Mới đây các nhà khoa học đã làm nên "kỳ tích" khi lấy được lõi băng hơn 1,2 triệu năm tuổi từ tảng băng Nam Cực.
Thành tựu này sẽ giúp tiết lộ những bí mật về khí hậu cổ xưa của Trái đất, đồng thời cung cấp dữ liệu có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các điều kiện khí quyển trong quá khứ và ý nghĩa của chúng đối với các vấn đề khí hậu hiện tại.
Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, với sự tham gia của 16 nhà khoa học và nhân viên hỗ trợ từ khắp châu Âu.
Theo trang Science Alert, việc tiếp cận được lớp băng siêu cổ này không hề dễ dàng. Các nhà nghiên cứu đã mất hơn 200 ngày khoan sâu vào tảng băng Nam Cực, đến độ sâu gần 3.000m họ mới lấy được những lõi băng quý giá.
Mọi việc diễn ra gần trạm nghiên cứu Concordia trong suốt bốn mùa hè ở Nam Cực. Trạm Concordia nằm ở độ cao hơn 3.200m, một vị trí với điều kiện khắc nghiệt. Ngay cả trong những tháng mùa hè "ấm hơn" ở Nam Cực, nhiệt độ cũng hiếm khi vượt quá -30 độ C.
Frédéric Parrenin, một trong những nhà băng hà học tham gia dự án, chia sẻ: "Điều kiện rất khắc nghiệt khi bạn nghĩ đến nơi chúng tôi đang làm việc - gần như trên đỉnh tảng băng Nam Cực".
Theo các nhà nghiên cứu, những lõi băng cổ đại này như những "cỗ máy thời gian" chứa các bong bóng khí, chính là những mẫu không khí từ bầu khí quyển cổ xưa.
Bằng cách phân tích những bong bóng này, các nhà khoa học có thể tái hiện bầu khí quyển của Trái đất trong quá khứ, bao gồm cả mức độ carbon dioxide (CO2).
Việc hiểu cách CO2 và các yếu tố khác thay đổi trong hàng triệu năm qua có thể mang lại manh mối về xu hướng khí hậu trong tương lai, và cách chúng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái toàn cầu. Các nhà khoa học cũng hy vọng tạo ra các thông tin giúp định hình chính sách và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành tựu đáng kinh ngạc này không chỉ mở rộng giới hạn của khoa học, mà còn nhắc nhở tất cả chúng ta về vai trò của mình trong việc giữ gìn sự cân bằng mong manh của Trái đất cho các thế hệ mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận