Một xưởng sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu ở Bình Dương - Ảnh: N.BÌNH
Nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới vẫn tăng trưởng mạnh, trong khi chế biến gỗ là nghề truyền thống và là thế mạnh của VN, chúng ta lại có xuất phát điểm thấp nên khả năng tăng thị phần khá cao
Ông Nguyễn Quốc Khanh
Không chỉ về đích xuất khẩu sớm so với kế hoạch, ngành đồ gỗ và sản phẩm gỗ VN cũng "lột xác" với sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa, khi chiếm đến 50% thị phần, thay vì chỉ 20% như trước.
Đây là thông tin được đưa ra tại lễ mừng thành tích của ngành này vào sáng 26-1 tại TP.HCM. Với tốc độ tăng trưởng hơn 10,2% trong năm 2017, đạt kim ngạch 8 tỉ USD, đồ gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của VN.
Đặc biệt, xuất siêu của ngành cũng khá ấn tượng với giá trị giữ lại hơn 5,4 tỉ USD, tăng 7,8% so với năm trước.
Không chỉ bán bàn, ghế...
Theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đến năm 2020 sẽ đạt từ 8 - 8,5 tỉ USD. Tuy nhiên đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã cán mốc 8 tỉ USD, về đích trước 3 năm.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết có rất nhiều nguyên nhân giúp ngành hàng này đạt kim ngạch ấn tượng.
Trong đó, việc Trung Quốc bắt đầu đánh thuế xuất khẩu và sản phẩm của quốc gia này bị kiện bán phá giá tại thị trường Mỹ đã khiến ngành đồ gỗ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh.
Kinh tế châu Âu suy thoái, một số quốc gia khu vực này đã giảm sản xuất trong khi một số đối thủ trong khu vực như Malaysia, Indonesia... gặp khó do thiếu lao động cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ VN.
Tuy nhiên, không thể không kể đến những nỗ lực thay đổi của bản thân từng doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ông Lương Văn Nga, giám đốc điều hành Công ty Koda Sài Gòn, cho rằng mẫu mã là một trong những yếu tố đem lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, trong đó có đồ gỗ.
"Không chỉ bán bàn ghế, cái giường mà chúng tôi bán giải pháp không gian sống, đưa ra những mẫu thiết kế phù hợp với gu của người tiêu dùng, đó là bán cái đẹp" - ông Nga khẳng định.
Ông Nguyễn Liêm (tổng giám đốc Công ty Lâm Việt, Bình Dương) cũng cho rằng với khách mua hàng, công nghệ mà doanh nghiệp đầu tư sẽ quyết định rất nhiều đến sự tin cậy trong giao dịch.
"Cách đây hai ngày, tôi có một buổi tiếp xúc với một đối tác lớn từ Mỹ. Sau khi nghe tôi trình bày hệ thống truy xuất gỗ và các phụ kiện, nguyên liệu bằng hệ thống công nghệ hiện đại, đối tác đã đồng ý làm việc ngay, một quyết định rất nhanh" - - ông Liêm cho biết.
Có đạt mục tiêu 10 tỉ USD?
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết con số 8 tỉ USD đã nói lên những nỗ lực vượt bậc của ngành trong năm qua.
Theo kế hoạch, ngành gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu lên 9 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ từ 8,5-8,7 tỉ, nhưng toàn ngành có thể đạt mốc 10 tỉ USD dù sẽ gặp không ít thách thức.
"Nhu cầu dùng sản phẩm từ lâm nghiệp của người tiêu dùng thế giới rất lớn. Tại thị trường nội địa, hoạt động xây dựng nhà ở cũng đang có tốc độ cao, đặc biệt là mảng khách sạn với hơn 20.000 phòng khách sạn 5 sao tăng thêm trong năm qua.
Đây chính là thị trường đầy hấp dẫn với ngành gỗ. Tuy vậy, ngành vẫn phải tiếp tục đổi mới công nghệ, nói không với gỗ bất hợp pháp, đầu tư con người" - ông Cường nhấn mạnh.
Tuy vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp thừa nhận ngành gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
Theo ông Khanh, Mỹ - thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của VN - vừa ban hành chính sách giảm thuế thu nhập từ 35% xuống 25% cho doanh nghiệp trong nước nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa, trong đó có ngành gỗ.
Do đó, các doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ gặp khó khi xuất sang thị trường này những mặt hàng mà phía Mỹ khuyến khích tăng trưởng sản xuất.
Thị trường EU được dự báo không tăng nhập khẩu đồ gỗ, chưa kể đồng euro biến động giảm cũng gây khó khăn cho việc nhập khẩu từ VN... Do đó, các doanh nghiệp phải tìm thêm thị trường mới để đảm bảo mục tiêu sản xuất, xuất khẩu trong năm nay.
"Nhưng điều lo lắng nhất của ngành gỗ trong nước là các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang VN dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu thế tại VN" - ông Khanh nói.
Đồ gỗ chủ yếu xuất sang Mỹ
Gỗ và sản phẩm gỗ VN xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm 43% trong tổng kim ngạch nhóm hàng này với 3,27 tỉ USD, tăng 15,7% so với năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác cũng tăng như Trung Quốc tăng 5% (đạt 1,07 tỉ USD), Nhật Bản tăng 4,4% (đạt 1,02 tỉ USD), Hàn Quốc tăng 15,9% (đạt 665,24 triệu USD)...
Trong giai đoạn 2016-2017, doanh nghiệp VN cũng vươn lên chiếm 50% thị phần đồ gỗ và sản phẩm gỗ, thay vì chỉ chiếm 20% thị phần (doanh nghiệp FDI chiếm 80%) như trong giai đoạn 2010-2015, nhờ chủ động nâng cao chất lượng từ khâu thiết kế đến sản xuất để có sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận