27/04/2019 07:29 GMT+7

Các ngân hàng họp cổ đông: 'Nóng' chuyện cổ tức, lợi nhuận

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Chia cổ tức, tăng vốn, xử lý nợ xấu, tăng nguồn thu từ dịch vụ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cổ đông tại đại hội cổ đông của các ngân hàng được tổ chức ngày 26-4.

Các ngân hàng họp cổ đông: Nóng chuyện cổ tức, lợi nhuận  - Ảnh 1.

Cổ đông Sacombank bỏ phiếu thông qua các tờ trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nội dung nóng nhất tại đại hội cổ đông của các ngân hàng (NH) thời gian gần đây là chuyện chia cổ tức, kế hoạch lợi nhuận cũng như việc tìm kiếm cổ đông chiến lược tại một số NH lớn.

Có tiền nhưng không được chia cổ tức!

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Sacombank sáng 26-4, một số cổ đông đề nghị lãnh đạo NH này nên tính toán chia cổ tức cho cổ đông bởi đã mấy năm nay không được nhận cổ tức.

Trả lời cổ đông, ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết quỹ tích lũy cổ tức của Sacombank đến nay còn 2.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định của NH Nhà nước, Sacombank đang trong giai đoạn tái cơ cấu, phải tập trung tối đa nguồn lực để xử lý nợ xấu nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu nên NH này không được chia cổ tức.

Dù vậy, trước yêu cầu của cổ đông, ông Minh đề nghị lãnh đạo Cục Thanh tra giám sát NH Nhà nước TP.HCM truyền đạt lại với lãnh đạo cao nhất của NH Nhà nước về những nguyện vọng được trả cổ tức của cổ đông, đồng thời cam kết với cổ đông là NH này sẽ làm hết sức để NH Nhà nước chấp thuận cho Sacombank chia cổ tức cho cổ đông, nhưng kết quả còn tùy thuộc vào cơ quan quản lý.

Theo báo cáo tại đại hội, trong năm 2018 Sacombank đã xử lý được trên 11.700 tỉ đồng nợ xấu từ nhiều nguồn như thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu, Sacombank đã thu được 31.336 tỉ đồng nợ xấu, giảm tỉ lệ nợ xấu còn 2,11%, hoàn thành kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra là về dưới 3%.

Tuy nhiên, trong năm 2019 Sacombank chỉ được NH Nhà nước cho tăng tín dụng ở mức 7%, dù đề án tái cơ cấu xây dựng trên mô hình tăng tín dụng từ 18-20% mỗi năm. Do vậy, ngoài việc tích cực "xin" được phân bổ mức tăng tín dụng phù hợp với năng lực, NH này đẩy mạnh nguồn thu sang dịch vụ. Trong năm 2018, thu dịch vụ tại Sacombank đạt 2.682 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 23% tổng nguồn thu, nằm trong số cao nhất trong hệ thống NH.

Riêng khoản thu dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 550 tỉ đồng chỉ sau hơn 1 năm chính thức trở thành đại lý bảo hiểm độc quyền 20 năm của Dai-chi Life VN. Ngoài ra, NH này còn thu được 732 tỉ đồng từ mảng thẻ, 197 tỉ đồng từ dịch vụ NH điện tử. Hoạt động thanh toán nội địa và thanh toán quốc tế của Sacombank cũng đóng góp 42% tỉ trọng trong tổng thu dịch vụ...

Hi sinh lợi nhuận để giảm lãi suất?

Trong khi đó, nhiều cổ đông của BIDV yêu cầu lãnh đạo NH này giải thích lý do kế hoạch lợi nhuận năm 2019 được trình lại giảm còn 10.300 tỉ đồng, thay vì con số 10.500 tỉ đồng như dự kiến ban đầu.

Theo ông Phan Đức Tú - chủ tịch HĐQT BIDV, sau khi rà soát, ban lãnh đạo cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch doanh thu, nhưng cần tăng trích lập dự phòng thêm 200 tỉ đồng nên đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận.

Dự kiến lợi nhuận của NH riêng lẻ đạt 30.000 tỉ đồng và sẽ trích rủi ro 20.200 tỉ đồng. Theo đó, NH mẹ sẽ có lãi khoảng 9.800 tỉ đồng. Tính đến hết quý 1, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 2.521 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 2.262 tỉ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trả lời câu hỏi của cổ đông BIDV về việc tìm cổ đông chiến lược, ông Tú cho biết câu chuyện này đã được NH này đặt ra cách đây 7 năm, từ năm 2012. "Và đến đầu năm 2018 đã xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng là KEB Hana Bank - tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc. Chúng tôi đang cùng đối tác hoàn thành tất cả các chặng theo đúng trình tự yêu cầu, triển khai rất nhiều thủ tục liên quan" - ông Tú nói.

Theo ông Tú, hiện vẫn còn một số rào cản kỹ thuật và giá kỳ vọng chưa gặp nhau. Điều này cũng còn tùy thuộc vào thị trường, vào thiện chí nhà đầu tư cũng như quy định của Việt Nam. "BIDV hi vọng Chính phủ cũng như cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện tối đa để có thể sớm kết thúc giao dịch có tầm quan trọng chiến lược trong sự phát triển của BIDV" - ông Tú cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, giải thích việc đề xuất đưa lợi nhuận năm 2019 về mức 20.000 tỉ đồng, giảm so với dự kiến là 500 tỉ đồng, là do yêu cầu của NH Nhà nước. Theo đó, trước khi đại hội cổ đông của NH này được tổ chức, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH phải rà soát kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là việc trích lập dự phòng đầy đủ, nhất là các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Nếu các NH đã trích lập đủ rồi, phải chia sẻ với doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất cho vay. Theo ông Thành, Vietcombank rơi vào trường hợp thứ 2, tức là phải điều chỉnh giảm lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng. "Tuy nhiên, mức 20.000 tỉ đồng trong tờ trình gửi đại hội là mức tối thiểu, có thể cuối năm sẽ vượt kế hoạch" - ông Thành trấn an cổ đông.

Eximbank phải hoãn đại hội do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông?

Sáng 26-4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) lại phải hoãn đại hội cổ đông thường niên do đến 9h30 tỉ lệ tham dự mới đạt 57,66%, trong khi yêu cầu phải đạt 65% mới có thể khai mạc đại hội. Theo quy định, Eximbank sẽ tiến hành đại hội cổ đông lần 2 trong vòng 30 ngày, với tỉ lệ bắt buộc để được khai mạc chỉ còn 51%.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân sâu xa khiến Eximbank chưa thể tiến hành được đại hội cổ đông thường niên là do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, trong đó mỗi nhóm cổ đông đều nắm một tỉ lệ biểu quyết khá lớn. Trước đó, liên quan đến hoạt động của NH này đã có hàng loạt lùm xùm như chuyện bầu chủ tịch HĐQT, tin "hành lang" về thay đổi cơ cấu cổ đông, thua kiện phúc thẩm bà Chu Thị Bình...

A.Hồng

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên