Elon Musk từng chỉ trích Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) xâm phạm quyền tự do của mình - Ảnh: CNN
Elon Musk đã hỏi hàng triệu người đang theo dõi ông rằng: có nên bán 10% cổ phần trong công ty hay không. Bất chấp ý định của ông là gì, có vô hại hay không, thì cũng đã dẫn tới một đợt bán tháo cổ phiếu.
Sự việc xảy ra từ tháng 11-2021, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đã mời Elon Musk lên làm việc trong tháng đó, nhưng nay công ty mới thừa nhận. Việc hai bên có đạt được thỏa thuận mới hay không thì chưa bên nào tiết lộ.
Trước đó, vào năm 2018, CEO Tesla Elon Musk bị SEC mời lên làm việc vì đã chơi trò "ném đá thăm dò" khi tweet (đăng bài trên Twitter) về khả năng công ty có thể trở thành công ty tư nhân (có thể phát hành cổ phiếu và có cổ đông, nhưng không được giao dịch trên các sàn giao dịch công khai).
Ban đầu, SEC rất muốn trừng phạt Elon Musk, nhưng thẩm phán đã yêu cầu hai bên ngồi xuống và đi đến thỏa thuận. Với việc Elon Musk thường xuyên vi phạm, liệu SEC có chấp nhận thỏa thuận mãi? - Ảnh: Fortune
Tesla lên sàn chứng khoán từ năm 2010, hiện là một trong những nhà sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới. Model 3 là chiếc xe bán chạy nhất của hãng này. Năm 2018, Musk tuyên bố đã đảm bảo đủ vốn cần thiết nên có ý định mua lại cổ phần từ các cổ đông và chuyển Tesla thành công ty tư nhân.
Dòng tweet đó được đăng lên giữa phiên giao dịch, khiến giá cổ phiếu của Tesla tăng chóng mặt. Sau đó, SEC đã điều tra.
Chẳng được bao lâu, Elon Musk lại cho đăng tải nội dung về triển vọng sản xuất của Tesla, cụ thể là ông đã viết "khoảng" 500.000 chiếc Model 3 được sản xuất trong năm đó, mà không hề được SEC chấp thuận. Ban đầu, SEC rất tức giận và muốn trừng phạt Musk, nhưng hai bên đã đạt được một thỏa thuận khác vào tháng 4-2019 về việc những gì Elon Musk có thể và không thể tweet.
Nhưng với vụ việc tháng 11-2021, cuộc chiến giữa hai bên lại bùng phát. Sau khi đăng tweet hỏi về việc bán cổ phần, giá cổ phiếu Tesla đã giảm 16% trong hai ngày giao dịch tiếp theo, dẫn đến "lời mời lên làm việc". Theo Reuters, giá cổ phiếu Tesla đã giảm 25% kể từ đó.
Không chỉ có một ông chủ rắc rối, chính Tesla cũng có những vấn đề khác như cáo buộc quấy rối, chất lượng sản phẩm bị hoài nghi - Ảnh: Tesla
Khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu Tesla giảm thêm 1,4% vào giữa phiên giao dịch ngày 7-2. Như thường lệ, Tesla không có bình luận gì về vấn đề này vì họ thiếu bộ phận quan hệ truyền thông.
Không chỉ có vấn đề về giao dịch chứng khoán, Tesla còn nhận "trát" từ cơ quan quản lý lao động của bang California (Mỹ) xoay quanh các cáo buộc về phân biệt chủng tộc và quấy rối tại nơi làm việc, và cơ quan quản lý giao thông vận tải liên bang về hiện tượng "phanh ảo" (phanh gấp mà không rõ lý do) trên nhiều sản phẩm của Tesla.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận