01/05/2017 08:56 GMT+7

Lớp học trong... bệnh viện!

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Không như bạn bè cùng trang lứa ở các lớp học bình thường, những thành viên của lớp học tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chưa bao giờ có kỳ nghỉ hè hay nôn nao ngóng đợi nghỉ tết.

Thùy Ngân đang cùng bệnh nhi Khang vẽ tranh trên giường bệnh - Ảnh: V.Hùng

Nhiều năm nay, lớp học đặc biệt ấy vẫn diễn ra những buổi học và sinh hoạt đều đặn ở phòng chơi bệnh nhi trên tầng 10 trong không gian đầy yên tĩnh.

Học để đỡ… nhớ trường

Tối 26-4, bệnh nhi ung thư máu Trần Duy Khang (8 tuổi, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vừa vào thuốc nên rất mệt. Khang không thể ngồi dậy nổi để chơi với bạn bè. Dù nằm dán chặt trên giường nhưng Khang vẫn thèm được tham gia vào buổi học vẽ mà em rất thích.

Chị Ngân bèn đem bút màu và giấy đến tận giường để dạy Khang vẽ tranh. Cánh tay Khang khó nhọc cầm bút, nguệch ngoạc trên tờ giấy trắng.

Dường như sức lực ở Khang còn quá ít ỏi để đưa bút màu cho trọn nét vẽ, nhưng ánh mắt em vẫn rực lên niềm vui.

Những anh chị đứng lớp không cầm lòng được trước cảnh đó. Thùy Ngân cầm tay Khang tô từng nét, những màu sắc bức tranh dần hiện lên rõ hơn trên trang giấy khiến mắt Khang long lanh.

Bố của Khang kể, mùa hè cách đây 3 năm, Khang náo nức chờ ngày vào lớp 1 thì đột nhiên phát bệnh. Bố mẹ liền đưa em ra Đà Nẵng chữa vài tháng rồi quay về nhập học. Nhưng nhập học được hai tuần thì bệnh tái phát. Vậy là chưa thuộc hết mặt chữ, nhưng ước mơ đến trường của em dường như đã khép lại. “Con được mấy anh chị dạy chữ nên con đọc được rồi. Giờ con thích học vẽ lắm, mong ngày nào cũng có anh chị chơi với con để đỡ nhớ lớp”, Khang thều thào.

Ở tầng 10 này có đến vài chục bệnh nhi phần lớn chưa đến trường ngày nào hoặc học ngắt quãng, vì phải triền miên điều trị ở bệnh viện. Trong phòng chơi bệnh nhi ắp đầy sách báo, đồ chơi, đàn, tranh vẽ…Bé Hà (15 tuổi) đang được hướng dẫn làm mô hình trò chơi.

Ở một phòng bệnh khác, Hậu (11 tuổi) đang được dạy học tiếng Việt. Thanh Hà (người Quảng Ngãi) bị bạch cầu cấp nhập viện cách đây 2 năm, từ dịp hè năm lớp 7 chuẩn bị lên lớp 8. Hà rơm rớm mắt, nói:“Con nhớ bạn, nhớ trường lắm, không biết có còn được đến trường nữa hay không nhưng giờ được anh chị bày biết thêm điều nào vui điều ấy. Hy vọng mai mốt chữa hết bệnh con lại đi học như bạn bè. Con thích học gì anh chị dạy cái nấy ”.

Hạnh phúc là sẻ chia

Các bệnh nhi lẫn phụ huynh khi ra dọc hành lang đều mừng vui như đón người thân về nhà khi nhìn thấy Nguyễn Thùy Ngân (24 tuổi, Đà Nẵng). Mấy năm nay, mọi người đã quen với hình ảnh cô xuất hiện ở tầng 10 này. Nắm qua tình hình bệnh và hỏi từng bệnh nhi hôm nay muốn học gì, chơi gì, rồi Ngân cùng 7-8 bạn khác chia nhóm để phục vụ các em.

Ngân kể rằng cô đã từng ở bệnh viện này để nuôi bệnh, mà bệnh nhân toàn người nghèo nên cô thấu hiểu sự thiếu thốn đủ bề của họ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Ngân quay lại tham gia các hoạt động thiện nguyện ở bệnh viện. Các hoạt động dạy, chơi với bệnh nhi cũng có nhưng không đều đặn khiến các em luôn mong ngóng.

Thêm nữa, nếu dạy chữ thôi cũng sẽ khiến các em chán nản. Đầu năm 2016, Ngân bàn với các thành viên lên lịch học hợp lý để có thể đến với các em đều đặn hơn. Từ đó lớp học trên tầng 10 ấy, đã âm thầm mang đến những niềm vui bé nhỏ giúp các em vơi đi sự đau đớn đang hành hạ thân xác.

Bây giờ các tốp tình nguyện viên của “lớp học tầng 10” nếu đang là sinh viên thì tranh thủ sáng, chiều hoặc tối đến từng phòng bệnh, giường bệnh dạy học, vui chơi cùng các em. Các thành viên trong nhóm của Ngân nay phần lớn đã ra trường đi làm nên họ chọn hai tối thứ 4, thứ 7 trong tuần để dạy vẽ, đàn, làm thiệp, đồ chơi… Vì thế cả nhóm thân thuộc đến mức cả bệnh nhi lẫn phụ huynh ngày nào cũng đều mong ngóng.

Tối nay cũng thế, vừa làm hướng dẫn viên cho đoàn khách du lịch về, lùa vội chén cơm, Ngân chạy xe máy từ Cẩm Lệ lên tận bệnh viện Ung bướu để chơi với các em. Vậy nhưng khi bày cho bé Khang vẽ, trong mắt Ngân ánh lên niềm yêu thương. Cô cười đùa vui vẻ cùng các bé mà không hề thấy nỗi mệt nhọc. Ngân nói: “Khang thích vẽ bởi đó là môn học cậu ấy dễ tiếp thu nhất, có khả năng sáng tạo, nên vơi đi nỗi đau đớn do bệnh tật”.

Nhiều phụ huynh bệnh nhi kể rằng suốt cả năm qua, chưa một tối nào Ngân vắng mặt, cô thích chơi với bọn trẻ con lắm. Theo Ngân, bệnh nhi bị K, tâm lý hay mất ổn định, dễ cáu gắt, nên phải kiên trì, nhẹ nhàng, trãi lòng với các em.

“Đến với các em như một cơ duyên nên mình thấy rất gắn bó với lớp học này. Đây như một gia đình nhỏ của Ngân. Được sẻ chia với bệnh nhi ngày nào mình thấy hạnh phúc và may mắn ngày đó. Nhìn các em chống chọi với bệnh tật mình như được tiếp thêm nghị lực, sẵn sàng đón nhận những bất trắc không lường được của cuộc đời, bởi thế, nếu hôm nào bận không đến được lại thấy áy náy lắm” - Ngân chia sẻ.

Mời bạn đọc xem thêm trên truyền hình Tuổi Trẻ tại địa chỉ: tv.tuoitre.vn

Thư mời cộng tác

Chuyên trang “Tôi yêu Đà Nẵng” đã đều đặn xuất hiện trên trang 8 số báo ra ngày thứ 2 hàng tuần của báo Tuổi Trẻ với nhiều câu chuyện đẹp, những tấm gương hy sinh và cống hiến đã góp thêm một góc nhìn đáng yêu về thành phố.

Để xứng đáng là “thành phố đáng sống” không chỉ có cảnh quan, phố phường, môi trường, giao thông..mà còn phải làm cho sự bao dung, tử tế và lòng nhân hậu trong mỗi con người Đà Nẵng luôn ấm áp lan tỏa.

Để phong phú hơn chuyên trang “Tôi yêu Đà Nẵng”, Tuổi Trẻ mong nhận được từ bạn đọc những mơ ước, những khát vọng , những hiến kế cho Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn, đáng sống hơn. Đó có thể là cảm xúc mỗi ngày của chính bạn về đô thị này, hay những ký ức dấu yêu về Đà Nẵng, là giấc mơ về những công trình như một tượng đài, một đường sách, một địa chỉ văn hóa…cho mục “Ô cửa thị thành”.

Những đóng góp bài vở, ý kiến xin gửi về email chuyên mục: toiyeudanang@tuoitre.com.vn hoặc văn phòng báo Tuổi Trẻ, số 9 Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Trân trọng cảm ơn.

 

 

 

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên