31/07/2017 07:06 GMT+7

Lệ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, da giày vẫn khó 'thoát Trung'

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Thua xa năng suất lao động ở Trung Quốc, thất bại trong nỗ lực “thoát Trung”, nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam đang tìm cách, kể cả giảm công nhân, đầu tư máy móc để “thoát hiểm”...

Sản xuất giày xuất khẩu tại một doanh nghiệp sản xuất giày ở TP.HCM - Ảnh: T.V.N.
Sản xuất giày xuất khẩu tại một doanh nghiệp sản xuất giày ở TP.HCM - Ảnh: T.V.N.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp FDI trong ngành da giày đang loại dần lao động lớn tuổi, hoặc ở những khâu máy móc thay thế được. Số lượng tôi biết lên đến hàng ngàn lao động

Ông L.T. (tổng giám đốc điều hành Công ty liên doanh giày GB)

Theo các chuyên gia, xu hướng đầu tư máy móc nhằm thay thế bớt lao động tại các khâu đơn giản ở ngành cần nhiều lao động tại Việt Nam gần như đã trở nên tất yếu khi năng suất lao động đang bị nhiều đối thủ cạnh tranh trực diện vượt xa.

Thua Trung Quốc 20% năng suất lao động

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO), một khảo sát bỏ túi gần đây do chính Lefaso thực hiện cho thấy năng suất của các doanh nghiệp sản xuất giày trong nước đang kém đến 20% so với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

“Nếu so với năng suất lao động của Myanmar, Indonesia, Malaysia mình có hơn. Nhưng Trung Quốc đang là đối thủ trực tiếp của mình ở các thị trường xuất khẩu da giày, túi xách hiện nay” - ông Thuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch LEFASO, cho hay sau một thời gian dài hô hào “thoát Trung”, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, thực tế tỉ trọng nhập các nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong ba năm gần đây của các ngành sản xuất và xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó có dệt may, da giày..., vẫn tăng chứ không hề giảm.

Đơn cử trong 2,7 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu phụ liệu dệt may, da giày 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 1,03 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng tự động hóa, tăng sa thải

Chưa thành công trong “thoát Trung”, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã chuyển sang các biện pháp khác, trong đó tập trung vào tăng đầu tư máy móc, giảm nhân công.

Đưa tay chỉ một loạt thiết bị khuôn giày, gò mũi, ép đế giày tự động tại một triển lãm chuyên ngành vừa được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Đức Thuấn cho hay “có nhà máy bây giờ họ trang bị gần hết các thiết bị như thế này rồi nên không cần nhiều công nhân như trước nữa đâu”.

Cho biết hiện nhiều doanh nghiệp FDI trong ngành da giày đang loại dần lao động lớn tuổi, hoặc ở những khâu máy móc thay thế được, ông L.T. - tổng giám đốc điều hành Công ty liên doanh giày GB (Bình Dương) - tiết lộ số lượng nhân công bị sa thải vì lý do trên đã lên đến hàng ngàn lao động.

“Tốc độ loại người của họ rất nhanh vì họ vừa có tiềm lực kinh tế, vừa có nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành máy móc, thiết bị công nghệ mới nên chẳng có lý do gì khiến họ phải chần chừ cả” - ông L.T. nói.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, đã có doanh nghiệp FDI âm thầm đưa vào vận hành thí nghiệm dây chuyền sản xuất, “và đã đạt được năng suất lao động trên đầu người cao gấp nhiều lần so với phương thức sản xuất bằng công cụ hiện tại”.

Chưa kể việc sản xuất từ máy móc thiết bị không chỉ mang lại sự đồng nhất về mặt chất lượng, mà còn rút ngắn được thời gian giao hàng vì máy móc có thể để chạy ba ca liên tục, không cần giới hạn ngày nghỉ hoặc thời gian nghỉ như đối với con người.

Vẫn khó nhiều thứ

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp trong nước, việc thay đổi công nghệ, tăng năng suất là không đơn giản.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, phó tổng giám đốc Công ty giày Đông Hưng, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất giày trong nước chậm đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại “vừa không có tiền, vừa không làm chủ được nguồn cung nguyên vật liệu, cũng không có nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các thiết bị mang tính năng kỹ thuật cao”.

“Nếu một nhà máy đầu tư hoàn chỉnh 5 chuyền sản xuất, bao gồm cả chi phí xây dựng nhà xưởng, thuê đất, phải cần gần 20 triệu USD. Một con số thật sự rất lớn, rất khó với tới đối với các doanh nghiệp 100% vốn trong nước” - ông Lê thừa nhận.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Lefaso, khối doanh nghiệp ngoại đầu tư vào ngành dệt may và da giày Việt Nam ước đã gần 2 tỉ USD từ năm 2011 đến nay, còn mức đầu tư của doanh nghiệp 100% vốn trong nước gần như... không đáng kể.

“Các doanh nghiệp trong nước không mở rộng được sản xuất, hoặc đầu tư thiết bị gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường. Từ đó lại phát sinh vòng luẩn quẩn: không đủ năng lực tiếp nhận đơn hàng. Năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm không cạnh tranh dẫn đến không có nhiều đơn hàng. Doanh nghiệp da giày trong nước vì thế ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp ngoại” - ông Kiệt phân tích.

Ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng trước thách thức làm sao tăng được năng suất lao động, lại vừa tăng thu nhập, giữ được lao động có tay nghề, “chỉ còn một cách doanh nghiệp phải thay đổi tư duy cho một tầm nhìn mới” - ông Thuấn nói và nhấn mạnh nếu doanh nghiệp nội không đổi mới công nghệ, không lấy khoa học công nghệ làm nền tảng và biết cách tích hợp khoa học công nghệ khác vào chuỗi sản xuất khép kín thì sắp tới không thể nào tạo ra được giá trị thặng dư.

Doanh nghiệp FDI lấn lướt

Với quy mô hơn 1.800 doanh nghiệp đang hoạt động, tỉ trọng của các doanh nghiệp da giày có vốn FDI dù chỉ chiếm chưa đến 40% về mặt số lượng nhưng lại đang gánh hơn 80% kim ngạch xuất khẩu da giày hiện nay.

Cụ thể, trong gần 7,1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu giày sáu tháng đầu năm 2017, khối doanh nghiệp FDI đã chiếm hơn 81%. Và tỉ trọng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng tăng thêm.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên