ nước xuống và đã bị “chặt chém” khi mua thức ăn, nước uống tương tự thế này”.
Trong khi đó, đến 15g30 quốc lộ 19 (nối Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên) đã cơ bản thông suốt, giải quyết ách tắc cho hàng ngàn xe khách, xe tải hai chiều nằm đợi từ trưa 15-11. Đường sắt đã thông suốt từ 14g30 ngày 16-11.
Tuổi Trẻ tiếp tế cho hai vùng bị cô lập Xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) và thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là hai vùng dân cư nằm giữa đầm Thị Nại đã bị mất điện và nước sạch hơn hai ngày nay do lũ lớn. Chiều 16-11, những chiếc xuồng máy chở 500 thùng mì gói, gần 4.000 chai nước uống đóng chai (0,5 lít/chai) của Tuổi Trẻ là đoàn cứu trợ đầu tiên từ đất liền vượt sóng gió đến với người dân hai vùng này. Từ bến sông Bắc Hà Thanh (P.Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi phải mất gần hai giờ đi xuồng máy của Quân khu 5 mới tiếp cận được xóm Cồn Chim. Đó là một xóm nhỏ với những nóc nhà cấp 4 nằm chơ vơ giữa dòng nước lũ đang chảy xiết, réo tứ bề. Thấy xuồng máy chở hàng cứu trợ từ xa, hàng chục người dân trong xóm đã lội nước, chèo xuồng ra vẫy. Bà Huỳnh Thị Nghĩa, 61 tuổi, thổ lộ: “Thấy xuồng chở nước, chở mì gói tới, bà con mừng chảy nước mắt. Ba bữa nay rồi cả xóm này không có giọt nước sạch mà dùng, tụi tui đành phải lấy nước lũ để nấu ăn, uống”. Ông Văn Ngọc Hải, phó thôn Vinh Quang 2, cho hay ba ngày nay lũ lớn trên đầm Thị Nại khiến những ghe bán thực phẩm cho xóm không ra, còn bà con cũng không dám chèo xuồng vào đất liền bởi nước chảy quá xiết, vì thế gần 1.400 dân của xóm lâm cảnh thiếu ăn, thiếu uống nghiêm trọng. Tại thôn Huỳnh Giản Nam, hàng trăm ngôi nhà vẫn còn ngập trong nước lũ. Khi đoàn cứu trợ của Tuổi Trẻ vừa tới, nhiều người dân đã túa lên những chiếc xuồng nhỏ để bơi ra nhận mì gói và nước uống. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bất ngờ chạy lũVừa thoát bão đã gặp lũQuốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai đang bị chia cắt Người dân Bình Định vật lộn với lũ dữ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận