22/12/2016 14:56 GMT+7

Cứu vãn hòa bình

ĐẠI TÁ THẾ KỶ, (Người giúp việc cho ông Vũ KỲ 
- thư ký của Bác Hồ)
ĐẠI TÁ THẾ KỶ, (Người giúp việc cho ông Vũ KỲ 
- thư ký của Bác Hồ)

TTO - Mùa đông năm 1946, cả Hà Nội như một thùng thuốc súng sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Làm sao để tránh được một cuộc chiến tranh?

*** Error ***
Tại Tòa thị chính ở Paris (trong chuyến thăm Pháp năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa - Nguồn: Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Thông Tấn

Đó là câu hỏi luôn day dứt trong đầu Hồ Chủ tịch - người đứng đầu một Nhà nước non trẻ, chỉ vừa mới thành lập được hơn một năm.

Sách lược tạm hòa hoãn

Ngày 2-12-1946, bọn tây mũ đỏ kéo đến phá phách Phòng thông tin Tràng Tiền. Quân Pháp từ các nơi được điều về Hà Nội nhiều hơn.

Cùng ngày, Sainteny, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương, từ Paris trở lại Hà Nội và đề nghị được gặp Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ phủ vào ngày 3-12.

Sáng sớm 3-12, Bác từ Hậu Ái (Hoài Đức, Hà Tây cũ) ra Hà Nội để chuẩn bị tiếp Sainteny. Trời rét ngọt, Bác mặc thêm chiếc áo ấm và quàng khăn len. Chưa tới 6g sáng xe Bác đã tới Bắc Bộ phủ. Cửa sắt còn khép chặt, bên trong chèn gỗ.

Đúng 18g tối, Sainteny đến. Đây chính là người đã thay mặt Chính phủ Pháp ký hiệp định sơ bộ với Hồ Chủ tịch cách đây chín tháng. Hồ Chủ tịch xin lỗi nằm tiếp vì đang ốm mệt.

Đêm hôm trước, Sainteny cùng bọn tướng lĩnh Pháp thông qua kế hoạch đánh úp Hà Nội. Chúng đang chờ thời cơ. Chúng muốn giành thế chủ động.

Sainteny thấy Hồ Chủ tịch gầy yếu, bị mệt phải nằm tiếp khách, vẻ mặt y lộ rõ niềm vui. Có thể y nghĩ rằng cho đến giờ phút này mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn ốm mệt thì chắc chắn thế chủ động sẽ thuộc về chúng.

Trước đó chín tháng, ngày 6-3-1946, tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ, khi văn bản hiệp định vừa ký xong, Sainteny với vẻ mặt thỏa mãn, nâng cốc chúc mừng Hồ Chủ tịch đã tránh được một cuộc xung đột có thể xảy ra.

Lúc đó, Hồ Chủ tịch đã nghiêm sắc mặt nói với Sainteny: “Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được độc lập hoàn toàn”.

Hôm nay, Hồ Chủ tịch gặp lại người đại diện đó của Chính phủ Pháp trong lúc tình hình Hà Nội đang như một nồi thuốc súng do chính Pháp gây ra, phản bội lại chữ ký của mình.

Tuy vậy, Hồ Chủ tịch vẫn kiên nhẫn đạt được một số thỏa thuận để dành thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chắc chắn sẽ xảy ra nay mai.

Trong cuộc gặp mặt tối hôm đó, hai bên đã thỏa thuận: giải quyết một cách ổn thỏa những xung đột đang xảy ra tại Hải Phòng và Lạng Sơn; thi hành nhanh chóng bản tạm ước 14-9 đã ký ở Paris trong chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tránh tất cả những vụ có thể tạo ra một bầu không khí gay go.

Sainteny rời Hà Nội lúc trời đã tối mịt. 19g, ông Trần Đăng Ninh đưa xe tới đón Bác. Xe rời thành phố trong gió lạnh. Lác đác đâu đây có tiếng súng nổ.

Bọn Pháp vẫn tăng cường khiêu khích. Ngồi trong xe, Bác hỏi ông Ninh công tác chuẩn bị đã làm thêm được những gì rồi, tình hình tổ chức tản cư của Hà Nội ra sao và Bác dặn đối với cụ già và trẻ em, phải chú ý giải quyết cho tốt.

Thực ra, không phải đến lúc đó Hồ Chủ tịch mới tính đến khả năng chiến tranh sẽ nổ ra. Từ tháng 10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã ra nghị quyết nêu rõ “Phải nhận định nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.

Vì thế, Đảng và Bác đã dùng sách lược tạm hòa hoãn.

Thư cho Thủ tướng Pháp

Tối 3-12-1946, Bác không về Hậu Ái nữa. Xe đến thị xã Hà Đông, rẽ qua cầu đầu làng Vạn Phúc thì đỗ lại. Trời lúc này đã tối hẳn. Đường làng lát gạch. Đến một cổng xây, ông Trần Đăng Ninh đưa Bác qua một khoảnh sân nhỏ rồi lên cầu thang hẹp bên phải.

Đây là làng Vạn Phúc có truyền thống dệt lụa từ mấy trăm năm nay, dân phần đông giàu có. Làng nằm sát Hà Nội, trình độ nhân dân khá.

Trong làng có nhiều đường tắt, ngõ ngang tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bí mật. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định chọn đây là một cơ sở để Bác và trung ương làm việc.

Đêm hôm đó, Bác làm việc rất khuya, trong lúc phía Hà Nội mờ mờ một vùng sáng, thỉnh thoảng lại vút lên một ánh lửa.

Trong căn gác hẹp, Bác ngồi trên giường thay ghế, vai khoác chiếc áo choàng ngắn, đầu cúi xuống bên ngọn đèn dầu nhỏ, Bác chăm chú viết trên chiếc bàn gỗ kê sát giường.

Tình hình ngày càng căng thẳng, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Hồ Chủ tịch ngày đêm suy nghĩ, cân nhắc làm thế nào tránh được cuộc chiến tranh đổ máu.

Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, hội nghị trù bị Đà Lạt tháng 5-1946, hội nghị Fontainebleau tháng 9-1946 đều không đi đến kết quả do lực lượng phản động thực dân đang chiếm ưu thế trong Quốc hội và Chính phủ Pháp.

Chính đêm 3-12, Hồ Chủ tịch đã viết thư riêng cho Léon Blum, Thủ tướng Pháp vừa trúng cử: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết lòng cộng tác thật thà như anh em với nhân dân Pháp, vì vậy đã ký các hiệp định để cứu vãn tình thế.

Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi. Tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt mà hạ lệnh cho đương cục Pháp ở Đông Dương khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946 để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành tạm ước 14-9, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”.

Nước Pháp đã đánh giá sai lầm

Sau này, trong hồi ký của mình, Sainteny đã hối hận viết:

“Từ khi gặp ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên, tôi đã có cảm tưởng là con người khổ hạnh đó mà nét mặt biểu lộ cả trí thông minh và nghị lực lẫn mưu trí và tế nhị, là một con người siêu đẳng chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một nhân vật chính trị nổi bật trên diễn đàn châu Á.

Kiến thức rộng rãi, trí thông minh cùng với các hoạt động lạ lùng, khả năng chịu đựng mọi kham khổ và lòng vị tha không bờ bến của ông đã đem đến cho ông uy tín lớn và sức thuyết phục không ai có thể sánh nổi.

Thật đáng tiếc là nước Pháp đã đánh giá quá thấp con người ấy, đã không hiểu được giá trị và sức mạnh của bậc vĩ nhân ấy”.

Tình hình mỗi ngày càng thêm căng thẳng. Ngày 13-12-1946, báo Cứu Quốc đăng lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch với phóng viên báo Paris - Sài Gòn: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh.

Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập”. Song, Hồ Chủ tịch cũng khẳng định: “Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm”.

Thậm chí, Người còn nhấn mạnh: “Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.

Thái độ của Hồ Chủ tịch rõ ràng vừa mềm dẻo, vừa cương quyết. Mặc dù vậy, ngày 14-12-1946, Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng.

Ngày 15-12-1946, theo tin nước ngoài, nhiều lính Pháp ở Algeria đã được chuẩn bị chuyển gấp về cảng Marseille để xuống tàu sang Đông Dương.

Về phía ta, khắp các địa phương từ Nam chí Bắc sôi nổi tổ chức mittinh, gửi thư điện lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để biểu thị lòng căm thù đối với bọn xâm lược và biểu thị quyết tâm sắt đá, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.

Trên khắp các ngả đường từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy các khẩu hiệu “Thà chết không làm nô lệ”, “Tích cực chuẩn bị kháng chiến”, “Kháng chiến là sống, không kháng chiến là chết”, “Toàn dân kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”...

Tất cả biểu hiện một tinh thần quyết chiến của toàn dân đối với dã tâm xâm lược của bọn thực dân Pháp.

Tất cả đã sẵn sàng, tất cả chờ lệnh của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỳ cuối: Lời hịch lịch sử 

ĐẠI TÁ THẾ KỶ, (Người giúp việc cho ông Vũ KỲ 
- thư ký của Bác Hồ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên