23/12/2016 10:03 GMT+7

Lời hịch lịch sử

Đại tá THẾ KỶ 
(người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ)
Đại tá THẾ KỶ 
(người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ)

TTO - Trong những ngày căng thẳng tháng 12-1946, trên căn gác hẹp ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), Hồ Chủ tịch được báo cáo đầy đủ tình hình đang diễn ra trên khắp đất nước.

Chiếc bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội). Tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiếc bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội). Tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Thực dân Pháp đã lộ rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Liệu Người có tiếp tục nhân nhượng với kẻ thù nữa không?

Quyết định: đánh

Trong một cuộc họp, ông Võ Nguyên Giáp đã báo cáo với Hồ Chủ tịch về cuộc họp của bọn trùm thực dân Pháp ở Đông Dương tại Hải Phòng. Theo tin mật ta nắm được, bọn chóp bu đã quyết định đánh chiếm Hà Nội vào đêm 20-12-1946.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ trung ương Đảng đã họp, nhận định tình hình, dự kiến khả năng và bàn cách đối phó.

Lịch sử dân tộc đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ vai trò quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, giờ đây lại đang được chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Hồ Chủ tịch đang ngày đêm cùng trung ương đem hết trí tuệ và sức lực quyết hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân và lịch sử giao phó.

Trong những ngày này, nhân dân Việt Nam càng thấm thía lời dạy của Lênin: Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn.

Ngày 18-12-1946, sau khi nghe thư ký Vũ Kỳ tường thuật về không khí căng thẳng của Hà Nội, Hồ Chủ tịch hỏi: “Khẩu hiệu “Thề chết không làm nô lệ” có nhiều không?”.

Ông Vũ Kỳ nói hầu như nhà nào ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang cũng có. Nghe thế, Bác có vẻ vui.

Đêm đó, Hồ Chủ tịch thức khuya. Người bắt đầu viết những dòng đầu tiên của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Nhật ký của ông Vũ Kỳ kể lại: “Đêm nay Bác lại thức khuya. Ngọn đèn dầu tỏa một vùng sáng nhỏ. Bác ngồi xổm trên giường, mắt đăm chiêu nhìn vào mảnh giấy trước mặt. Phía Hà Nội, súng nổ nhiều hơn các đêm trước. Chiếc bút học sinh trong tay Bác, ngòi bằng sắt, bắt đầu viết những dòng đầu tiên của một lời hịch lịch sử”.

Vẫn theo ông Vũ Kỳ, khi viết xong Bác thanh thản ngả mình trên chiếc giường gỗ, dát tre. Khi ông Vũ Kỳ vào thu xếp tài liệu cho Bác, đã nghe tiếng Bác thở đều đều.

Sáng sớm 19-12, Hồ Chủ tịch viết một bức thư gửi cho Sainteny, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương, và bảo thư ký Vũ Kỳ đưa cho ông Võ Nguyên Giáp đang ở một địa điểm gần Ngã Tư Sở góp thêm ý kiến.

Bức thư viết: “Những ngày vừa qua tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thực là rất đáng tiếc. Trong khi chờ đợi quyết định của Paris, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giáp tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.

Bức thư sau đó được giao cho ông Hoàng Minh Giám để trực tiếp chuyển tới Sainteny ngay chiều 19-12. Hồ Chủ tịch đã muốn tránh cuộc chiến tranh đến phút cuối cùng.

Tuy nhiên, Sainteny từ chối gặp người đại diện của Chính phủ ta vì chúng đã có kế hoạch ngày hôm sau nổ súng. Chúng tiếp tục ra tối hậu thư đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Trưa 19-12, ông Vũ Kỳ về lại Vạn Phúc báo cáo tình hình với Bác.

Nghe chuyện Sainteny từ chối tiếp ông Hoàng Minh Giám, Bác hơi cau mày. Nhật ký của ông Vũ Kỳ viết về thời điểm đó: “Bác trầm ngâm một lúc, bước thêm mấy bước đến bên chiếc bàn để bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chiều nay sẽ thông qua Thường vụ, nói khẽ như buột miệng nhưng rõ ràng, dứt khoát: Hừ! Thì đánh”.

Cuộc họp trên căn gác

Trưa 19-12-1946, Hồ Chủ tịch không nghỉ mà ngồi xem lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chuẩn bị cho cuộc họp vào buổi chiều.

Tới chiều, Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp của Thường vụ trung ương Đảng. Một cuộc họp lịch sử ở ngay trong căn gác hẹp nhà ông Nguyễn Dương ở làng Vạn Phúc, nơi ở và làm việc của Bác lúc đó.

Ông Trường Chinh báo cáo tình hình và nêu lên nội dung chủ yếu của đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Ông Võ Nguyên Giáp báo cáo những vấn đề chính về tình hình và kế hoạch quân sự.

Cuộc họp không kéo dài. Mọi công việc cần thiết đã được khẩn trương chuẩn bị từ trước. Các quân khu đã lập xong. Bộ tổng tham mưu được thành lập ngày 7-9-1945 đã có khả năng đảm đương nhiệm vụ tác chiến phức tạp.

Tại cuộc họp đó, Hồ Chủ tịch kết luận rằng tình hình không cho phép tiếp tục nhân nhượng nữa vì thực dân Pháp đã lộ rõ mưu đồ xâm lược. Hồ Chủ tịch khẳng định cuộc kháng chiến sẽ gian khổ, trường kỳ nhưng nhất định sẽ thắng lợi.

Người cũng đưa ra cho mọi người góp thêm ý kiến về Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi do chính Người viết cô đọng nhưng sức mạnh truyền cảm, động viên rất lớn, nối tiếp lịch sử oanh liệt của dân tộc VN.

Riêng mệnh lệnh chiến đấu của Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội cho toàn thành phố có đoạn viết: “Những sự chuẩn bị ráo riết và hành động khiêu khích của địch chứng tỏ chúng sắp gây chiến thực sự. Vì vinh dự của Tổ quốc và quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước”.

Kết thúc cuộc họp, khi mọi người ra về, theo nhật ký Vũ Kỳ ngày 19-12-1946: “Bác ung dung bình thản tiếp tục ngồi viết một lúc nữa.

Viết xong, Bác thu xếp tài liệu vào cặp rồi gọi tôi bảo: “Các chú sửa soạn đi nhé, chiều tối nay chúng mình sẽ chuyển”. Thế thôi! Thế cũng đủ hiểu. Lúc đó là 18g45”.

Chiều 19-12-1946 tại ấp Thái Hà, Bộ tổng chỉ huy phổ biến nhiệm vụ chiến đấu cho Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội. Ngay sau đó, kế hoạch và giờ nổ súng toàn thành được bí mật phổ biến đến khắp các đơn vị vũ trang thành phố.

Đúng 20g ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy điện phá máy, điện trong thành phố vụt tắt. Đại bác của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Đào Xuyên tới tấp giội bão lửa vào các trại lính của Pháp ở trong thành.

Các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào các vị trí của địch. Theo kế hoạch đã định, tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột điện. Công nhân lật nghiêng những toa xe điện, xe lửa ở một số ngã ba, ngã tư.

Nhân dân các phố Hàng Gai, Hàng Bông quẳng các kiện tơ, kiện bông. Nhân dân Hàng Bát quẳng bát, ấm chén.

Nhân dân các phố Lò Sũ, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Sinh Từ khuân các khúc gỗ lớn xuống đường. Nhân dân các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Muối ném bàn tủ, giường ghế ra đường cản địch. Các trục giao thông bị chặt đứt nhiều đoạn.

Hàng vạn đồng bào thuộc các khu phố tình nguyện chiến đấu bên cạnh lực lượng vũ trang. Bà con ngoại thành nổi trống liên hồi từ làng này sang làng khác. Tự vệ ngoại thành đã đồng loạt tiến vào các cửa ô tiếp ứng cho nội thành theo phương án tác chiến đã vạch.

Hà Nội đứng dậy anh dũng chiến đấu mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

Sáng 20-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch theo làn sóng điện truyền đi khắp đất nước và trên toàn thế giới. Lời kêu gọi viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không!

Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...”.

Đại tá THẾ KỶ 
(người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên