02/01/2023 11:09 GMT+7

Lo ngại đại dịch mới khi COVID-19 bước sang năm thứ 3

Khi đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ 3, các chuyên gia lo ngại nguy cơ xảy ra một đại dịch khác vẫn còn hiển hiện.

Lo ngại đại dịch mới khi COVID-19 bước sang năm thứ 3 - Ảnh 1.

Thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, tâm dịch COVID-19 đầu tiên của thế giới, vừa trải qua sự kiện mừng năm mới 2023 sôi động - Ảnh: REUTERS

Ngày 31-12-2019, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một căn bệnh mới đang lây lan ở Vũ Hán, thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc.

Một ngày sau đó, tại thành phố 12 triệu dân này, một khu chợ bán động vật sống đã bị đóng cửa vì lo ngại đó là nơi phát sinh loại vi rút mà sau này được đặt tên là SARS-CoV-2.

Giờ đây, ngoài nỗi lo về một loại vi rút có thể lây từ động vật sang người, các chuyên gia còn lo ngại về các tai nạn trong nghiên cứu và một khả năng khó xảy ra nhưng không thể loại trừ: ai đó cố tình giải phóng mầm bệnh lây lan gây chết người.

Ông Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown (Washington, Mỹ) và là chuyên gia hàng đầu về sức khỏe toàn cầu, cho biết đại dịch từ lâu đã được biết đến là rủi ro đối với an ninh toàn cầu cao hơn nhiều so với chiến tranh thông thường, hạt nhân hay hóa học.

Trong khi đó trên thực tế COVID-19 vẫn chưa phải mối đe dọa tồi tệ nhất loài người từng đối mặt. Mặc dù cho tới nay đại dịch này đã giết chết hơn 6,6 triệu người trên toàn cầu, nhưng các đại dịch khác còn gây chết nhiều người hơn.

Theo báo USA Today, bệnh cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của 50 triệu người trên toàn cầu. "Cái chết đen" - cách gọi của đại dịch dịch hạch vào thế kỷ 14 - giết chết 30%-60% tổng số người châu Âu chỉ trong 4 năm.

Các chuyên gia y tế công cộng và quốc phòng lo ngại đại dịch tiếp theo sẽ khiến con người trả cái giá đắt hơn COVID-19 và các quốc gia cần phải sẵn sàng cho thực tế này.

Chuẩn bị ra sao?

Công tác chuẩn bị không chỉ phụ thuộc vào các đột phá khoa học. Tiến sĩ Raj Panjabi, giám đốc cấp cao về an ninh y tế toàn cầu và phòng thủ sinh học tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết việc này cũng liên quan đến đầu tư vào con người.

Theo ông Panjabi, trong nhiều thập kỷ, Mỹ ít đầu tư vào nhân viên y tế cộng đồng và nhân sự ngành thú y, bao gồm các nhà dịch tễ học, bác sĩ thú y, y tá và nhân viên y tế cộng đồng.

Vào tháng 10-2022, chính quyền ông Biden ra mắt chiến lược phòng thủ sinh học quốc gia để chống lại các mối đe dọa sinh học và tăng cường khả năng chuẩn bị cho đại dịch mới. Ông Panjabi tóm tắt một số mục tiêu và mốc thời gian của chiến lược đó như sau:

- Xét nghiệm: cho phép xét nghiệm mầm bệnh mới trong vòng 12 giờ, xét nghiệm đột biến trong vòng một tuần và xét nghiệm cụ thể mầm bệnh trong vòng 30 ngày.

- Vắc xin: vắc xin mới nên được phát triển trong 100 ngày, sản xuất đủ cho toàn bộ dân số Mỹ trong vòng 130 ngày và đủ cho nhóm dân số có nguy cơ cao trên toàn thế giới trong 200 ngày.

- Phương pháp điều trị: phương pháp điều trị mới nên được phát triển trong 180 ngày.

"Thời gian là sự sống", ông Panjabi nói. "Chúng ta phản ứng tốt như thế nào phụ thuộc vào chúng ta chuẩn bị tốt ra sao".

Chính quyền ông Biden cần 88 tỉ USD trong 5 năm tới để thực hiện kế hoạch. "Hàng tỉ đô la đầu tư ngay bây giờ để tiết kiệm hàng ngàn tỉ đô la trong tương lai cùng vô số sinh mạng con người ở Mỹ và trên toàn cầu", ông Panjabi nói.

WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin thực tình hình dịch COVID-19 WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin thực tình hình dịch COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin cụ thể, kịp thời về tình hình dịch COVID-19 của nước này trước những lo ngại của toàn cầu về việc quốc gia tỉ dân không thông tin đúng thực tế những gì đang diễn ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên