05/07/2013 01:55 GMT+7

Lớp học của lòng thiện nguyện

NGỌC HẬU - NGÔ THIÊN PHÚC
NGỌC HẬU - NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Bỏ lại sau lưng mức thu nhập cao từ các tập đoàn kinh tế, vượt qua những khó khăn về khí hậu Việt Nam, ba năm nay vợ chồng ông Hans Peter Windmer gắn bó với những lớp học dạy nghề cơ khí chế tạo máy miễn phí cho các học viên.

Theo thầy Ngô Bá Bang - hiệu trưởng Trường trung cấp Cơ điện Đông Nam bộ (Đồng Nai), đây là chương trình đào tạo nghề cho người lao động nghèo do vợ chồng ông Windmer đào tạo dưới sự phụ trợ của giáo viên Việt Nam, được tổ chức ba khóa, mỗi khóa từ 20-30 học viên ngành cơ khí.

Hiện những học viên khóa đầu tiên của ông bà Windmer đã có thể tự thiết kế bản vẽ trên máy tính, đọc bản vẽ và chọn vật liệu kỹ thuật để chế tạo bộ phận cơ khí phù hợp. Bà Windmer khẳng định: “Những học viên này ra trường có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại các phân xưởng chế tạo máy ở khắp nơi. Ngoài việc làm ra được nhiều sản phẩm máy móc, họ có thể sửa chữa máy móc và thiết bị khi gặp sự cố”.

Đi nhiều nước trên thế giới, cả những nước ở châu Phi để hợp tác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, khi trở lại Việt Nam khoảng ba năm trước, ông bà Windmer đã nảy sinh ý tưởng đào tạo và truyền đạt kỹ năng cơ khí chế tạo máy cho thanh niên Việt Nam. Nghĩ là làm, ông bà đã phối hợp với một tổ chức của Thụy Sĩ để dạy nghề cơ khí chế tạo máy tại Trường trung cấp Cơ điện Đông Nam bộ.

Ngoài việc học nghề, những học viên còn được trang bị tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Anh giao tiếp. Đến nay, đa số học viên của khóa đầu tiên đã có thể học phần giảng dạy bằng tiếng Anh của ông bà Windmer. Các học viên của khoa cơ khí chế tạo máy còn được ông bà Windmer hỗ trợ mỗi người 600.000 đồng/tháng để trang trải tiền ăn, ở trong suốt quá trình tham dự học. Bên cạnh đó, toàn bộ trang thiết bị máy móc hiện đại cũng như nguyên vật liệu học tập đều được ông bà Windmer kêu gọi tổ chức của Thụy Sĩ trang bị và hỗ trợ cho trường.

Mặc dù ở quận Thủ Đức, TP.HCM nhưng hằng ngày, đầu giờ sáng ông bà Windmer vẫn vượt hơn 30km để có mặt ở trường. Đến tối, vợ chồng ông Windmer mới trở về nhà trọ của mình.

“Tôi hi vọng sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ tự chế tạo nhiều sản phẩm và tư duy được nhiều sản phẩm phục vụ cho công việc của mình. Học viên sẽ tự chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng làm việc theo tác phong công nghiệp tức bắt tay vào làm chứ không phải chỉ biết lý thuyết mà không biết làm” - bà Windmer nói.

2EaWuRBi.jpgPhóng to
Ông Hans Peter Windmer hướng dẫn học viên ngành cơ khí học thực hành - Ảnh: N.Hậu

21 học viên của khóa đào tạo đầu tiên được ông bà Windmer liên hệ để gửi đi thực tập tại Công ty ximăng Holcim (Thụy Điển) và Công ty Boss (Đức). Để được hai công ty này đồng ý nhận học viên thực tập, ông bà Windmer phải báo cáo toàn bộ quy trình giảng dạy của mình cũng như thành tích từng học viên.

Tháng 5-2013, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã tặng bằng khen cho ông Hans Peter Windmer. Không chỉ đào tạo chuyên ngành chế tạo máy cho 70 học viên, ông còn hỗ trợ 150.000 USD vật tư y tế cho các trạm y tế còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

NGỌC HẬU - NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên