24/09/2016 09:30 GMT+7

Lợi ích rõ rồi, cứ thực hiện thôi

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bài toán khoán xe công vừa được Bộ Tài chính giải bằng quyết định khoán xe công đối với cấp thứ trưởng trở xuống, thực hiện từ ngày 1-10.

Xe công đỗ trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Người dân mong muốn việc này cũng được áp dụng bắt buộc với cơ quan, đơn vị khác.

Rõ ràng quyết định của Bộ Tài chính áp dụng việc khoán xe công với các chức danh thuộc diện được xe công đưa đón (lãnh đạo hưởng phụ cấp 1,25 trở lên, tức là từ cấp tổng cục trưởng, thứ trưởng);

Đơn giá khoán theo mức các hãng taxi phổ biến trên thị trường; số ngày khoán là số ngày làm việc theo quy định của Bộ luật lao động (22 ngày/tháng); số tiền cụ thể được tính trên tổng số kilômet (hai lượt: đi và về) từ nơi ở đến công sở.

Theo cách tính này, Bộ Tài chính có 3 thứ trưởng nhận mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng (nhà cách công sở khoảng 15km), 2 thứ trưởng nhận mức khoán 5,28 triệu đồng/tháng (khoảng 8km) và thứ trưởng ở gần công sở nhất nhận mức khoán 3,96 triệu đồng/tháng.

Trước đó, Văn phòng Quốc hội đã thí điểm khoán xe đối với một số trường hợp với mức 10 triệu đồng/tháng (không tính nhà ở xa hay gần công sở).

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: “Tôi tự lái xe riêng đi làm và thấy thoải mái với mức khoán này”.

Như vậy, cách tính của Bộ Tài chính là cụ thể và công bằng với các đối tượng thuộc diện được xe công đưa đón (người ở xa được nhận nhiều tiền hơn, dựa trên chi phí thực tế). Không còn nghi ngờ gì nữa, dư luận hoan nghênh và đánh giá cao cách làm này.

Về mặt kinh tế, khoán xe tiết kiệm hơn chi phí sử dụng xe công rất nhiều. Theo một tính toán sơ bộ được lãnh đạo Cục Quản lý công sản đưa ra năm 2015, mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi gần 13.000 tỉ đồng để khoảng 40.000 xe công vận hành, cụ thể khoảng 320 triệu đồng/xe.

Tạm lấy công thức khoán xe của Bộ Tài chính nêu trên, với khoảng cách trung bình từ nơi ở đến công sở của một quan chức là 10km thì chi phí khoán một xe công khoảng 7 triệu đồng/tháng (hơn 80 triệu đồng/năm).

Tại sao chi phí khoán và chi phí sử dụng xe công lại khác xa nhau như vậy? Câu trả lời cũng đã rất rõ ràng: nhiều xe công bị lạm dụng.

Chỉ được đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, nhưng nhiều quan chức sử dụng xe công như xe riêng: đưa con đi học, đưa vợ đi lễ chùa, cuối tuần đi chơi golf, dự tiệc, thậm chí về quê đón người giúp việc... Đây cũng là lý do khiến chủ trương khoán xe đã thí điểm nhiều năm nhưng chưa có hồi kết.

Lợi nhiều như thế, mấy ai muốn tự nguyện rời ghế xe công?

Nhiều ý kiến cho rằng đến thời điểm này không cần phải hội thảo, tổng kết, đánh giá gì nữa về cơ chế khoán xe công bởi Bộ Tài chính đã làm sáng rõ cả rồi.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng thành luật pháp, quy định, buộc tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước và cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách phải thực hiện.

Xe công chỉ phục vụ một số ít các đối tượng đặc biệt cần phải đảm bảo an ninh ở cấp độ cao hoặc công vụ đặc biệt, có thể là từ cấp bộ trưởng trở lên.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên