Gánh nặng chi phí học hành cho con tiếp tục đè nặng lên vai các bậc phụ huynh. Không ít phụ huynh cất tiếng ta thán. Báo chí vào cuộc, dư luận bàn tán. Lập tức ngành giáo dục lên tiếng yêu cầu các trường phải chấm dứt ngay tình trạng lạm thu. Có nơi còn tỏ ra nghiêm túc khi thực hiện kiểm điểm, kỷ luật các đơn vị bị phát hiện lạm thu. Thật ra yêu cầu nghiêm cấm lạm thu đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy. Nhiều nơi coi việc lạm thu là điều kiện để đảm bảo hoạt động giảng dạy.
Thậm chí nhiều trường còn công khai tuyên bố “sống chung với lạm thu”. Giải thích cho tuyên bố đó, những trường này cho rằng học phí và các khoản thu theo quy định hiện nay đã quá lỗi thời. Nói cách khác, học phí và những khoản thu theo quy định quá thấp. Nếu không thu thêm, với những khoản phí theo quy định, các trường không thể duy trì hoạt động, tổ chức giảng dạy. Có hiệu trưởng còn tâm sự đã từ lâu nhà trường không còn quan tâm nhiều đến học phí, bởi nó đã không có ý nghĩa gì đối với hoạt động của trường. Thay vào đó, họ dồn sự quan tâm đến những khoản phí “ngọt ngào” mang danh tự nguyện. Đó là những khoản không phải học phí nhưng phụ huynh vẫn phải móc túi ra đóng dù so với học phí cao gấp nhiều lần.
Thực tế đã chứng minh phần đóng góp ngoài học phí của phụ huynh cao hơn rất nhiều so với những đóng góp theo quy định. Thống kê của một địa phương cho thấy phần đóng góp “ngoài luồng” của phụ huynh liên tục tăng trong những năm qua. Và gần đây nhất, khối lượng đóng góp này đã nhiều gấp ba lần học phí chính thức. Như vậy, dù học phí chính thức chưa tăng, phụ huynh vẫn phải è cổ đóng tiền ngày một nhiều hơn.
Chính những thực tế này, nhiều người cho rằng cần phải xây dựng lại mức học phí cũng như quy định lại các khoản thu khác theo hướng tăng lên, đủ bù đắp chi phí hoạt động, giảng dạy của trường. Những người ủng hộ đề nghị này hi vọng khi đó nhà trường sẽ khắc phục được tình trạng thâm hụt và phải chấm dứt nạn lạm thu. Người ta cũng hi vọng rằng khi các khoản thu tăng lên, nghĩa là phụ huynh đóng góp nhiều hơn thì học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều hơn.
Nhìn từ góc độ thị trường đơn thuần, việc tính toán như vậy của các trường cũng không có gì đáng bàn cãi. Song, chúng ta không thể quên rằng đây là vấn đề về nền giáo dục của một đất nước. Việc tính cách thu thêm khoản này, khoản nọ hay lên phương án tăng học phí xét cho cùng cũng chỉ là tìm cách vắt cạn kiệt thêm “bầu sữa” phụ huynh. Trong khi đó, giáo dục phổ thông là cấp học mang tính nền tảng. Nó rất cần một sự chăm lo, đầu tư nhiều hơn nữa, đầu tư một cách xứng đáng từ nguồn lực của Nhà nước. Chỉ khi được Nhà nước quan tâm thật sự, nhà trường và phụ huynh mới hi vọng thoát khỏi cảnh loay hoay với bài toán tiền trường mỗi khi năm học mới bắt đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận