Trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Đầu năm học mới, phụ huynh các nơi than vãn phải đóng nhiều loại phí cho nhà trường, có nơi giáo viên bêu tên học sinh chưa đóng phí trước lớp.
Thu tiền của học sinh thi THPT quốc gia
Mới đây, phụ huynh học sinh Trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ánh nhà trường thu một số khoản tiền quá cao, không đúng quy định.
Theo đó, nhà trường thu tiền của học sinh khối lớp 10 các khoản như: tiền học thêm 6 triệu đồng/năm học, tiền xây dựng cơ sở vật chất 3 triệu đồng, tiền ngày công phụ huynh học sinh 400.000 đồng. Đặc biệt, nhà trường còn thu 200.000 đồng/em đối với học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Dinh và bà Nguyễn Thị Thanh, đều là phó hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình, khẳng định phụ huynh phản ánh "không đúng sự thật".
"Năm học 2017-2018, nhà trường thu tiền học thêm đối với tất cả học sinh của trường theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành GD-ĐT, mức thu là 12.000 đồng/buổi, tối đa không quá 240.000 đồng/tháng đối với học sinh đi học thêm đủ buổi. Việc học sinh đi học thêm là tự nguyện, phải có đơn xin học thêm, có chữ ký xác nhận của phụ huynh", ông Dinh nói.
Ông cũng cho biết nhà trường không đề ra khoản thu và không bao giờ thu tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học với mức 3 triệu đồng/học sinh. Ông giải thích thêm: năm học 2016-2017, nhà trường có chủ trương cải tạo, nâng cấp khu giáo dục thể chất của trường, với tổng kinh phí dự toán là 800 triệu đồng.
Chủ trương này được Sở GD-ĐT, huyện ủy, UBND huyện Nga Sơn đồng ý và cho phép triển khai trong nhiều năm bằng hình thức xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, cựu học sinh của trường, phụ huynh học sinh; mỗi năm huy động tiền xã hội hóa cho công trình này không quá 200 triệu đồng.
Năm 2017, Hội phụ huynh học sinh của trường đưa ra mức đóng góp bằng hai ngày công, trị giá bằng 300.000 đồng/phụ huynh. Đây là mức đóng góp do phụ huynh bàn bạc, đưa ra và tự thu, nhà trường không thu khoản tiền này.
Còn về khoản thu 200.000 đồng đối với học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cả ông Dinh và bà Thanh đều nói nhà trường không chỉ đạo thu và không đứng ra thu, mà do Hội phụ huynh học sinh của trường tự đứng ra thu của các phụ huynh có con thi THPT quốc gia.
Theo Hội phụ huynh học sinh, tổng số tiền thu khoản này là 80 triệu đồng, chi tiếp đón và quà cho cán bộ coi thi tại trường hết 54 triệu đồng; còn lại 26 triệu đồng đã nhập vào Quỹ khuyến học của trường và vừa qua đã dùng để khen thưởng cho học sinh thi THPT quốc gia điểm cao.
"Việc Hội phụ huynh học sinh thu khoản tiền trên là sai quy định của ngành, nhà trường xin nhận một phần trách nhiệm và sẽ yêu cầu Hội phụ huynh học sinh không được thu khoản tiền này nữa", ông Dinh nói.
Đóng tiền mua báo, lót nền?
Trường TH Vĩnh Ninh bị nhiều phụ huynh phản ánh thu tiền "hỗ trợ tự nguyện" đầu năm quá cao - Ảnh: NHẬT LINH
Tại TP Huế, phụ huynh Trường Tiểu học Vĩnh Ninh phản ánh học sinh lớp 1 phải đóng các khoản tiền đầu năm như tiền cơ sở vật chất 800.000 đồng, tiền áo ấm 240.000 đồng/bộ... Ngoài ra mỗi phụ huynh phải đóng tiền "hỗ trợ tự nguyện" ít nhất 5 triệu đồng.
Phụ huynh cũng phản ánh ở Trường Tiểu học Lê Lợi, mỗi phụ huynh khối lớp 1 phải đóng ít nhất 5 triệu đồng/học sinh bao gồm tiền cơ sở vật chất, lắp điều hòa, đồng phục…Trong đó có 3 triệu đồng tiền "hỗ trợ tự nguyện xây dựng cơ sở vật chất". Tất cả các khoản trên đều thu tại trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lâm Thủy - phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Huế, cho biết qua xác minh, việc thu tiền "hỗ trợ tự nguyện" là có thật. Tuy nhiên việc thu này không sai quy định và được UBND TP Huế chấp thuận.
Ông Thủy cũng cho biết các trường học không đưa ra bất kỳ văn bản nào yêu cầu phụ huynh phải đóng ít nhất là 3 triệu hay 5 triệu. Dù vậy, Phòng GD-ĐT TP Huế đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các trường học bị nhiều phụ huynh phản ánh việc "thu các khoản hỗ trợ tự nguyện đầu năm".
Phòng cũng yêu cầu các trường phải báo cáo cụ thể về các khoản thu ngoài học phí, tránh tình trạng "lạm thu" đầu năm. Những khoản tiền như lắp điều hòa, học tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống… đều phải được phòng phê duyệt và thu theo từng tháng một.
"Riêng những khoản tiền này phải được sự đồng thuận của 100% phụ huynh mỗi lớp học thì mới được thu tiền. Dù chỉ một vài người không đồng ý thì nhà trường cũng không được phép thu", ông Thủy nói.
Tại TP Bạc Liêu, phụ huynh phản ánh một số trường tiểu học thu các khoản tiền lót nền, tiền lắp máy lạnh… Phụ huynh nào không đóng những khoản tiền nêu trên thì giáo viên "điểm danh" bằng việc gọi tên học sinh đứng lên trong lớp làm học sinh xấu hổ.
Theo ông Nguyễn Tấn Khương - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, các trường cho rằng những khoản thu này đều là "ý nguyện" của hội phụ huynh học sinh nên việc xử lý gặp khó khăn.
Trường bắt phụ huynh đóng tiền mua báo?
Tại TP.HCM, phụ huynh phản ánh một số trường yêu cầu đóng 100.000 mỗi học sinh để mua báo hàng tháng.
"Con tôi mới vô lớp 1, còn chưa biết chữ mà đầu năm nhà trường đã bắt phải đóng tiền mua báo đọc, quá vô lý", phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở quận Bình Tân bức xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận