20/12/2016 12:05 GMT+7

Giờ cứu nước - Kỳ 5: Cuộc chiến đấu của những hàng binh Nhật

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Những người lính Nhật đội mũ có hình sao vàng trên nền đỏ, đứng cùng chiến hào Việt Minh đánh trả quân Pháp là hình ảnh thường xuất hiện trong những ngày toàn quốc kháng chiến.

Những người lính Nhật này đã tham chiến cùng quân Việt Minh trong những ngày toàn quốc kháng chiến - Ảnh tư liệu
Những người lính Nhật này đã tham chiến cùng quân Việt Minh trong những ngày toàn quốc kháng chiến - Ảnh tư liệu

Ái Việt chiến đấu theo điều anh cho là lẽ phải mà còn không sợ chết, huống chi tôi đang chiến đấu cho Tổ quốc mình, lại là người đứng đầu đơn vị, sao tôi lại có quyền tỏ ra chần chừ, nhát sợ

Đại đội trưởng Nguyễn Văn Mẫn

Tướng Ngô Huy Phát kể sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, một số sĩ quan, binh sĩ quân đội Thiên Hoàng đã quay súng theo quân kháng chiến Việt Nam.

Ông nói: “Không chỉ tinh thần kiên cường, họ còn được huấn luyện quân sự bài bản và đã trải nhiều thực chiến, nên hỗ trợ rất hiệu quả cho lực lượng cách mạng”.

Người sĩ quan Nhật ở bộ chỉ huy thủ đô

Trước ngày 19-12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy là bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng chỉ huy quân đội) đã nhiều lần truyền đạt chủ trương: Nếu giặc Pháp cố tình đánh chiếm Hà Nội, thì nhiệm vụ mặt trận là phải chiến đấu giam chân địch để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, thực hiện phương châm chiến lược “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”.

Nhưng đây là mệnh lệnh khó trong thời điểm quân đội kháng chiến mới được thành lập, vũ trang thiếu thốn phải đối đầu với đạo quân bộ binh lê dương, tăng thiết giáp Pháp thiện chiến và có hỏa lực áp đảo.

Hồi ấy có một sĩ quan trong quân đội phát xít Nhật sang hàng ta được ở gần Bộ Chỉ huy Hà Nội để góp ý kiến. Sĩ quan hàng binh ấy lấy tên Việt Nam là Ái Việt.

Khi được tham gia bàn bạc kế hoạch tác chiến với Bộ Chỉ huy ở ngôi nhà hai tầng, phía bắc Ngã Tư Sở chừng 200m, Ái Việt đề xuất ta chia thành từng phòng tuyến để chiến đấu.

Tuyến thứ nhất bám sát các cửa ô như ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, Ô Yên Phụ... để bảo vệ vòng trong thủ đô.

Phòng tuyến thứ hai bên ngoài theo các đường Đuôi Cá, Giáp Bát, Thanh Liệt vòng ra Mọc Quan Nhân, Cầu Giấy, Chèm. Phòng tuyến thứ ba bên ngoài dọc Văn Điển, sông Nhuệ, Hà Đông.

Kế hoạch tác chiến phòng thủ Hà Nội của sĩ quan Nhật này có vẻ hợp lý. Ái Việt đã tìm hiểu kỹ bản đồ Hà Nội và vùng phụ cận trước khi góp ý. Pháp sẽ phải phá vỡ ba vòng cung trận địa này mới có thể chiếm đóng được Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, tướng Vương Thừa Vũ và Bộ Chỉ huy mặt trận nhận thấy không thể thực hiện được trong điều kiện quân đội khi ấy.

Đây là lối phòng thủ theo kiểu truyền thống, chính quy, chỉ phù hợp với binh lực mạnh như Nhật. Còn phương châm tác chiến của quân kháng chiến lúc ấy là “toàn diện, toàn dân”, lấy yếu chống mạnh, dùng trường kỳ thắng sở đoản...

Cuối cùng, phương án tác chiến của viên sĩ quan Nhật không được chọn, nhưng nó cũng gợi nhiều ý tưởng tham khảo cho phương án “Trùng độc chiến” mà mặt trận Hà Nội đã thực hiện để chống trả kẻ thù mạnh hơn mình.

“Khi địch nổ súng gây chiến, ta có thể nhanh chóng quật trả lại để giành thế chủ động tiêu diệt một bộ phận địch, rồi thu quân để có lực lượng trong đánh ra, ngoài đánh vào, giằng co để giam chân địch. Việc bố trí lực lượng để lại trong địch, hồi đó ta gọi là “trùng độc chiến”.

Có lực lượng ta ở bên trong thì địch không thể rảnh tay đánh thúc hậu phương ta. Ngược lại, có lực lượng ta ở bên ngoài, Pháp không rảnh tay tiêu diệt lực bên trong của ta” - tướng Vương Thừa Vũ thuật lại.

Cùng một chiến hào

Tuy kế hoạch phòng thủ của viên sĩ quan Nhật mang tên Ái Việt không được chọn lựa, nhưng anh và các đồng đội Nhật khác của mình vẫn sát cánh cùng quân kháng chiến Việt Nam trên chiến hào chống Pháp.

Nguyên đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 77 Vệ quốc đoàn Nguyễn Văn Mẫn nhớ lại ngay khi chiến sự nổ ra ác liệt, Ái Việt không chịu ở trên Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội nữa mà tình nguyện xung phong ra tuyến đầu.

Nhiều đêm ông Mẫn và Ái Việt thường đi kiểm tra vọng tiêu canh gác của chiến sĩ và bị đại liên đối phương nhằm bắn từ xa.

“Thú thật, có lúc tôi đã run. Nhưng nhìn Ái Việt bình tĩnh, tôi lấy lại được can đảm. Ái Việt chiến đấu theo điều anh cho là lẽ phải, mà còn không sợ chết, huống chi tôi đang chiến đấu cho Tổ quốc mình, lại là người đứng đầu đơn vị sao tôi lại có quyền tỏ ra chần chừ, nhát sợ” - nhiều năm trôi qua với bao biến động thời cuộc, đại đội trưởng Mẫn vẫn nhớ những ngày đầu bước vào cuộc chiến vệ thành Hà Nội với hàng binh Nhật.

Khi chiến sự bùng nổ ác liệt, đơn vị ông Mẫn cùng các đại đội Lê Ty, Duy Tân được giao nhiệm vụ quan trọng trấn giữ Ô Cầu Dền.

Phòng tuyến cực kỳ hiểm yếu vì ngay phía sau là phố Bạch Mai, nơi đặt sở chỉ huy các đơn vị, kho lương thực, thuốc men...

Đối đầu với tăng, thiết giáp Pháp, quân dân Hà Nội đào đất đá và dùng cả các mảng tường vỡ, giường, tủ thép, cọc tre, cọc sắt dựng thành chiến lũy vô cùng kiên cố. Rất nhiều lần trọng pháo Pháp đã bắn phá nhưng ngay sau đó được dân quân dựng lại như cũ.

Cả mặt trận Hà Nội chỉ có khẩu badôca (bazooka) duy nhất với năm viên đạn của Mỹ được đưa xuống chống tăng ở phòng tuyến này. Đích thân đại đội trưởng Mẫn về Sở chỉ huy, nhận súng và nghe mệnh lệnh: “Cả mặt trận chỉ có một khẩu này, dù mất người cũng không được để mất súng”.

Tuy nhiên, khi súng về đến đơn vị lại chưa ai từng bắn hỏa lực này trong khi đạn chỉ có năm viên, không được phép bắn rút kinh nghiệm. Đúng lúc ấy, Yasuda, một hàng binh Nhật tên Việt là Hồ Chí Tâm, xung phong tác xạ vì đã từng bắn súng này.

Để bắn trúng mục tiêu, anh ôm súng bò lên gần xe tăng mới bắn. Hai phát đạn đầu bắn trúng đích hai xe tăng và thiết giáp đối phương. Nhưng sau đó, Hồ Chí Tâm cũng hi sinh trước làn đạn đại liên bắn trả của kẻ thù.

Ở các trận địa khác, những người lính Nhật cùng chiến hào với quân kháng chiến vẫn tiếp tục chiến đấu. Tại Bộ Tổng tham mưu, Matsui, một lính Nhật là trung đội phó trung đội tự vệ, đã lên thay trung đội trưởng hi sinh để tiếp tục chiến đấu.

Đạn dược gần cạn, anh cầm khẩu trung liên bắn cản đường cho đồng đội Việt Nam rút hết rồi mới chịu rút.

Không chỉ tham chiến trực tiếp, nhiều sĩ quan, binh sĩ Nhật đầu hàng Việt Minh còn tham gia huấn luyện cho các kháng chiến quân mới lần đầu làm quen súng đạn trước khi chiến sự lan rộng.

70 năm trôi qua, các cựu chiến binh vệ quốc năm nào vẫn còn nhớ những cái tên Nhật thân quen như đại úy Misunobu Nakahara (tên Việt là Minh Ngọc), thiếu tá Ishi Taku (Nguyễn Văn Thống), thiếu tá Sato (Nguyễn Minh Tâm), Igami (Phan Lai), đại úy quân y Inoue (Lê Trung), Tanimoto Kikuo (Đông Hưng)...

Khi Trường Võ bị lục quân đầu tiên ở Quảng Ngãi được thành lập, một số sĩ quan Nhật này từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã đến đây làm huấn luyện viên quân sự bên cạnh các thầy giáo chính trị người Việt.

Kinh nghiệm thực chiến của họ rất cần đối với quân kháng chiến mới hôm trước còn là nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên chưa một ngày cầm súng.

Đặc biệt, lực lượng Việt Minh cũng thông qua những sĩ quan Nhật có cảm tình với cách mạng này để tìm nguồn vũ khí từ quân đội Nhật và lính Pháp bị họ giải giáp hồi đầu năm 1945. Những khẩu súng, viên đạn ấy vô cùng quý giá cho cuộc chiến vệ quốc xương máu...

_____________________________

Kỳ tới: Những tướng lĩnh trẻ tuổi

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Đạn đã lên nòng

>> Kỳ 2: Bỏ bút để cầm súng

>> Kỳ 3: Đội quân thiếu niên

>> Kỳ 4: Những cô gái bất khuất

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên