01/09/2020 19:51 GMT+7

Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự báo ra sao?

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng 4,9% so với năm 2019, trừ Vietcombank vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 10%.

Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự báo ra sao? - Ảnh 1.

Thời gian qua các ngân hàng đã giảm lãi suất để chia khó với doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

FiinGroup (trước đây là StoxPlus) - công ty chuyên về dữ liệu tài chính, phân tích ngành và xếp hạng tín nghiệm độc lập tại VN - mới công bố báo cáo phân tích triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng, được thực hiện với 18/19 ngân hàng niêm yết, chiếm 52,2% dư nợ toàn hệ thống và 90,4% vốn hóa của khối ngân hàng đang niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2020, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng chỉ tăng 12,8% so với cùng kỳ. Mức tăng này khá thấp nếu so với mức tăng 53,5% trong 6 tháng đầu năm 2018 và 18,5% trong 6 tháng đầu năm 2019. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, để đạt được mức tăng 12,8% so với cùng kỳ, các ngân hàng đã phải cắt giảm đáng kể chi phí hoạt động. Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2 của các ngân hàng niêm yết giảm 19,4% so với quý 1 cũng góp phần vào việc tăng lợi nhuận.

"Một trong những lý do khiến trích lập dự phòng rủi ro giảm là do Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được hạch toán dư nợ được cơ cấu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích lập dự phòng. 

Do đó, khi các chính sách này thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của các ngân hàng chịu tác động đáng kể. Đó cũng là lý do các ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 ở mức khá khiêm tốn", báo cáo phân tích. 

Trên thực tế hai quý vừa qua, tín dụng của các ngân hàng tăng rất thấp, biên lãi ròng giảm mạnh. Nguyên nhân là do các ngân hàng miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Thực tế này cũng được các ngân hàng thừa nhận. Ngân hàng Nam Á cho biết nửa đầu năm 2020, ngoài việc chú trọng củng cố hoạt động, ngân hàng cũng tập trung mọi nguồn lực với hàng loạt chương trình đồng hành "chia khó" cùng khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Ngoài việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng đang vay theo Thông tư 01, ngân hàng cũng triển khai nhiều gói giải pháp tài chính hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng cũng 5 lần giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch. 

Trong khi đó Ngân hàng Kiên Long cũng cho biết đã giảm đến 50% tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 1.300 khách hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Đắk Lắk vay vốn trả góp theo ngày trong vòng 2 tháng, kể từ ngày 1-8 đến 30-9, do đây là những địa bàn bị ảnh hưởng nặng trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại vừa qua. 

Được biết đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong hoàn cảnh cách ly xã hội, tạm dừng hoạt động kinh doanh, thu nhập của họ bị ảnh hưởng, do vậy ngân hàng giảm lãi để chia sẻ khó khăn với họ.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thực chất Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thực chất

TTO - Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, tiết giảm chi phí, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên