18/01/2018 17:14 GMT+7

Xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi giày, Việt Nam tiếp tục vị trí số 2

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Trong 23 tỉ đôi giày thế giới tiêu thụ năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) về cường quốc xuất khẩu giày.

Xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi giày, Việt Nam tiếp tục vị trí số 2 - Ảnh 1.

Sản xuất giày thời trang nữ xuất khẩu sang châu Âu của một công ty sản xuất giày tại Bình Dương - Ảnh: T.V.N

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội giày dép, túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết thống kê mới nhất của Tạp chí sản xuất giày dép thế giới năm 2017, Việt Nam tiếp tục xếp vị trí thứ hai trong top 10 nước xuất khẩu giày dép lớn nhất hiện nay, với 1,02 tỉ đôi giày, tương ứng 7,4% sản lượng cung ứng giày dép toàn cầu.

Giữ vị trí đứng đầu vẫn là Trung Quốc, với 9,31 tỉ đôi, chiếm 67,3% sản lượng của 23 tỉ đôi giày mà thế giới đã tiêu thụ trong năm 2017.

Châu Á tiếp tục được ghi nhận là khu vực dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giày dép các loại trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Mỹ được cho là nước nhập khẩu giày dép lớn nhất, đã nhập 2,34 tỉ đôi giày, chiếm 19,6% thị phần toàn cầu về lượng giày tiêu thụ.

Đặc biệt, sản phẩm ba lô, túi xách của Việt Nam tiếp tục vươn lên vị trí top 5 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này nhiều nhất thế giới  hiện nay. 

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ba lô túi xách của VN ước đạt 3,3 tỉ USD, chiếm 5,5% tỉ trọng sản xuất toàn cầu, nhưng chỉ bằng khoảng 1/7 nếu so với tỉ lệ cung ứng của Trung Quốc.

Theo ông Kiệt, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành sản xuất giày dép túi xách trong nước là trình độ ứng dụng công nghệ vào quản trị và sản xuất còn kém so với các doanh nghiệp trong vùng và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Năng suất lao động của khối doanh nghiệp nội địa chỉ bằng 60-70% các doanh nghiệp FDI. Phần lớn chưa được đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt, chi phí nhân công tại Việt Nam ngày càng cao.

Trong khi đó, xu hướng của các nhà đặt hàng, thương hiệu quốc tế ngày càng nghiêng về hướng kiểm soát rộng và sâu chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Không chỉ giá đơn hàng, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, các nhà đặt hàng dần can thiệp sâu hơn vào việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, nhà máy cung ứng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Mặt khác, việc bảo đảm thời gian cung ứng hàng hóa, tính  bảo mật sản phẩm, trình độ sử dụng công nghệ, lợi thế về nguồn cung nguyên liệu cũng là những yếu tố được các nhà đặt hàng đặt lên vị trí hàng đầu trong quá trình lựa chọn nơi để đặt hàng, gia công sản xuất cho họ.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên