Một buổi học thực tế theo phương pháp tích hợp của HS Trường THPT Thái Bình - Ảnh: Gia Gia |
Đó là lý do nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh việc dạy học theo hướng ngày càng tích hợp, tăng cường đề thi với câu hỏi “mở” để học sinh có thể vận dụng kiến thức liên môn.
Những dạng đề mới mẻ theo hướng tích hợp, liên môn đang tạo sự hứng thú trong dạy và học. Tuy nhiên, sự đóng khung của chương trình đang khiến phương pháp dạy học tích hợp, liên môn gặp nhiều rào cản.
Tự mày mò
Giáo viên đang bị đóng khung về mặt chương trình “Để thay đổi phương pháp giảng dạy cần phải có một lộ trình để các môn song hành, tiến tới việc trong tương lai học sinh chỉ làm một bài thi nhưng có thể chấm nhiều môn. Nếu thực hiện được việc tích hợp, liên môn thì rất tốt, tuy nhiên vấn đề là giáo viên đang bị đóng khung về mặt chương trình và thời gian, khó thực hiện. Ở nước ngoài người ta đưa ra chương trình nhưng không phân phối cụ thể, giáo viên được tự tổ chức hoạt động dạy học của mình miễn sao đảm bảo nội dung. Nhưng ở mình thì thời điểm đó phải dạy bài học đó, giáo viên khó đổi mới”. |
Tại TP.HCM, nỗ lực tích hợp kỹ năng sống và kiến thức xã hội vào giảng dạy mới chỉ được nhìn thấy ở một số trường phổ thông tư thục với khả năng chủ động cao trong việc tổ chức dạy học, tự phân phối chương trình, chủ động thời gian cho hoạt động thực tế, ngoại khóa.
Như tại Trường THPT Thái Bình (Q.Tân Bình), một chương trình học tập thực tế dài hơi được lên kế hoạch cụ thể từ mỗi đầu năm học, trong đó học sinh sẽ có ít nhất bốn đợt học tập thực tế tích hợp các môn học.
Đầu tháng 11-2014, trường này tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các tỉnh miền Bắc, trong đó tích hợp giảng dạy các bài 32 của môn địa lý, bài 12 và 13 của môn lịch sử, bài 3 và 26 của môn hóa, bài 42 và 43 môn sinh, bài 16, 17 môn vật lý, bài 2 và 3 của môn văn và tích hợp bốn tiết kỹ năng nghị luận xã hội.
Ngoài ra, học sinh cũng được hướng dẫn phát triển kỹ năng sống và hướng nghiệp. Học sinh làm bài kiểm tra, thu hoạch tại mỗi địa điểm tham quan và học tập.
Giáo án tích hợp được các giáo viên bộ môn ngồi lại với nhau để soạn giảng, trong đó tính toán những bài học nào, phần kiến thức nào có thể tích hợp, có mức độ liên quan... để chuyển tải đến học sinh.
Nỗ lực là vậy, nhưng trường cũng mới chỉ thực hiện việc tích hợp chứ chưa thể triển khai phương pháp liên môn.
Số trường tư có điều kiện và nỗ lực tổ chức dạy học tích hợp như trên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Với trường công, giáo viên khó thoát ra khỏi thời khóa biểu thường nhật được lên theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Muốn tích hợp chỉ chờ đến ngoại khóa, muốn liên môn thì chờ có dịp báo cáo chuyên đề hoặc thao giảng.
Nhiều giáo viên tại TP.HCM cho biết việc vận dụng phương pháp giảng dạy tích hợp, liên môn hiện nay mới chỉ dừng ở việc giáo viên nào hứng thú thì tự mày mò thực hiện, tổ chức một vài tiết học, chuyên đề để phục vụ thao giảng, dự giờ và đi... thi là chính.
Một giáo viên dạy sinh ở quận Bình Thạnh cho biết: “Khi các giáo viên bộ môn ngồi lại với nhau thì phát hiện có nhiều kiến thức có thể dạy liên môn, giúp học sinh nhớ lâu hơn, ví dụ môn sinh và hóa có nhiều kiến thức liên hệ lẫn nhau. Tuy nhiên phần kiến thức liên quan đó lại nằm ở lớp 10 của môn này và lớp 12 của môn kia.
Mặt khác, giáo viên hiện nay chỉ lo làm tốt môn của mình đã bở hơi tai huống gì nghiên cứu thêm một, hai môn khác để thực hiện liên môn. Những điều này đã hạn chế rất nhiều những ưu thế dạy học mà lẽ ra giáo viên có thể khai thác và ứng dụng hiệu quả”.
Bao giờ cho hết... đóng khung?
Theo thầy Nguyễn Hữu Thanh, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Du (Q.10): “Với những môn khoa học xã hội như ngữ văn, việc tích hợp có nhiều thuận lợi bởi mối liên hệ về thông tin, hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội.
Khi giảng dạy theo hướng này, tôi thấy học sinh tham gia tương tác với giờ giảng rất tích cực và thể hiện nhiều ý tưởng, nhận định, suy nghĩ rất mới mẻ trong từng chủ đề. Tuy nhiên, giáo viên cần nhiều thời gian đầu tư cho giáo án, tìm kiếm nhiều thông tin và phải có kiến thức liên ngành vững chắc.
Mặt khác, áp lực về thời lượng tiết dạy, phân phối chương trình, số lượng môn học khiến cả người dạy và người học chưa thể toàn tâm toàn ý mà chỉ dừng lại ở một số bài học, một số chủ đề.
Chỉ khi nào học sinh thoát khỏi áp lực học để thi, giáo viên không còn gánh nặng về tỉ lệ điểm số và thành tích, lúc ấy phương pháp dạy học tích hợp, liên môn sẽ hiệu quả và trở thành niềm hứng thú sáng tạo trong dạy và học”.
Còn thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên lịch sử Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình (Q.Tân Bình), nêu ý kiến: “Từ trước đến nay, nhiều giáo viên đã và đang sử dụng phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, liên môn, lồng ghép trong lời giảng, liên hệ thực tế từng bài học.
Tuy nhiên đến nay người ta mới bắt đầu định nghĩa dạy liên môn, tích hợp. Khi dạy sử giáo viên có thể kết hợp hướng dẫn học sinh xem bản đồ, vẽ biểu đồ hay liên hệ một số tác phẩm văn học có liên quan đến thời kỳ đó.
Tuy nhiên, không phải dễ thực hiện bởi người dạy cần tính toán, chuẩn bị xem chọn phương pháp nào, kỹ năng nào tích hợp vào bài giảng, việc này sẽ mất thời gian và công sức. Giáo viên có thể linh động tích hợp bài vở mọi nơi mọi lúc, trong lớp học hay giờ ngoại khóa. Tuy nhiên nếu giáo viên thụ động, lười đổi mới thì quay lại với cách giảng dạy truyền thống là đọc chép”.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết: “Vấn đề cốt lõi là giáo viên được đào tạo giảng dạy đơn môn, trước giờ các giáo viên bộ môn hiếm khi có sự trao đổi chuyên môn lẫn nhau, sách giáo khoa cũng đang viết theo kiểu đơn môn và hệ thống bài chưa ăn khớp với nhau khiến kiến thức này có thể đã học ở môn này rồi, năm sau lại học lại ở môn khác mà không có sự đồng bộ.
Dạy tích hợp, liên môn rất hay, học sinh sẽ thích thú và hiểu rộng. Tuy nhiên nó chỉ thành công với điều kiện Bộ GD-ĐT xây dựng một khung chương trình đồng bộ, không chồng chéo và cho phép giáo viên được tự chủ nhiều hơn trong việc lồng ghép, tích hợp, phân bố thời gian cho bài học. Trường sư phạm cũng cần đào tạo giáo viên có kiến thức, phương pháp giảng dạy tích hợp, liên môn ngay từ bây giờ”.
Quá tải tích hợp Thời gian gần đây, giáo viên tiểu học được yêu cầu phải tích hợp giáo dục vào tất cả môn học các nội dung bảo vệ môi trường, kỹ năng sống, sử dụng năng lượng tiết kiệm và mới đây nhất là giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Tùy theo nội dung bài học ở từng môn, từng bài của các môn đạo đức, tự nhiên xã hội, khoa học, lịch sử, địa lý, tiếng Việt... mà tích hợp ở ba mức độ: toàn phần, bộ phận, liên hệ. Mặc dù những nội dung giáo dục tích hợp này rất tốt, tuy nhiên sự tích hợp quá nhiều đã dẫn đến quá tải và không hiệu quả. Với yêu cầu tích hợp này, các thầy cô dạy tiểu học phải tăng thêm công việc của mình. Ngoài những bài được gợi ý tích hợp, tổ chuyên môn phải thảo luận để thống nhất xem nội dung bài dạy nào trong chương trình phù hợp với nội dung tích hợp nào. Sau đó, giáo viên phải ghi thêm vào lịch báo giảng của cá nhân mình sau mỗi tựa bài học nội dung tích hợp. Tiếp theo, các thầy cô giáo phải bổ sung vào giáo án của mình các nội dung tích hợp này và tiến hành tích hợp trong thực tế giảng dạy. Nhiều bài học đã được tích hợp quá nhiều như bài địa lý lớp 5 “Địa hình và khoáng sản” cũng tích hợp các nội dung môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Bài tập đọc lớp 5 “Lập làng giữ biển” phải tích hợp môi trường, kỹ năng sống, giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo... Chỉ với một bài học mà tích hợp nhiều như thế thì không thể nào giáo viên chuyển tải hiệu quả được, vì nếu chuyển tải hết các nội dung tích hợp thì thời gian đâu để đảm bảo mục tiêu chính của bài học phải dạy và không phải thầy cô nào cũng có khả năng tích hợp một cách khéo léo vào bài giảng theo đúng yêu cầu toàn phần, bộ phận hay liên hệ. Vậy là các bài dạy có tích hợp này thường chỉ là thêm một câu hỏi để thể hiện tích hợp mà thôi nên rất gượng gạo và không đem lại tác dụng gì. Có những bài được gợi ý tích hợp (gợi ý nhưng thực tế là buộc dạy), giáo viên không tìm thấy một nội dung nào “dính líu” để xen nội dung tích hợp vào như bài khoa học “Năng lượng” ở lớp 5. Theo yêu cầu gợi ý, bài khoa học này tích hợp nội dung giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo với nội dung tích hợp là biển cung cấp một nguồn năng lượng quý giá: dầu, khí đốt, năng lượng gió, thủy triều. Trong khi nội dung bài khoa học này chỉ là nêu các ví dụ hoặc các thí nghiệm đơn giản về các vật biến đổi vị trí, hoạt động, nhiệt độ... nhờ cung cấp năng lượng. Như vậy chỉ khi nào giáo viên thay đổi thêm vào nội dung bài học trong sách giáo khoa thì mới tích hợp được. Chính sự tích hợp quá nhiều đã dẫn đến việc giáo viên chỉ tích hợp trên giấy (viết trong báo giảng, giáo án) hay trong các tiết dự giờ, người dạy đưa thêm một vài câu hỏi để tích hợp một cách gượng ép, không có giá trị sâu sắc. Theo tôi, thay vì phải tích hợp một cách khó khăn và quá tải như thế, chúng ta nên thực hiện như một chuyên đề cho cả trường. Mỗi nội dung tích hợp sẽ thực hiện thành một chuyên đề trong suốt một tháng trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp mỗi tuần. Chẳng hạn tháng 9 thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong tiết sinh hoạt lớp giáo viên sẽ cho các em tìm hiểu về cuộc đời Bác, kể những câu chuyện về Bác, dạy các em những bài hát về Bác... Sinh hoạt đầu tuần, trường sẽ tổ chức cho các em nhiều hình thức sinh động hấp dẫn như “hái hoa dân chủ” tìm hiểu về cuộc đời Bác, thi kể chuyện về Bác Hồ, hát múa ca ngợi Bác Hồ... Tháng 10 sẽ thực hiện chuyên đề “Giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo” cũng bằng nhiều hình thức như tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, sưu tầm ảnh biển đảo, vẽ tranh biển đảo, hát múa về biển đảo... Mỗi chuyên đề kéo dài trong suốt tháng, chắc chắn các nội dung cần giáo dục tích hợp trên sẽ để lại những kiến thức sâu sắc, hình ảnh bền lâu trong tâm trí các em hơn là tích hợp một cách hình thức qua các bài dạy trên lớp chỉ vài phút sơ sài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận