10/02/2021 07:20 GMT+7

Lo sợ đột biến mới khiến đại dịch mất kiểm soát

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Biến thể mới ở Anh đang trong quá trình tiếp nhận một đột biến đáng lo ngại nhất trong biến thể ở Nam Phi (đột biến E484K). Các đột biến mới này sẽ chiếm ưu thế và đại dịch sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Lo sợ đột biến mới khiến đại dịch mất kiểm soát - Ảnh 1.

Báo Business Day ở Nam Phi rao báo ngày 8-2 nêu cảnh báo về biến thể mới - Ảnh: REUTERS

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về hậu quả do các biến thể COVID-19 mới gây ra.

WHO đưa ra "một số cảnh báo quan trọng"

Tại cuộc họp báo trực tuyến từ Genève (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận xét: "Rõ ràng đây là các mối quan tâm mới đáng lo ngại".

Ông Tedros ghi nhận vắc xin của hãng AstraZeneca/Oxford là một trong nhiều vắc xin đã chứng minh có hiệu quả trong ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng nhất, các vấn đề nhập viện và tử vong do COVID-19. Song ông lưu ý: "Các biến thể virus mới đã đặt câu hỏi về tác động tiềm tàng của chúng đối với vắc xin".

WHO nhận định do quy mô thử nghiệm mẫu hạn chế đồng thời những người tham gia thử nghiệm ở lứa tuổi trẻ hơn và khỏe mạnh hơn nên điều quan trọng là "xác định xem liệu vắc xin có còn hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng hay không".

WHO ghi nhận các nhà sản xuất vắc xin cần dự tính đến các biến thể mới nhất cho các loại vắc xin trong tương lai, bao gồm vắc xin tiêm nhắc lại.

WHO cho rằng cần mở rộng sản xuất và triển khai vắc xin nhanh và rộng hết mức có thể để bảo vệ mọi người trước khi họ tiếp xúc với các biến thể mới.

Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh cần tiếp tục phát triển và thử nghiệm mới đối với vắc xin đồng thời theo dõi chặt chẽ tác động của vắc xin về dịch tễ học, bệnh hiểm nghèo và tỉ lệ tử vong để có thể sử dụng vắc xin hiệu quả nhất.

Lo sợ đột biến mới khiến đại dịch mất kiểm soát - Ảnh 2.

Thực tập điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Đại học Toulouse (Pháp) - Ảnh: ladepeche.fr

Pháp cảnh giác hơn với các biến thể mới

Tối 7-2 (giờ địa phương), Tổng cục Y tế Pháp (DGS thuộc Bộ Đoàn kết và Y tế) đã gửi thông báo khẩn cấp dài 4 trang đến các cơ quan y tế.

Theo báo Le Parisien, thông báo khẩn cấp xác định quy trình mới nhằm ngăn chặn các biến thể virus mới với các nội dung chính như sau:

Mọi xét nghiệm có kết quả dương tính dù là PCR hay kháng nguyên đều bắt buộc phải qua xét nghiệm sàng lọc PCR lần hai trong 36 tiếng để biết ca dương tính đó có phải do biến thể mới hay không và đó là biến thể nào.

Mọi trường hợp tiếp xúc của các ca dương tính đều phải được xét nghiệm ngay khi nhận dạng chủng virus.

Cách ly 10 ngày nếu đó là biến thể mới ở Nam Phi hoặc Brazil (trước đó người dương tính chỉ bị cách ly 1 tuần). Cuối thời gian cách ly, các ca nhiễm phải qua xét nghiệm kiểm tra. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn dương tính, tiếp tục cách ly thêm 7 ngày.

.Trong trường học, nếu học sinh dương tính hoặc có tiếp xúc với phụ huynh dương tính với các biến thể mới ở Nam Phi hoặc Brazil, lớp tự động nghỉ học. Các học sinh khác trong lớp và giáo viên phải được xét nghiệm ngay. Quy định này cũng được áp dụng nếu giáo viên bị nhiễm hoặc có tiếp xúc với ca nhiễm.

Từ ngày 8-2, mặt nạ bằng vải tự chế bị cấm sử dụng trong trường học. Học sinh phải đeo khẩu trang loại 1 có chức năng bảo vệ cao hơn.

Lo sợ đột biến mới khiến đại dịch mất kiểm soát - Ảnh 3.

Viện Pasteur ở Paris (Pháp) nghiên cứu biến thể mới SARS-CoV-2 ngày 21-1 - Ảnh: AFP

Lo ngại sẽ có thêm nhiều biến thể mới khác

Báo Les Echos đánh giá hiện nay các nhà khoa học lo ngại hai điều:

Một, các biến thể mới khác có thể tiếp tục xuất hiện trong khi đại dịch vẫn đang lan rộng. Mới đây Cơ quan Y tế công cộng Anh đã xác định biến thể mới ở Anh đang trong quá trình tiếp nhận một đột biến đáng lo ngại nhất trong biến thể ở Nam Phi (đột biến E484K).

Hai, các đột biến mới này sẽ chiếm ưu thế và đại dịch sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

GS virus học Vincent Maréchal giải thích: "Hiện nay chúng ta có hàng ngàn biến thể đang lưu hành, nhiều biến thể không có tác dụng đặc biệt nhưng cần phải hiểu chúng đang cạnh tranh với nhau để chinh phục vật chủ là con người. Trong cuộc chinh phục này, có một số biến thể 'giỏi hơn' các biến thể khác, đó là các biến thể mà đột biến mang đến lợi thế cho chúng như lây nhiễm nhiều hơn, lâu hơn".

5 lý do để chúng ta phải sợ virus SARS-CoV-2 5 lý do để chúng ta phải sợ virus SARS-CoV-2

TTO - Loài người đối mặt COVID-19 đến nay đã hơn một năm mà vẫn còn khổ sở. Chúng ta khó loại bỏ virus SARS-CoV-2 vì chúng kết hợp nhiều đặc điểm về tỉ lệ tử vong, cách thức lây nhiễm, khả năng đột biến.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên