16/11/2013 08:55 GMT+7

Bất ngờ chạy lũ

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Nhiều khu vực ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum hôm qua bất ngờ chìm trong biển nước. Lũ lên quá nhanh và bất ngờ khiến dân trở tay không kịp.

Vừa thoát bão đã gặp lũQuốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai đang bị chia cắt Miền Trung chìm trong lũ dữ

nF2FfuI6.jpgPhóng to
Người dân ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vội vã chạy lũ khi nước dâng bất ngờ - Ảnh: Trường Đăng

Theo dự báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực bắc Tây nguyên tiếp tục lên nhanh, có nơi trên mức báo động 3 từ 0,5-4m.

Quảng Ngãi: lũ lớn chưa từng thấy

Mưa lớn đổ xuống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ tối 14 đến chiều 15-11 gây lũ lớn, hàng trăm nhà dân ngập chìm trong nước. Các tuyến đường Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi), quốc lộ 24B... bị ngập cục bộ nhiều đoạn, có nơi ngập sâu gần nửa mét. Tại huyện Nghĩa Hành, hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây bị cô lập hoàn toàn, nhà dân ngập sâu trên 1m.

Ông Lê Quang Tịnh - phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành - cho biết nước lũ tại địa bàn lên rất nhanh và lớn chưa từng thấy. Tại xã Hành Đức, sáng 15-11 em Vương Thị Thu Thảo (10 tuổi, quê thôn Kỳ Thọ Nam 1) trong lúc đi học bị lũ cuốn trôi. Huyện Nghĩa Hành chỉ đạo khẩn tất cả trường cho học sinh nghỉ học.

Còn tại huyện Ba Tơ, các xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Tiêu đang bị nước lũ chia cắt. Tại xã Ba Xa, thông tin ban đầu cho thấy sạt lở núi đã làm một người chết nhưng địa phương vẫn chưa tiếp cận được điểm sạt lở núi.

Chiều 15-11, mực nước trên sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu lên báo động 3. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương và các sở ngành liên quan triển khai các phương án ứng phó, di dời dân. Sở GD-ĐT Quảng Ngãi yêu cầu phòng giáo dục các huyện chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo tính mạng cho học sinh.

PFml7lTQ.jpgPhóng to
Sản phụ Huỳnh Thị Thùy Trang vừa sinh một tuần được người nhà đỡ lên mái nhà tránh lũ đêm 15-11, ở phường Nhơn Phú, Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: Hoa Khá

Bình Định: TP Quy Nhơn bị cô lập

Chiều 15-11, hàng ngàn hộ dân Bình Định từ vùng ven TP Quy Nhơn đến các huyện Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn bị nhấn chìm trong lũ. Chỉ trong gần ba giờ (từ 13g30-16g30), lũ xiết, nước dâng cao nhanh chóng, toàn bộ nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng bị nhấn chìm. Hàng ngàn người dân vội vàng sơ tán khẩn cấp, bỏ lại tài sản.

Mưa to, lũ lớn đến mức nước lũ đã vượt tất cả bờ tràn ở hồ thủy lợi Định Bình - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh. “Nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn, hiện nước đã vượt tất cả sáu cửa tràn của hồ Định Bình với lưu lượng lên tới 2.872m3/giây qua tràn. Đây là chuyện bất khả kháng” - giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định Nguyễn Văn Phú cho biết.

Quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn bị tê liệt, ách tắc hoàn toàn từ trưa đến tối 15-11. Đoàn xe hai chiều nằm chờ kéo dài hơn 30km. Thượng tá Mai Văn Cuộc - trưởng Phòng CSGT tỉnh Bình Định - cho biết đèo An Khê bị sạt lở nhiều đoạn và đường sắt ngang qua Bình Định đang bị uy hiếp trước nguy cơ sạt lở. “Đoạn đường sắt từ ga Diêu Trì đến ga Tân Vinh (huyện Vân Canh) ngập trong lũ xiết nên đã bị phong tỏa từ 14g17 ngày 15-11. Hiện ba đoàn tàu đang nằm chờ tại ga Diêu Trì” - thượng tá Cuộc nói.

Đến 19g ngày 15-11, các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) nước tiếp tục dâng cao. Quy Nhơn đã bị cô lập. Nhiều đoạn nước dâng cao trên mặt đường hơn 1m. Hàng trăm người dân ngoại thành Quy Nhơn che bạt sống tạm trên đường ray xe lửa. Bình Định vẫn tiếp tục mưa to.

Sáng 15-11, em Trần Thanh Giảng (17 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) trong lúc bơi qua sông Kim Sơn để giữ bò đã bị lũ cuốn mất tích, đến chiều cùng ngày vẫn chưa tìm thấy thi thể. UBND huyện Vân Canh cho biết một trường hợp khác chưa rõ danh tính tại địa phương này bị lũ cuốn mất tích trên sông Hà Thanh. Đến cuối ngày, UBND huyện Tây Sơn cho biết ông Nguyễn Thanh Sang (ở thị trấn Phú Phong) cũng bị lũ cuốn mất tích trên sông Côn.

Rh7EbeEl.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ khắc phục sự cố tàu SE7 trật bánh chiều 15-11 - Ảnh: Tiến Thành

Phú Yên: đường sắt ách tắc hàng giờ

Ngày 15-11, ông Phạm Kiên, chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), cho biết lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy thi thể ông Đặng Văn Lanh (33 tuổi, ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh) bị mất tích từ chiều 14-11 khi dùng thúng chai bơi ra biển để bắt tôm hùm giống. Cùng ngày, trực ban tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết vẫn chưa tìm thấy thi thể anh Nguyễn Xuân Hùng (31 tuổi, tạm trú ở P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đi lặn bắt tôm hùm từ sáng 14-11 ở khu vực Hòn Mát. UBND tỉnh Phú Yên phát đi công điện khẩn cấm tàu thuyền hoạt động từ ngày 15-11 cho đến khi hết mưa lũ.

Theo ông Nguyễn Văn Long - giám đốc Trung tâm Sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực 3, phải đến 14g40 ngày 15-11 mới xử lý xong sự cố tàu SE7 Hà Nội - Sài Gòn bị trật bánh. Trước đó khoảng 6g30, tại km 1227+705 thuộc địa phận thôn Hảo Sơn, xã Xuân Hòa Nam, huyện Đông Hòa, do mưa lớn, một tảng đá lớn sạt lở xuống đường sắt làm tàu SE7 va vào, khiến hệ thống bánh trước của đầu máy trượt khỏi đường ray. Vụ va chạm khiến 65m đường sắt bị hư hỏng, nhiều đinh ốc kết nối giữa thành ray với tà vẹt bung ra ngoài.

Gia Lai: lũ cuốn trôi 2 cô giáo

Đến 17g30 ngày 15-11, hàng trăm cán bộ quân đội và công an cùng các thầy cô giáo tại thị trấn Kbang vẫn tiếp tục tìm kiếm thi thể cô giáo Nguyễn Thị Yến (33 tuổi, trú tại thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ở các dòng suối trên thượng nguồn sông Ba.

Nhiều người dân ở thôn 10 (xã Đông, huyện Kbang) cho biết sáng 15-11, khu vực ngầm tràn Tà Nang ở thôn 10 nước bắt đầu đổ về nên nhiều người dân không thể qua lại. Lúc 6g30, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga và một đồng nghiệp đứng ở mép ngầm đợi nước cạn để đến lớp nhưng nước đổ từ thượng nguồn về mỗi lúc một lớn. Sốt ruột, cô giáo Nguyễn Thị Yến lên xe để chạy qua ngầm thì bất ngờ nước đổ về dữ dội. Thấy vậy cô Nga bỏ sách vở chạy ra cứu bạn thì nước cuốn cả hai cô giáo trôi xuống suối.

Anh Nguyễn Văn Vinh - một người dân ở xã Đông - kể lại lúc xảy ra sự việc anh đang đứng trên bờ, thấy hai cô giáo gặp nguy hiểm anh đã chạy theo để cứu nhưng chỉ túm được cái yên xe, nước cuốn quá nhanh nên cả mấy người không kịp trở tay. Đến khoảng 7g, nhiều người phát hiện cô giáo Nga bị đẩy xa cách cống ngầm khoảng 400m, lúc này cô Nga vẫn còn sống nhưng do ngạt nước quá nặng nên tử vong ngay sau đó. Đến khoảng 8g30, khi chiếc xe máy của cô Yến được tìm thấy phía dưới cống ngầm khoảng 300m thì mọi người mới hết hi vọng.

Bà Hoàng Thị Quế - phó Phòng Giáo dục huyện Kbang - cho biết cô Yến là giáo viên Trường THCS xã Kông Lơng Khơng, có chồng và hai con nhỏ; còn cô Nga mới 23 tuổi, vừa hợp đồng giáo viên dạy trẻ tại Trường mẫu giáo Kông Lơng Khơng.

Trong khi đó, tại thôn Đắk Bút, xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), bà Y Hiên (38 tuổi) cũng đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi làm rẫy. Đến trưa 15-11, thi thể của bà Hiên đã được người dân tìm thấy và đưa về mai táng.

Huế: thành nội ngập sâu

Tối 15-11, hầu hết tuyến đường chính ở khu trung tâm TP Huế và khu vực thành nội bị ngập sâu trong nước lũ từ 0,3-0,5m, có đường ngập gần 1m, giao thông bị cắt đứt. Mưa lớn trong thời gian khoảng ba giờ, từ 17-20g - đúng vào giờ tan tầm, khiến giao thông hỗn loạn, hàng ngàn người vật vã, kẹt cứng trong nước lũ. Tuyến quốc lộ 1 đi qua thị xã Hương Thủy và cửa ngõ phía nam TP Huế nhiều đoạn bị ngập sâu 0,5m. Lúc 20g, mực nước sông Hương xấp xỉ báo động 3, sông Bồ vượt trên báo động 3, nước lũ uy hiếp hàng ngàn hộ dân vùng hạ du. Các tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà đều ngập sâu 0,5-0,7m.

Đến 21g cùng ngày, Thừa Thiên - Huế vẫn mưa xối xả trên diện rộng, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về hạ du. Hai hồ thủy điện lớn ở tỉnh là Hương Điền và Bình Điền mực nước đều vượt tràn và phải xả lũ với lưu lượng lớn.

Vượt đỉnh lũ lịch sử

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 15 sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngày 15-11 đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ, sau đó suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường đã gây ra mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây nguyên. Lượng mưa đo được trong 21 giờ qua (tính đến 16g ngày 15-11) ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum phổ biến từ 100-200mm; ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ 200-300mm, một số nơi có lượng lớn hơn như: Ba Tơ đến 594mm, Minh Long là 353mm, Giá Vực đạt 422mm.

Ông Bùi Đức Long, trưởng phòng dự báo thủy văn khu vực Trung - Nam bộ, nhận định khả năng xuất hiện đợt lũ đặc biệt lớn trên sông tại Bình Định, Quảng Ngãi. Riêng tại Quảng Ngãi có khả năng đỉnh lũ xấp xỉ với đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (5,99m tại sông Vệ), tại Gia Lai đỉnh lũ cũng vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1981 (sông Ba tại An Khê). Ông Long cảnh báo đỉnh lũ các nơi tiếp tục lên vì tình hình mưa còn tiếp diễn, nhiều khả năng các hồ chứa nước tại khu vực miền Trung, Tây nguyên phải xả lũ góp phần làm cho lũ cao thêm.

Đến tối qua (15-11), mực nước tại các sông đã vượt mức báo động 3. Cụ thể, tại Quảng Ngãi các sông Trà, sông Vệ mực nước vượt báo động 3 là 1,13m-1,17m, sông Lại Giang tại Bồng Sơn (Bình Định), sông Kôn tại Bình Nghi mực nước vượt báo động 3 là 0,21-1,49m. Mực nước trên sông Ba tại An Khê (Gia Lai) vượt báo động 3 đến 2,39m, vượt lũ lịch sử năm 1981 là 0,41m.

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên