09/06/2015 10:28 GMT+7

“Lờn thuốc” do xử lý không nghiêm

Q.KHẢI - VĂN TIÊN -  LÊ PHAN ghi
Q.KHẢI - VĂN TIÊN - LÊ PHAN ghi

TT - Phản hồi bài viết “Đường mẫu của TP.HCM giờ ra sao?” (Tuổi Trẻ ngày 8-6), nhiều bạn đọc cho rằng có sự “lờn thuốc” của tình trạng lấn chiếm lề đường ở các tuyến đường.

Một đoạn vỉa hè bị lấn chiếm làm quán nhậu -Ảnh: Th.Thắng

* Ông Đỗ Ngọc Tùng (chủ tịch UBND P.13, Q.3)

Không đủ người giám sát

Ở tuyến đường Trường Sa, để tạo điều kiện cho người dân kinh doanh làm ăn, phường đã kẻ vạch sơn trên vỉa hè làm ranh không để người dân lấn chiếm. Trong tháng 5-2015, chúng tôi đã xử phạt 19 vụ lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng đường để kinh doanh với số tiền phạt 28 triệu đồng.

Tình hình trật tự đô thị trên địa bàn có chuyển biến tích cực hơn nhưng không thể tránh khỏi tình trạng một số trường hợp vì mục đích lợi nhuận khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng thì tiến hành lấn chiếm. Tổ trật tự đô thị chỉ có bốn người mà còn phải làm việc khác nên không thể có mặt mọi lúc trên tuyến đường này để xử lý được.

* Ông Lê Hồng Anh (chạy xe ôm ở Q.3):

“Lờn thuốc”

Các quy định xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đã có nhưng do việc xử lý chưa quyết liệt, triệt để nên tình trạng này vẫn xảy ra, giống như bị “lờn thuốc”. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc cuộc sống của người dân khó khăn, phải cân nhắc để tạo điều kiện cho họ buôn bán trong điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn trật tự.

Vấn đề này cần phải minh bạch, không để tình trạng chung chi xảy ra giữa các cơ quan kiểm tra và chủ hộ buôn bán. Bởi nếu chung chi thì sau khi bị bắt họ cũng bày ra buôn bán như thường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (phó Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM):

Quyết liệt là chấn chỉnh được

Trong quá trình giám sát tại các địa phương về thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị, tôi thấy không chỉ những tuyến đường cấp quận huyện mà tình trạng mua bán lấn chiếm cũng xảy ra đối với tuyến đường cấp TP.

Quy định cho vấn đề này không thiếu, thực tế cho thấy tuyên truyền đã làm rồi, xử phạt cũng đã làm, nhưng địa phương nào quan tâm, chăm chút thì tình hình được cải thiện, còn nơi nào buông lỏng là tình trạng vẫn như cũ, thậm chí tệ hơn, đặc biệt trước áp lực dân số ngày càng đông.

Giải pháp, theo tôi, cũng không còn cách nào khác là tăng cường vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu, phải quyết liệt và duy trì công tác kiểm tra xử lý. Bên cạnh đó, các cơ quan sớm xem xét và ban hành cụ thể những tuyến đường người dân được sử dụng lòng đường để kinh doanh và được sử dụng ở mức độ nào.

Đường đâu đi bộ?

Trong 56 ý kiến phản hồi của bạn đọc, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc với việc lề đường bị chiếm dụng. Bạn đọc Thanh Mai kể: “Buổi tối đi dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa thật khốn khổ! Vỉa hè bị chiếm dụng hết cả...”. Bạn đọc Trần Mạnh Quân bổ sung: “Nói để cho vui thôi, đâu lại vào đấy. Rất ít nơi có lề đường dành cho người đi bộ”.

Bạn đọc Lê Dung viết: “Chưa kiên quyết, đẩy đuổi là chính... Mỗi buổi sáng đi ngang Bệnh viện Chợ Rẫy mà xem, người bán vô tư chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện để bán, đẩy người đi bộ ra giữa lòng đường gây kẹt xe mà không thấy bóng dáng của đội trật tự đô thị ở đâu?”.

N.N. tổng hợp

Q.KHẢI - VĂN TIÊN - LÊ PHAN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên