25/10/2016 12:33 GMT+7

Lời thề chàng trai Sài Gòn tuổi 18 và đại lộ anh hào

CÙ MAI CÔNG
CÙ MAI CÔNG

TTO - "Phải luôn giữ tiết, không vì bả vinh hoa mà đổi lòng đổi chí, phản bội quê hương và nòi giống". Đó là lời thề trước khi du học Pháp của Nguyễn An Ninh, người thanh niên từng là thần tượng của bao thanh niên Nam kỳ.

Dãy nhà bên trái khách sạn Chiêu Nam Lầu (49 Nguyễn Huệ). Tòa hòa giải số 115 Charner (nay là tòa nhà Sun Wah) ở cuối ảnh, cạnh đó là nhà anh hùng phi công Roland Garros - Ảnh: Émile Gsell 

Nhà ở giữa đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ), người thanh niên ấy thề ở ​Lăng Ông, Bà Chiểu năm 1918 trước khi du học Pháp; trước sự chứng giám của người cha Nguyễn An Khương - một dịch giả, nhà báo, từng viết cho hai tờ báo Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, và hơn thế, một nhà chí sĩ lớn đầu thế kỷ 20.

Cha mẹ chàng trai người Gia Định, là chủ Chiêu Nam Lầu ở số 49 đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) từ 1899. Một năm sau, đứa con út ra đời.

Người Việt dựng đại nghiệp giữa đại lộ toàn doanh nghiệp Pháp, Hoa, Ấn 

Đại lộ Charner nằm giữa hai con đường sang trọng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là Catinat (Đồng Khởi hiện nay) và de la Somme (Hàm Nghi) với hàng loạt công ty, cửa hàng thuộc thế mạnh kinh doanh của cư dân ba nền văn hóa lớn của thế giới.

Đại lộ Charner nhìn từ sông Sài Gòn đầu thế kỷ 20, khi xe điện (tramway) Sài Gòn - Chợ Lớn đã hoạt động - Ảnh tư liệu

Các tiệm vải sang trọng hầu như chủ là người Ấn Độ; quán ăn thì khó ai qua nổi chủ người Hoa; còn khách sạn theo Niên giám Nam kỳ đầu thế kỷ 20 cho thấy hầu hết khách sạn trên đại lộ Charner và đường Catinat đều của chủ người Pháp. 

Chiêu Nam Lầu nằm giữa khu vực đó và kinh doanh thành công rực rỡ ở cả ba lãnh vực: tiệm may, quán ăn và phòng trọ.

Trước khi bị chính quyền Pháp đóng cửa, 27 năm hoạt động (1899-1926), Chiêu Nam Lầu làm kinh doanh lừng lẫy giữa đại lộ kinh doanh sầm uất. Vua Thành Thái trước khi bị Pháp lưu đày sang đảo Réunion (ở Ấn Độ Dương) đã ghé đây may hàng chục bộ áo dài.

Về nhà hàng khách sạn, vợ nhà chí sĩ Nguyễn An Khương vừa quản lý, điều hành nhân viên vừa xắn tay vô bếp nấu nướng với những món ăn Nam bộ. Đa số thương gia Sài Gòn - Chợ Lớn lẫn điền chủ, thương gia lục tỉnh miền Tây đầu thế kỷ 20 coi Chiêu Nam Lầu là một địa điểm "sành điệu" phải ghé khi đến đại lộ Charner và chợ Bến Thành cũ.

Ngoài chất lượng phục vụ, có một lý do ngấm ngầm mà dân Sài Gòn lẫn Nam kỳ lúc ấy rỉ tai nhau: đây là nơi lui tới, tá túc của nhiều nhà ái quốc, nhà cách mạng lẫn những hoàng thân quốc thích  chống Pháp như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (nhà cách mạng này mất tại đây), Bùi Quang Chiêu, Trần Chánh Chiếu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (cháu đích tôn bốn đời của vua Gia Long)...

Thậm chí hoàng tử Miến Điện (Myanmar) Myngoon Min trong cơn biến loạn quê hương cũng từng nương náu Chiêu Nam Lầu, sau đó cảm phục, để lại công thức chế dầu cù là của hoàng gia Myanmar mà sau này Nguyễn An Ninh khi làm cách mạng đã đi bán loại dầu này ở ngay quê nhà là Hóc Môn, Bà Điểm (người Hóc Môn xưa truyền miệng câu thơ Cù là hay lắm mấy ông ơi - Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi - Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy - Uống vô trong bụng, huyết tim sôi…).

Đại lộ của những vị anh hào chí khí lẫm liệt 

Các nhà ái quốc Bắc và Trung kỳ  đã tìm đến đây trong lời mời gọi của Chiêu Nam Lầu giữa một Sài Gòn yêu nước thương nòi, như một lời hát thời khẩn hoang: Thương người xa xứ lạc loài tới đây...

Khi cụ Phan Bội Châu bí mật vào Sài Gòn, tá túc ở Chiêu Nam Lầu, ông chủ Nguyễn An Khương đã tổ chức cho cụ gặp gỡ những nhà điền chủ yêu nước nổi tiếng lục tỉnh như Trần Chánh Chiếu (đại điền chủ Rạch Giá), Nguyễn Thần Hiến (điền chủ Cần Thơ)...  

Bộ ba Nguyễn An Khương - Trần Chánh Chiếu - Nguyễn Thần Hiến đã thành cơ sở tài chánh hỗ trợ nhiều du học sinh Nam kỳ trong phong trào Đông Du và lãnh đạo phong trào Đông Du của cụ Phan ở Nam kỳ từ 1904.

Nhà cách mạng Trần Chánh Chiếu đã mời ông chủ Chiêu Nam Lầu cộng tác (chủ bút, biên tập, viết bài) cho hai tờ báo của mình là Nông Cổ Mín ĐàmLục Tỉnh Tân Văn với những bài báo kêu gọi ái quốc, duy tân.

Nguyễn An Ninh, con ông chủ Chiêu Nam Lầu sau khi du học Pháp về, giữ đúng lời thề xưa với cha, với đất nước đã sống trọn vẹn khí tiết lẫm liệt của một chàng trai Sài Gòn. 

Người cử nhân luật hạng xuất sắc của Đại học Sorbon chỉ sau hai năm du học Pháp đã lao vô hoạt động cách mạng ngay sau đó, từ năm 20 tuổi. Hai năm sau, năm 1922, anh đã trở về Sài Gòn, trở về đại lộ xưa bỏ bộ âu phục, mặc áo bà ba, đi guốc, bỏ tóc xõa vai ôm từng chồng báo Tiếng Chuông Rè kêu gọi chống Pháp mà mình làm chủ bút, phóng viên lẫn xếp chữ, rao bán... 

Giới trẻ Sài Gòn, lục tỉnh như GS Trần Văn Giàu lúc đó coi "Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù (Nguyễn An Ninh đi tù 5 lần và chết ở Côn Đảo năm 1943, khi ông 43 tuổi) như về quê...".

Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (từ trái sang): sau khi du học Pháp, khi làm báo Tiếng Chuông Rè và khi bị Pháp bắt giam - Ảnh tư liệu

Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và vợ, con trai Nguyễn An Tịnh trước khám lớn Sài Gòn 1937 - Ảnh tư liệu gia đình

Khi cụ Phan Châu Trinh trên giường bệnh ở Chiêu Nam Lầu thì nghe tin Nguyễn An Ninh bị Pháp bắt lúc 11g30 trưa  24-3-1926. Ngay đêm đó, lúc 21g30, cụ đã ra đi (nay tròn 90 năm, 1926-2016).

Đám tang nhà ái quốc vĩ đại Phan Châu Trinh là đám tang lớn nhất ở Sài Gòn đến nay với 100.000 người dự, 1/3 dân số Sài Gòn lúc ấy mà báo chí Pháp nói ngày đó là ngày "Việt Nam thức tỉnh".

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng suýt bị mật vụ Pháp bắt khi đang ngủ ở Chiêu Nam Lầu (Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi - Hồi ký của Nguyễn Thị Minh, con gái Nguyễn An Ninh).

Những cuộc bàn quốc sự ở Chiêu Nam Lầu diễn ra trước quán Café de la Paix ở bên kia đường, góc ngã tư Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi hiện nay. 

Đây là quán mà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp thường tụ tập cà phê và bàn chuyện với những nhân vật giàu có, quan chức trong chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc đó như Paul Blanchy (thời Pháp được đặt tên cho đường Hai Bà Trưng hiện nay), Morin, Bonnet...

Tòa hòa giải (Justice de Paix) số 115 đại lộ Charner (nay là tòa nhà Sun Wah), cùng dãy với Chiêu Nam Lầu số 49. Đường bên hông tòa nhà nay là đường Huỳnh Thúc Kháng -  Ảnh tư liệu

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến một cư dân đại lộ Charner, một chàng trai Sài Gòn dù anh vốn là người Pháp: Roland Garros. Người phi công đầu tiên vượt Đại Tây Dương, chết trong không chiến với máy bay Đức trong Thế chiến thứ nhất 1918 được người Pháp tôn vinh anh hùng đã ở đây đến năm 12 tuổi ở đại lộ Charner, học Trường Chasseloup-Laubat  (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) trước Nguyễn An Ninh vài năm.

Theo Nguyễn Đức Hiệp, "rất nhiều người Sài Gòn cũ vẫn còn nhớ đã thấy Roland đùa giỡn với người chị gái trước văn phòng của ông George Garros trên đường Charner" (thời Pháp, tên vị anh hùng này đã được đặt cho một con đường sau chợ Bến Thành nay là Thủ Khoa Huân).

Trên đại lộ Charner, nhà cha mẹ Roland Garros số 117 (cạnh Tòa hòa giải số 115 - nay là tòa nhà Sun Wah), khá gần Chiêu Nam Lầu số 49. Cha anh, ông George Garros là một luật sư và là một nhà báo cấp tiến; bạn với nhiều người Việt yêu nước như Bùi Quang Chiêu, Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu...

Anh hùng phi công Roland Garros - Ảnh tư liệu
CÙ MAI CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên