Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (giữa) và đoàn giám sát làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ngày 18-6 - Ảnh: Dương Ngọc |
Tuy chưa phát hiện ca bệnh nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế, từ bài học Hàn Quốc cho thấy VN không được chủ quan với căn bệnh này. Hôm qua 18-6, bà Tiến cũng đã thị sát Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và làm việc với UBND TP Hà Nội bàn kế hoạch phòng chống MERS-CoV xâm nhập.
Thói quen khám lòng vòng, đi thăm người bệnh
Tại phiên họp với Bộ Y tế chiều 18-6, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN cho biết một trong những lý do Hàn Quốc lây lan dịch là do thói quen của người dân. “Người dân có thói quen đi khám lòng vòng nhiều bác sĩ, đến một bác sĩ khám và kết luận bệnh họ không tin, lại đi khám bác sĩ khác, từ đó tăng nguy cơ lây lan ở cơ sở y tế. Bên cạnh đó là thói quen thăm người bệnh, từ người quen, người thân, hàng xóm... đều đi thăm thể hiện sự quan tâm và vô tình làm lây lan bệnh dịch. Thói quen này rất giống với tình hình ở VN” - vị đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Long - thứ trưởng Bộ Y tế, từ vụ dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc (tính đến sáng 18-6, Hàn Quốc ghi nhận thêm ba ca mắc và bốn ca tử vong mới), có năm bài học nhắc nhở VN ghi nhớ, bên cạnh tình trạng lòng vòng khám bệnh và đi thăm người bệnh là vấn đề chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện.
Ông Long cho biết bệnh viện Hàn Quốc hiện đại hơn VN rất nhiều nhưng bệnh MERS-CoV lây lan chủ yếu ở bệnh viện, tức là còn chưa trúng đích trong chống nhiễm khuẩn.
“Cần tìm mọi biện pháp truyền thông cho người dân và cán bộ y tế biết cách phòng tránh bệnh, như thường xuyên vệ sinh bề mặt bàn ghế, tay vịn cầu thang, nút bấm điện thoại, thang máy chứ không chỉ đeo khẩu trang đơn thuần. Cũng không truyền thông chung chung có bao nhiêu ca mắc mà truyền thông cụ thể là phòng chống ra sao...” - ông Long nói.
Ông Long nhấn mạnh việc cơ quan y tế hiện chưa có đủ hiểu biết về MERS-CoV cũng ảnh hưởng đến kết quả phòng chống căn bệnh này.
Trước đây khi dịch mới xâm nhập vào Hàn Quốc, người ta cho rằng không thể có lây lan MERS-CoV thế hệ thứ 3, tức là từ nguồn lây động vật sang người, rồi từ người sang người kế tiếp và lại sang người kế tiếp, nhưng thực tế đã có lây lan thế hệ thứ 4-5 và có thể còn lây lan nhiều thế hệ hơn nữa.
Hà Nội chi 25 tỉ đồng mua trang thiết bị, vật tư phòng dịch
Cuối tuần trước, Bộ Y tế mới báo cáo Thủ tướng là trong giai đoạn dịch chưa xâm nhập, không đề xuất cấp thêm ngân sách mà sử dụng nguồn ngân sách tại chỗ, thiết bị sẵn có. Tuy nhiên theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế hôm 18-6, riêng bệnh viện này đã đề xuất khoản kinh phí lên đến 88,5 tỉ đồng trong tình huống chưa ghi nhận ca bệnh tại VN.
Khi xuất hiện ca bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đề xuất trên 104,7 tỉ đồng chống dịch. Còn tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Sửu - phó chủ tịch UBND TP, Hà Nội đã chi ngay 25 tỉ đồng cho mua sắm thiết bị, vật tư để dự trữ chống dịch.
Theo Bộ trưởng Tiến, trong thời điểm hiện nay cũng cần dự trữ thuốc men, hóa chất, vật tư y tế, nhưng có những thiết bị được đề xuất là không cần thiết, như máy ECMO thì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có rồi và nếu có thêm thì không có nhân sự để làm.
Bà Tiến cũng cho biết bệnh viện nên đặt phương án nếu có bệnh nhân MERS-CoV thì đưa vào cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ở Đông Anh, Hà Nội, không nên đưa đến cơ sở 1 đông đúc, dễ lây lan và trường hợp lây lan sẽ phải đóng cửa bệnh viện.
“Tại Hà Nội nếu có ca MERS-CoV đầu tiên sẽ tập trung vào Bệnh viện Bắc Thăng Long và cách ly hoàn toàn ở đây, khỏi phải đóng cửa những bệnh viện khác” - bà Tiến yêu cầu.
Hôm nay 19-6, Bộ Y tế sẽ có cuộc kiểm tra tương tự tại sân bay Tân Sơn Nhất và làm việc với UBND TP.HCM về chống dịch MERS-CoV. Đây là chuyến làm việc thứ hai của Bộ Y tế tại Tân Sơn Nhất về MERS-CoV chỉ trong hai tuần qua.
Poster phòng dịch MERS-CoV bằng 3 thứ tiếng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa phát hành poster phòng chống dịch MERS-CoV bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Hàn Quốc. Các poster này sẽ được treo, dán, dựng tại các điểm nhập cảnh và các cửa khẩu, nơi đông người qua lại. Theo đó, hành khách đến từ các quốc gia Trung Đông và Hàn Quốc phải thực hiện công tác khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu thấy các triệu chứng ho/sốt/viêm đường hô hấp phải báo cáo ngay cho cơ sở y tế, số điện thoại nóng: 0963851919. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận